Trong những câu chuyện mà những fan bóng đá lâu năm kể lại cho con cháu, bóng đá đẹp tồn tại như một ký ức hào hùng. Từng có thời người xem World Cup được chiêm ngưỡng Diego Maradona rê bóng qua cả đội tuyển Anh, ghi bàn thắng được bầu chọn là đẹp nhất lịch sử.
Từng có một thời hào hùng mà đội tuyển Hà Lan thi đấu như một cơn lốc màu da cam thực thụ, cuốn tung mọi hàng thủ, cuốn tung cả những sự thực dụng. Nhiều người xem bóng đá thời nay không hiểu tại sao Brazil lại được gọi là vũ đoàn samba, Argentina được ví như điệu tango.
Lionel Messi và đồng đội về nước sau thất bại 3-4 trước ĐT Pháp ở vòng 1/8. Ảnh: Reuters. |
Vì từng có một thời, 2 đại diện Nam Mỹ này chơi bóng như khiêu vũ trên sân cỏ. Tất cả đổi thay. World Cup 2018 diễn ra giống như một bản án tử hình dành cho bóng đá đẹp. Theo thống kê của FIFA, 73 bàn trong 159 bàn thắng được ghi tại World Cup 2018 đến từ những tình huống cố định - đạt tỷ lệ lên tới 46%, cao bậc nhất trong lịch sử World Cup.
Phân tích theo logic, con đường dẫn tới khung thành đối phương bằng những tình huống bóng sống ngày càng khó khăn, nên các đội tuyển buộc phải biến bóng chết thành vũ khí. ĐT Pháp lọt vào chung kết nhờ một tình huống cố định. ĐT Anh ghi đa phần số bàn thắng trong hành trình lọt vào bán kết từ penalty và phạt góc. Nhưng bóng chết vẫn chưa phải là nhát kiếm cuối cùng triệt hạ bóng đá đẹp.
Tại World Cup 2018, những đội bóng đề cao tinh thần cống hiến (mà theo cách gọi của một bộ phận giới chuyên môn thì là ngây thơ) như Bỉ, Morocco, Nhật Bản, Iran đều đã “hy sinh” theo nhiều cách khác nhau. Morocco chơi cả 3 trận đấu vòng bảng đều hừng hực sức sống rồi bị loại từ rất sớm.
Bỉ là một trong những đại diện hiếm hoi duy trì vẻ đẹp của bóng đá tiến sâu, nhưng rồi cũng bị loại tức tưởi trước sự thực dụng tàn nhẫn của người Pháp. Sau trận, thủ thành Courtois bực tức nói: "Người Pháp giết chết bóng đá bằng sự thực dụng của họ. Pháp không xứng đáng vào chung kết".
Tiến vào bán kết nhờ nhiều bàn thắng từ các tình huống cố định, đội tuyển Anh không vượt qua được Croatia khi thua ngược 1-2 sau 120 phút. Đồ họa: Minh Phúc. |
Đội tuyển Anh trong mắt người Anh là bản hùng ca. Tuy nhiên, trong mắt giới chuyên môn, "Tam sư" chỉ là một chú mèo yếu ớt và thực dụng. ĐT Anh đã giết chết không ít trận đấu bằng sự toan tính trong run rẩy của mình. Họ cầm bóng chuyền qua chuyền lại rất thiếu ý tưởng và khiến trận đấu trôi đi tẻ nhạt.
Nước chủ nhà Nga cũng tiến xa hơn dự kiến tại World Cup lần này nhờ vào cách kéo gần như toàn bộ cầu thủ đứng bịt khung thành trong trận đấu với Tây Ban Nha.
Tờ Sport viết: “Nhật Bản cũng yếu, Nga cũng yếu. Ai dự World Cup mà chẳng có tham vọng. Nhưng cách người Nhật thể hiện tham vọng của mình khác với nước chủ nhà. Họ chơi bóng để được tôn trọng chứ không phải để tiến sâu bằng mọi giá. Trên thực tế, có nhiều cách để người hâm mộ nhớ về một giải đấu”.
Có nhiều người làm chuyên môn cho rằng, 30-40 năm sau kỳ World Cup này, con người trong tương lai sẽ chỉ nhớ ĐT Anh lọt tới bán kết, Nga vào tứ kết, không ai nhớ cách họ tiến vào vòng đấu này thế nào. Vậy việc gì phải đá đẹp để bị loại sớm. Cứ thực dụng mà tiến sâu để làm đẹp những trang sử có tốt hơn hay không?
Đó là dấu hiệu của căn bệnh thành tích và nó đang dần dần giết chết bóng đá cống hiến. Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, nếu đến cả những đại diện cho bóng đá đẹp như Brazil, Argentina… cũng bằng mọi giá tiến sâu tại World Cup để được nhắc đến trong tương lai, liệu người hâm mộ sẽ lấy gì để xem?
Tiếc rằng, sự thực dụng nhiều khả năng sẽ là tương lai của bóng đá. World Cup đang ngày càng phát triển theo xu hướng đặt toan tính và chiến thuật lên trên tính cống hiến. Bằng chứng là các đội bóng Nam Mỹ sạch bóng trước bán kết và cũng khá lâu rồi không có một đại diện Nam Mỹ nào bước lên ngai vàng.
Rồi người Nam Mỹ sẽ nhận ra xu thế phát triển của bóng đá và dần khoa học khóa, thực dụng hóa bóng đá của họ. World Cup không còn nhiều đất cho bóng đá đẹp sinh sôi nảy nở nữa.
Lịch thi đấu và kết quả vòng knock-out World Cup 2018. Đồ họa: Minh Phúc. |