Phó chủ tịch Microsoft, Joe Belfiore, vừa xác nhận hãng sẽ không tiếp tục duy trì nền tảng Windows Phone. |
Phó chủ tịch Microsoft, Joe Belfiore, người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Windows Phone, vừa xác nhận thông tin đồn thổi nhiều tháng nay. Hãng sẽ không phát triển các tính năng mới hay phần cứng mới cho nền tảng di động Windows Mobile.
Các mẫu smartphone hiện tại của Microsoft sẽ chỉ nhận được bán vá lỗi và nâng cấp bảo mật. Bản thân nền tảng Windows Phone đang trong giai đoạn “bảo trì”, hay nói cách khác đã bị “khai tử” một cách không chính thức.
Khởi đầu không may mắn
Có cảm giác thất bại của Microsoft với Windows Phone là vô cùng khó tin. Hãng đã phạm vô số sai lầm không đáng có.
Khi Windows Phone 7 ra mắt năm 2010, hệ điều hành này vẫn rất nghèo nàn về tính năng. Nó thậm chí còn không có chức năng “sao chép-dán”, giống như thời đầu của iPhone.
Không những thế, Microsoft còn áp dụng mô hình kinh doanh truyền thống khi bắt các công ty phần cứng phải trả tiền bản quyền phần mềm cho hãng.
Một mặt, quyết định này có thể hiểu được bởi nó chính là mô hình đã mang lại thành công cho Windows Mobile thời kỳ đầu trước kỷ nguyên iPhone.
Nhưng mặt khác, rõ ràng đó là sai lầm, bởi đối đầu trực tiếp trên thị trường lúc bây giờ không phải iOS (Apple không cấp phép iOS cho bên thứ ba) mà chính là Google Android.
Trái với Microsoft, Google không áp phí bản quyền Android cho các công ty phần cứng. Bất cứ công ty nào cũng có thể tích hợp Android mà không phải trả một đồng cho Google.
Những mốc chính của Windows Phone. |
Quá trình chuyển đổi sau đó lại vô cùng rắc rối. Windows Phone 7 bắt nguồn từ phần mềm Windows Mobile cũ. Trong khi, Windows Phone 8 (ban hành cuối năm 2012) lại từ hệ điều hành Windows cho PC (dùng nhân Windows NT).
Về chiến lược, Microsoft làm thế là đúng. Hãng cần hợp nhất phát triển Windows bằng nhân hệ điều hành chung, đồng thời sử dụng chung các hàm API cho điện thoại, máy tính bảng, laptop, máy tính để bàn, máy chủ, hay thậm chí cả Xbox và HoloLens.
Nhưng sự chuyển đổi này lại đầy “đau đớn”. Các thiết bị Windows Phone 7 không thể nâng cấp lên Windows Phone 8 mới hơn, làm người dùng trung thành với thiết bị trước cảm thấy như bị bỏ rơi.
Mặt khác, thời gian chuyển đổi quá ngắn khiến Microsoft không kịp trau chuốt tính năng cho Windows Phone 8.
Windows Phone 7 từng được hy vọng mang lại làn gió mới vì có thiết kế khác lạ so với iOS và Android. |
Windows Phone 7 có nhiều tính năng tương đồng với Android và iOS, nhưng Windows Phone 8 lại ngược lại. Nó loại bỏ gần hết các tính năng này. Microsoft chỉ tập trung vào việc nâng cấp và thay thế nhân hệ điều hành cho Windows Phone 8.
Nếu có khả năng nhận biết mối đe dọa từ iPhone và mô hình chuyển đổi doanh nghiệp coi Android làm trọng, có lẽ Microsoft đã tránh được các rắc rối này và đã có thể biến Windows Phone thành nền tảng thành công chứ không phải thất bại như hiện nay.
Một vài điểm sáng le lói
Thế hệ thiết bị Windows Phone 8 đầu tiên từ Nokia được người dùng đón nhận nồng nhiệt. Nokia lựa chọn khá tốt thiết bị, từ mẫu Lumia 920 cao cấp tới chiếc Lumia 520 rẻ hơn.
Camera “khủng” trở thành điểm mạnh của dòng Lumia. Nét đặc trưng của Windows Phone là nút riêng kích hoạt camera đã giúp tạo nên sự khác biệt.
