Ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới mới đi được nửa chặng đường, nhưng những hỉ, nộ, ái, ố trên đất Nga đang dần biến World Cup 2018 thành kỳ cúp thế giới hấp dẫn nhất lịch sử.
Bất chấp việc không có Italy hay Hà Lan, những quốc gia luôn mang tới ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới những mảng màu đầy riêng biệt, thì World Cup 2018 vẫn đưa người hâm mộ tới với những cung bậc cảm xúc không tưởng dù giải đấu về lý thuyết mới chỉ kết thúc vòng đấu bảng.
Cả Cristiano Ronaldo lẫn Lionel Messi đều bước tới VCK World Cup có thể là cuối cùng của cả hai với nhiều kỳ vọng. Ronaldo muốn “xả” những bức xúc dồn nén với CLB chủ quản Real Madrid. Khi anh chỉ là nhân vật phụ trong trận chung kết Champions League và vừa úp mở việc mình muốn rời khỏi Santiago Bernabeu.
“Vấn đề của Ronaldo là anh ấy cảm giác mình không được đối xử tôn trọng như cách mà Barca làm với Messi”, tuyên bố của Fabio Capello trên ESPN là một sự thừa nhận cho tâm thế của CR7 khi bước vào World Cup: anh muốn khẳng định bản thân, chứng minh Real Madrid, mà cụ thể là ông chủ Florentino Perez đã sai.
Những gì Ronaldo làm, còn hơn cả một sự khẳng định. Anh lập hat-trick ngay trong trận ra quân trước Tây Ban Nha bằng đúng số bàn thắng mình có được trong 3 kỳ World Cup trước đó. Thế giới gần như nổ tung vì màn trình diễn của CR7. “Tôi biết Bồ Đào Nha cần tôi trong những trận đấu quan trọng và tôi đã trả lời đúng lúc”, Ronaldo tự tin trả lời phỏng vấn sau trận.
Trận thứ hai trước Morocco, Ronaldo ghi bàn quyết định giúp BĐN giành trọn 3 điểm. Và cho dù có sút hỏng phạt đền trong lượt trận cuối với Iran, phạm lỗi suýt dính thẻ đỏ, đẩy đồng đội vào tình thế hiểm nghèo trong vài phút cuối, thì Ronaldo vẫn là một trong những ngôi sao đang tỏa sáng trên bầu trời nước Nga.
Nếu như Ronaldo tỏa sáng dưới những áp lực mà anh tự đặt cho chính mình, thì Messi đã gần như bị chôn vùi trước áp lực mà không chỉ đất nước Argentina mà còn là cả thế giới dành cho anh. Kỳ vọng mà El Pulga phải chịu tại World Cup 2018 là rất lớn, để rồi mọi thứ đi chệch hướng ngay từ giai đoạn khởi đầu.
Cú sút phạt đền hỏng ăn trong trận hòa trước Iceland đã mở ra một thảm họa không tưởng cho Messi khi anh và những đồng đội thua tiếp Croatia 0-3 sau đó. Cửa tử gần kề, Messi bỗng đứng vụt dậy bằng chính thứ đẳng cấp khiến anh được giới chuyên môn khẳng định là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử.
Đầu tiên Messi tuyên bố anh “sẽ không từ giã ĐT Argentina chừng nào chưa giành được cúp Vàng World Cup”, sau đó phế truất HLV Jorge Sampaoli để chính thức lên làm người chỉ đạo của ĐT Argentina, ghi một bàn siêu phẩm vào lưới Nigeria giúp Argentina lách qua khe cửa hẹp vào vòng knock-out.
Messi thậm chí còn khiến cả thế giới phải nhắc đến mình với hình ảnh chỉ đạo đồng đội ngay trong đường hầm hay gật đầu trước yêu cầu “xin phép” thay Sergio Aguero vào sân từ “huấn luyện viên” Sampaoli.
