Thực tế tại Qatar và các quy định trong World Cup 2022 dấy lên nhiều câu hỏi về "di sản" mà WHO, FIFA đang muốn hướng tới. Ảnh: Dohanews |
Ngày 20/11 (theo giờ Việt Nam), Giải Bóng đá Vô địch Thế giới – World Cup 2022 tại Qatar khai mạc. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi đây là “cơ hội duy nhất để cho thấy thể thao có thể tăng cường sức khỏe như thế nào”.
WHO, Bộ Y tế Công cộng Qatar, FIFA và ban tổ chức hy vọng sự kiện thể thao được mong chờ suốt 2 năm qua sẽ tạo ra một “di sản cho thể thao và sức khỏe”, nhằm bảo vệ sức khỏe của tất cả người hâm mộ, thúc đẩy lối sống lành mạnh và nâng cao sức khỏe tại các cuộc tụ họp đông người trong tương lai.
Nhưng trong một bài viết trên tạp chí The Lancet, câu hỏi đặt ra là liệu World Cup có thực sự tốt cho sức khỏe khi mà thực tế không như chúng ta nghĩ. Đằng sau những hào nhoáng, cảm xúc sân cỏ, World Cup 2022 ẩn chứa những góc khuất đầy bất công và phi lý.
Lời hứa về một di sản thường không thành hiện thực
Những bằng chứng cho thấy lời hứa của WHO, Bộ Y tế Công cộng Qatar, FIFA và ban tổ chức không hề khả dĩ.
Các sự kiện thể thao quốc tế tạo cơ hội cho sự đoàn kết, đồng thời tăng cường lợi ích sức khỏe của hoạt động thể chất. Song, những lời hứa về một di sản thường không thành hiện thực. Ít nhất là trong quá khứ.
Năm 2021, tạp chí The Lancet công bố đánh giá cho thấy Thế vận hội Olympic đã không cải thiện tần suất hoạt động thể chất của người dân. Thậm chí, đây là lúc họ bỏ lỡ nhiều thời gian để tập luyện.
Ẩn sau sự kiện thể thao được mong chờ nhất hành tinh là mối lo về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Qatar. Nền kinh tế Qatar phụ thuộc vào lao động nhập cư, ước tính chiếm khoảng 2,2 triệu trên tổng số 2,9 triệu dân. 95% lực lượng lao động ở Qatar là người di cư, nhiều người trong số họ đến từ Nam và Đông Nam Á, làm việc trong ngành xây dựng.
Qatar có luật tài trợ, ràng buộc tình trạng pháp lý của người lao động nhập cư với người sử dụng lao động. Năm 2020, những cải cách cho phép người lao động thay đổi công việc và mức lương tối thiểu, song, họ vẫn chịu nhiều thiệt thòi về mặt sức khỏe, môi trường sống.
Công nhân phải sống ở chỗ đông đúc, dinh dưỡng kém, có nhiều nguy cơ nghề nghiệp. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng rất hạn chế, chỉ 7% dân số ở Qatar được hưởng ít nhất một phúc lợi bảo trợ xã hội. Các chuyên gia lên án Chính phủ Qatar khi chưa quan tâm tới quyền được chăm sóc sức khỏe của người lao động nhập cư. Điều này vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế và phớt lờ những hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe của người lao động nhập cư cũng như sự phát triển bền vững của quốc gia và toàn cầu.
Nhiều thực phẩm, lối sống thiếu lành mạnh trong mùa World Cup khiến không ít người đặt câu hỏi làm thế nào để WHO và FIFA xây dựng một "di sản cho thể thao và sức khỏe". Ảnh: NBC. |
Thành kiến với LGBTQ+
Mối quan tâm lớn tại World Cup 2022 là quyền của nhóm LGBTQ+. Hoạt động tình dục đồng giới đang bị hình sự hóa ở nước chủ nhà. Những đàn ông Hồi giáo có quan hệ thân mật đồng giới có thể bị kết án tử hình.
Qatar coi việc quan hệ tình dục trước hôn nhân và quan hệ đồng tính là bất hợp pháp và có thể bị phạt tù cao nhất là 7 năm. Tuy nhiên, các nhà chức trách Qatar cho biết trong thời gian diễn ra World Cup, các cặp đôi người nước ngoài chưa kết hôn có thể ở chung phòng khách sạn mà không bị coi là phạm pháp.
Nhận xét từ Khalid Salman, đại sứ World Cup của Qatar, càng khiến thành kiến với cộng đồng đồng tính thêm sâu sắc. Ông coi đồng tính luyến ái là “tổn thương trong tâm trí”, lột tả sự kỳ thị của nước chủ nhà và tăng thêm sự phân biệt đối xử lâu dài đối với người LGBTQ+ trong bóng đá.
Đã có những cam kết về sự an toàn của khách LGBTQ+, nhưng việc kêu gọi những người LGBTQ+ tôn trọng luật pháp Qatar bằng cách che giấu danh tính, giới tính thật khiến họ tổn thương, ảnh hưởng đến những nỗ lực hướng tới bình đẳng toàn cầu cho cộng đồng này.
Mâu thuẫn trong phát ngôn và thực tế
Có một cuộc tranh luận gay gắt về cách các cầu thủ bóng đá, chuyên gia và người hâm mộ nói về vấn đề nhân quyền ở World Cup 2022.
Một số cho rằng chúng ta chỉ nên tập trung vào bóng đá. Nhưng nếu World Cup thực sự muốn hướng tới một di sản về sức khỏe, chỉ có cách lên tiếng chống lại những bất công và sự kiện này được sử dụng như là một nền tảng để kêu gọi thay đổi.
Hoạt động tình dục đồng giới bị hình sự hóa ở 69 khu vực pháp lý trên toàn thế giới, bao gồm 32 trong số 54 quốc gia châu Phi. Việc hình sự hóa hoạt động tình dục đồng giới cần được xóa bỏ. Bởi nó gây ra những hậu quả tàn khốc với sức khỏe và kéo dài tình trạng kỳ thị đồng tính và chuyển giới trong xã hội.
Người lao động nhập cư thường bị phân biệt đối xử và khước từ khỏi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Năm 2019, 169 triệu lao động di cư quốc tế; 2/3 lao động di cư là ở các nước có thu nhập cao, thường đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Ủy ban của Lancet về Di cư và Sức khỏe (UCL) thống kê những đóng góp có giá trị của người lao động nhập cư cho nền kinh tế toàn cầu và mức độ sức khỏe của họ thường xuyên bị tổn hại. Các rào cản phổ biến về việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe gồm không được hưởng các quyền lợi về sức khỏe, rào cản ngôn ngữ và nỗi sợ bị trục xuất.
Vi phạm nhân quyền với người LGBTQ+ và lao động nhập cư là vấn đề sức khỏe toàn cầu, không chỉ của Qatar. Di sản thể thao và sức khỏe của World Cup vẫn có thể được kiến tạo. Bởi nói cho cùng, ít nhất, World Cup là cơ hội để thế giới suy ngẫm về trách nhiệm xã hội, để các tổ chức thể thao, tổ chức y tế toàn cầu và bất kỳ hiệp hội nào lên kế hoạch cho các sự kiện toàn cầu, phản ánh bất kỳ quốc gia nào họ hợp tác. Nó cũng đặt câu hỏi về những tác động của sự kiện thể thao đối với sức khỏe.
World Cup hay bất kỳ sự kiện thể thao nào trên toàn cầu không chỉ là những cảm xúc, vấn đề diễn ra trên sân cỏ.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.