Chiếc Lumia 1020 được trang bị camera 41 megapixel. |
Bản nâng cấp Windows Phone 8.1 cũng bổ sung nhiều tính năng hay ho, trong đó có bàn phím vuốt rất nhạy và hữu ích.
Năm 2012-2013, những mẫu smartphone giá bèo như Lumia 520 vẫn rất thu hút so với đối thủ Android. Khi đó điện thoại Android vẫn là cái gì đó chậm chạp, nghèo tính năng, và giá lại cao hơn.
Windows Phone chiếm 12% thị phần tại Anh vào tháng 8/2013, 12,9% tại Pháp (11/2013), 17,1% tại Italy (12/2013), và 10,5% tại Đức (8/2015).
Tháng 9/2013, Microsoft tuyên bố mua lại mảng kinh doanh di động của Nokia với giá kỷ lục 7,1 tỷ USD. Nói chung, tương lai Windows Phone khi đó rất xán lạn: ra nhiều sản phẩm, cải tiến nền tảng, và hướng tới mục tiêu thứ 3 hay thậm chí thứ 2 trong cuộc chạy đua với Android và iOS.
Thất bại liên tiếp
Thế nhưng không hiểu sao, mọi thứ sau đó lại trượt khỏi đường ray. Thay vì ra mắt điện thoại thường xuyên hơn, mẫu mã, tính năng và giá cả tốt hơn thì thế hệ tiếp sau Lumia 520 lại gây thất vọng tràn trề.
Thậm chí nhiều mẫu Lumia cao cấp còn không ra mắt nổi. Dòng điện thoại Nokia thì đầy lỗi, và giai đoạn 2012 và 2013 như bị ma ám.
Microsoft lại tiếp tục quá trình chuyển đổi nền tảng lần hai. Windows Phone 8 được nâng lên dùng nhân Windows NT, cho khả năng chia sẻ các hàm API dễ dàng hơn giữa điện thoại và máy tính.
Tuy nhiên, Microsoft cũng phải trả giá cho sự chuyển đổi này. Nhiều thiết bị Windows Phone 8 không thể nhận bản nâng cấp chính thức lên Windows Mobile 10, và Windows Mobile 10 cũng không hỗ trợ gì nhiều cho trải nghiệm mà người dùng mong mỏi.
Thay vì ra mắt các bản nâng cấp Windows Phone 8.1 và 8.2 ngay sau đó, Microsoft lại rất chậm trễ, có vẻ như gặp khó khăn nào đó.
Báo cáo mới nhất của IDC cho thấy thị phần Windows Phone chỉ còn 0,1% (quý I/2017). |
Trong khi đó, Windows Mobile 10 lại có những hành xử rất lạ. Nền tảng này không hỗ trợ các mạng CDMA, nên khi một số mẫu điện thoại cao cấp của Microsoft tung ra cuối năm 2015, chúng thậm chí không thể hoạt động trên các mạng Verizon và Sprint của Mỹ.
Chưa hết, khâu nhân sự của Microsoft cũng có sự biến động lớn. Tháng 7/2015, CEO mới của Microsoft khi đó là Satya Nadella thông báo kế hoạch cắt giảm 7.800 nhân sự mảng phần cứng.
Nguyên nhân của đợt sa thải cực lớn này là do Windows Mobile 10 không hỗ trợ mạng CDMA, nên Microsoft đã đuổi việc hầu hết bộ phận kỹ thuật.
Hậu quả là Microsoft cũng không thể nâng cấp được mảng thiết bị lai, cụ thể là dòng Surface Pro vì thiếu kỹ sư phần cứng.
Microsoft cũng không có đủ nhân sự để phát triển các dòng sản phẩm Xbox One S, Xbox One X và Surface Studio.
Tại các thị trường khó nhằn, Windows Phone vẫn ổn định qua năm 2014 rồi tụt dốc không phanh vào năm 2015 và 2016.
Do thiếu phần cứng khả dụng, thiếu quy trình phần mềm và thiếu hỗ trợ trong suốt những năm 2012 và 2013, về cơ bản Windows Phone đã bị buông bỏ từ đó.
Một nguồn tin thân cận với Microsoft còn cho biết có 2 lựa chọn được bàn thảo khi đó. Một là đổ thêm hàng tỷ USD cho bộ phận kinh doanh điện thoại Nokia để nâng tầm Windows Phone, và hai là không làm gì.
Microsoft đã chọn giải pháp thứ hai: không làm gì cả.