Lật ghế huấn luyện viên có thể là chuyện to tát ở đâu đó, nhưng với Messi, điều bất thường ấy lại trở thành quá đỗi bình thường. Thậm chí người ta còn thích thú khi thấy Messi trên “cương vị mới” đó.
Nếu coi World Cup là một bữa tiệc, thì những nhân vật chính là Ronaldo và Messi, bằng cách kịch tính khác nhau đều đã lên tiếng ngay trong giai đoạn khai vị. Đáng bàn, cả hai đều không cho thấy dấu hiệu rằng mình sẽ dừng lại.
Cú sốc lớn nhất của vòng bảng nằm ở nhà Đương kim (nay đã là cựu) vô địch World Cup, ĐT Đức. Die Mannschaft đến nước Nga với tham vọng bảo vệ chức vô địch cùng đội hình thiện chiến sở hữu những ngôi sao ở mọi vị trí. Kết quả họ nhận lại là gì? 3 điểm, 2 trận thua, vị trí bét bảng cùng sự nhục nhã không nói nên lời.
Báo chí Brazil, mà cụ thể là tờ FOX Sport Brazil hả hê trên mạng xã hội với tràng cười “Ahaha” dài cả dặm. Trưởng ban thể thao của The Sun trả lời với Zing.vn với sự hả hê nhất định trong lời nói khi khẳng định “Đức xứng đáng bị sỉ nhục”. Báo chí Hà Lan, Italy đều mỉa mai thất bại thảm hại này của Die Mannschaft.
Người Đức cũng chẳng có thời gian mà chấp nhặt chuyện đó. Họ mải mê chỉ trích chính đội nhà với những từ ngữ mạnh mẽ như “đáng xấu hổ” hay “thất bại thảm hại”. Chính HLV trưởng Joachim Loew cũng thừa nhận trong phòng họp báo rằng “Đức xứng đáng bị loại”.
Người ta lao vào mổ xẻ thất bại của Đức với nhiều luồng quan điểm. Phổ biến nhất là đổ tội cho ông Loew, người đã loại Leroy Sane và tin dùng những cựu binh cạn sạch năng lượng sau khi no nê với những danh hiệu như Thomas Mueller, Sami Khedira hay Mesut Oezil.
Một số bên thù địch Đức như người Anh thì hả hê nói rằng thất bại này… quả báo của World Cup 2010, thời điểm Đức thắng Anh 4-1 sau khi bàn thắng của Frank Lampard bị trọng tài từ chối.
Lần đầu tiên sau 80 năm, Đức bị loại ngay từ vòng đấu đầu tiên của một kỳ World Cup. Đây cũng là nhà vô địch thế giới thứ ba liên tiếp bị loại ngay ở vòng bảng của kỳ World Cup kế tiếp. Nếu mở rộng tầm nhìn, thì Đức là đội vô địch World Cup thứ tư liên tiếp tới từ châu Âu (sau Pháp, Italy, Tây Ban Nha) bị loại ngay tại vòng bảng ở kỳ World Cup kế tiếp..
Trên lăng kính của người Đức và những người ủng hộ đội tuyển này, đây hiển nhiên là một bi kịch. Thành công của bóng đá Đức trong suốt hơn một thập kỷ qua là kết quả của cách làm bóng đá khoa học có bài bản. ĐT Đức thậm chí còn hút khách với thứ bóng đá tấn công, khác hẳn sự xù xì, thô ráp của những bậc đàn anh trong quá khứ.
Điều ấy khiến thất bại này càng trở nên đắng ngắt. Nhiều người Đức tự tin vào việc đội nhà đi sâu tại World Cup giờ lâm vào tình cảnh éo le khi phải hủy vé máy bay, phòng khách sạn, trả lại vé cho LĐBĐ Đức...
Song với giới túc cầu, không thể nói rằng thất bại này của Đức không tạo ra sự hứng khởi. World Cup cần những bất ngờ không tưởng, và Đức, cuối cùng cũng trở thành nạn nhân của trò roulette ấy.
Argentina, Italy, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan đều đã từng bị loại ngay ở vòng bảng World Cup (một số thậm chí thất bại ngay tại vòng loại), Brazil thì thua tan nát 1-7 trước chính những người Đức. Trước World Cup 2018, chỉ còn Đức là chưa biết “nhục” tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Nước Nga cuối cùng đã là sân khấu cho viễn cảnh không tưởng ấy.
World Cup 2018 chắc chắn là kỳ cúp thế giới mà khoảng cách giữa những đại gia với các đội bóng chiếu dưới bị thu hẹp hơn bao giờ hết. Những đại gia liên tục gặp khó bởi những đối thủ mà trong quá khứ họ thường xuyên vùi dập với những cách biệt lớn. Một số thậm chí còn tạo ra lịch sử.
Chiến thắng 2-0 của Hàn Quốc trước Đức là một ví dụ như thế. Bất chấp việc gần như bị loại trước khi bước vào lượt cuối cùng, đội bóng xứ sở kim chi vẫn biết cách đứng vững trước sức ép từ nhà ĐKVĐ, trước khi tung ra hai đòn hồi mã thương để kết thúc trận đấu với tỉ số không tưởng 2-0, qua đó từ giã sân chơi World Cup với thế ngẩng cao đầu.
Trước Hàn Quốc, những chiếu dưới như Iran, Costa Rica, Morocco, Nhật Bản cũng đều tạo ra bất ngờ. Iran chỉ thua sát nút Tây Ban Nha 0-1, suýt thắng Bồ Đào Nha. Costa Rica cầm chân Brazil tới những phút cuối. Morocco thua sát nút Bồ Đào Nha, gần như thắng được Tây Ban Nha. Nhật Bản, mạnh mẽ nhất, thắng cả Colombia, cầm hòa Senegal, đi vào vòng knock-out với vị trí nhì bảng H, chỉ sau Colombia.
Sự vươn dậy mạnh mẽ từ những đội tuyển vẫn được xem là tham dự World Cup “chỉ để cho vui” như thế là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chênh lệch về đẳng cấp bóng đá đã bị thu hẹp tới mức tối đa.
Với nhiều người đó là sự thất bại khi những đội tuyển mạnh không còn giữ được vị thế áp đảo, được thể hiện bằng những chiến thắng hủy diệt với cách biệt lớn với các đối thủ nhỏ. Song khách quan mà nói thì những trận cầu căng thẳng mới mang trọn vẹn vẻ đẹp của bóng đá.
Nếu bóng đá cứ là mạnh được-yếu thua, thì đâu còn là môn thể thao vua?
Điểm nhấn không phải bàn cãi của World Cup 2018 chắc chắn là VAR (Video Assistant Referee).. “VAR sẽ có ảnh hưởng tích cực. Tôi khẳng định”, chủ tịch FIFA Gianni Infatino tự tin trước thềm World Cup. “Trong vòng 1000 trận đấu được thử nghiệm, sự chính xác trong các quyết định của trọng tài đã được đẩy từ 93% lên 99%. Gần như hoàn hảo”.
Vậy thì từ lúc nào mà công nghệ VAR biến từ “gần như hoàn hảo” của chủ tịch FIFA trở thành “rác rưởi” như lời tiền vệ Nordin Amrabat của Morocco ngay sau khi trận Tây Ban Nha vs Morocco kết thúc?
Câu trả lời là tác động của VAR tới trận đấu. Trong toàn bộ giai đoạn vòng bảng, chỉ có hai tình huống VAR được sử dụng để đưa ra những quyết định có lợi tới các đội tuyển yếu hơn là trận đấu giữa Hàn Quốc và Đức (bàn mở tỷ số 1-0 của Kim Young-Kwon), và trận Brazil-Costa Rica khi trọng tài sau khi tham khảo VAR đã từ chối cho Brazil hưởng quả phạt đền khi cho rằng Neymar không bị tác động đủ mạnh.
Còn lại những quyết định được đưa ra từ VAR đều nhằm để bảo vệ quyền lợi những đội bóng lớn. Phản cảm nhất với người hâm mộ trung lập chính là ở lượt đấu cuối cùng của bảng A. Trọng tài sau khi tham khảo công nghệ VAR đã chỉ phạt Ronaldo thẻ vàng dù những tình huống quay chậm cho thấy CR7 đã đánh nguội cầu thủ Iran.
Trong trận đấu cùng giờ, VAR cũng giúp Tây Ban Nha có được trận hòa 2-2 trước Morocco nhờ việc xác nhận được chuyện Iago Aspas không bị rơi vào thế việt vị khi ghi bàn.
Một ngày sau scandal Ronaldo, VAR tiếp tục trợ giúp… Messi. Trọng tài Cuneyt Cakir sau khi xem lại video tình huống Marcos Rojo của Argentina để bóng chạm tay trong vòng cấm đã quyết định không cho các cầu thủ Nigeria được hưởng phạt đền. Rojo sau khi thoát nạn đã ghi bàn quyết định cho Argentina lách qua khe cửa hẹp để vào vòng 1/8.
Tờ The Economist uy tín nói rằng VAR đã giảm tới 80% những sai lầm của các trọng tài. Song cũng khẳng định rằng VAR vẫn mang nguyên những thiên lệch của con người vào trong các quyết định.
Bởi bản chất, vận hành VAR là con người. Hình ảnh quen thuộc của World Cup 2018 là tổ trọng tài ngồi trước màn hình xem lại tình huống dưới dạng video trước khi đưa ra những can thiệp với trọng tài chính.
Tức nếu “tổ trọng tài” này sai lầm thì VAR cũng sai lầm theo. Hoặc nếu tổ trọng tài này cũng “bị tác động” thì tiếng còi của VAR được tô vẽ là “gần như hoàn hảo” của chủ tịch FIFA Infatino cũng sẽ bị méo mó ít nhiều.
Một luận điểm khá phổ biến của giới mộ điệu khi nhắc tới VAR là công cụ này sẽ phá hỏng cảm xúc khi chơi bóng vì trận đấu sẽ bị ngắt quãng. Song thực tế thì nói rằng VAR cũng mang tới những hồi hộp, bức xúc không khác gì cơ chế trọng tài như quá khứ.
Cứ nhìn những tranh cãi liên hồi mỗi khi VAR được sử dụng hoặc vẻ mặt hồi hộp của những cổ động viên khi trọng tài vẽ hình chữ nhật lên trước mắt là hiểu. Họ chờ đợi trong thấp thỏm, nhắm mắt vì cay đắng hay phủi tay vì thất vọng. Chẳng phải mọi hỉ, nộ, ái, ố đều gói gọn lại trong vài chục giây trọng tài tham khảo VAR đó sao?
Không chỉ trên sân cỏ, các bên liên quan, bất chấp VAR được sử dụng đúng hay sai, cũng liên tục lên mặt báo tố rằng VAR “không công bằng”. Tiền vệ Nordin Amrabat của Morocco, như đã nói, còn tạo ra một câu nói bộc lộ sự bức xúc không tưởng về VAR. “VAR là đồ rác rưởi”.
Những tranh cãi là một mảng màu riêng biệt của World Cup. Và VAR dù mang danh sẽ làm công bằng những quyết định của trọng tài thì vẫn tạo ra những câu chuyện trà dư tửu hậu hấp dẫn giới mộ điệu từ chính tranh cãi xung quanh nó.
World Cup 2018 hấp dẫn theo cách riêng, và có thể là hấp dẫn nhất lịch sử là vì vậy.