Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Windows Phone: Đường xa còn lắm chông gai

Windows Phone đã có sự vươn lên mạnh mẽ năm 2013, để chiếm lấy vị trí thứ 3 trên thị trường hệ điều hành smartphone. Tuy nhiên, thị trường VN sẽ không là viên kẹo ngọt.

Tín hiệu khả quan

So với hai nền tảng dẫn đầu là Android và iOS, thị phần của Windows Phone trên thị trường smartphone vẫn còn nhỏ bé. Tuy nhiên, hệ điều hành này lại có tốc độ phát triển nhanh hơn bất kỳ đối thủ nào.

Theo đó, trong quý cuối cùng năm 2013, Windows Phone đã nắm giữ 3,6% thị phần hệ điều hành smartphone, đạt mức tăng trưởng 150% so với cùng kỳ năm 2012, đánh bại mức tăng trưởng 51,3% của hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Android. Các thị trường trọng điểm như Mỹ Latin hay châu Âu đã ghi nhận doanh số bán hàng rất tốt của dòng smartphone chạy Windows Phone. Thậm chí, tại 5 thị trường lớn nhất châu Âu, nơi Windows Phone từng bị đánh giá thấp nhất, nền tảng này cũng chiếm hơn 8% thị phần.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng, Windows phone đã đánh bật đối thủ nhiều kinh nghiệm BlackBerry để tự tin vươn lên vị trí thứ 3 trên thị trường hệ điều hành smartphone. Hơn thế, Windows Phone còn phả hơi nóng vào đối thủ trực tiếp iOS khi hướng đến đối tượng khách hàng doanh nghiệp với các tính năng hỗ trợ ngày càng được cải tiến.

Góp phần quan trọng cho sự phát triển của Windows Phone phải kể đến Lumia của Nokia khi chiếm 80% lượng smartphone Windows Phone được tiêu thụ trên toàn cầu. Trong năm 2013, nhà sản xuất Phần Lan đã tích cực đưa ra thị trường các dòng sản phẩm ở nhiều phân khúc với các mức giá khác nhau, mang đến người dùng nhiều lựa chọn phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu sử dụng.

Được đánh giá cao nhờ tích hợp công nghệ chụp ảnh vượt trội, Lumia 920 đã mang đến sự khởi đầu thuận lợi cho smartphone Windows Phone nói chung và Nokia nói riêng. Từ thành công bước đầu này, Nokia đã chuyển hướng sang phân khúc giá rẻ với model Lumia 520. Tức thì, smartphone này đã trở thành thiết bị chạy Windows Phone bán chạy nhất thế giới.

Ngoài ra, việc Microsoft chính thức phát hành bản cập nhật GDR3 cho Windows Phone 8 với nhiều cải tiến đáng kể đang và sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất tung ra nhiều thiết bị tích hợp phần cứng mạnh mẽ hơn.

Điểm yếu lớn nhất của Windows Phone là kho ứng dụng nghèo nàn cũng dần hoàn thiện. Hiện tại, kho ứng dụng của Windows Phone mới có 200 nghìn ứng dụng, bằng 1/5 App Store của Apple hay Play Store của Google. Nhưng kho ứng dụng của Windows Phone đang có tốc độ phát triển rất nhanh, trung bình mỗi tháng có 8.000 ứng dụng ra mắt. Cùng với đó, hệ điều hành này đã chào đón nhiều ứng dụng phổ biến như: Viber, Instagram...Microsoft cũng hứa hẹn sẽ thúc đẩy tốc độ hoàn thiện của kho ứng dụng nhanh hơn nữa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng.

Với đà phát triển này, người dùng có thể hy vọng vào phiên bản nâng cấp Windows Phone 8.1 ra mắt trong thời gian tới sẽ hoàn thiện hơn nữa khi được bổ sung những ứng dụng quan trọng như trung tâm thông báo, trợ lý ảo Cortana.

Con đường không chỉ có hoa hồng

Về cơ bản, những kết quả đạt được trong năm 2013 rất ấn tượng. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính khích lệ bởi thị phần thực tế của Windows Phone còn nhỏ bé. Khoảng cách giữa Windows Phone và đối thủ liền kề là iOS còn khá xa (3,6% so với 13%), khó có thể san lấp trong khoảng thời gian ngắn.

Chưa hết, các đối tác quen thuộc của Microsoft như HTC, LG và Samsung cũng dần tỏ ra lạnh nhạt với nền tảng Windows Phone.

Trước thực tế này, Microsoft đã phải thương thảo với HTC về việc giảm chi phí bản quyền Windows Phone nhằm lôi kéo đối tác quay lại với hệ điều hành này. Tuy nhiên, trong tình cảnh đang phải tự cứu mình, nên nhiều khả năng HTC không muốn mạo hiểm một lần nữa với Windows Phone khi hệ điều hành này vẫn chưa chứng tỏ vị thế chắc chắn. Bởi trước đó, cuối năm 2012, HTC từng giới thiệu hai smartphone chạy Windows Phone là HTC 8X và 8S nhằm cứu vãn thị phần ngày càng èo uột. Tuy nhiên, nỗ lực đã trở nên vô nghĩa khi hai model này không gây được sự chú ý với người dùng.

Microsoft cũng được cho là đang thương thảo với Samsung với cam kết sẽ hỗ trợ một tỉ USD nếu hãng này tiếp tục sản xuất smartphone chạy Windows Phone. Thế nhưng, dự án này khó có thể thành hiện thực do Samsung vẫn sống tốt với Android khi đang nắm thị phần lớn nhất trên phân khúc smartphone Android. Ngoài ra, Samsung cũng đang có kế hoạch riêng với hệ điều hành Tizen hợp tác với gã khổng lồ Intel. Do đó, việc tiếp tục thống trị thị trường smartphone Android và tập trung phát triển Tizen là lựa chọn an toàn hơn việc quay trở lại Windows Phone.

Việc mua lại lĩnh vực kinh doanh thiết bị của Nokia cũng không giúp Windows Phone phát triển mạnh hơn nữa. Dù các dòng máy Lumia của Nokia đang phát triển tốt, nhưng vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Theo thống kê của Công ty Kantar, thị phần Windows Phone tại Trung Quốc chỉ là 3,5%. Kết quả này chưa thể đảm bảo Windows Phone sẽ thành công tại thị trường này. Hiện nay, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang tập trung vào thiết bị Android giá rẻ, có cấu hình phần cứng khá tốt. Vì thế, Microsoft nên hợp tác với các nhãn hiệu có tiếng của Trung Quốc để có được thành công ở thị trường này. Nhưng điều này chưa thể sớm xảy ra do Microsoft vẫn đang trong quá trình sáp nhập với bộ phận di động của Nokia.

Tại thị trường Việt Nam, nền tảng Windows Phone vẫn còn khá mới mẻ. Dù trong những năm gần đây, lượng người dùng Windows Phone tại Việt Nam tăng đáng kể, nhưng đa phần vẫn là những người dùng mới. Họ lựa chọn nền tảng này đa phần vì giá rẻ của những smartphone như Nokia Lumia 520 hay HTC 8X. Trong khi đó, sau thời gian sử dụng, không ít người dùng Windows Phone đã phải lựa chọn thiết bị khác chạy Android hoặc iOS khi nhận thấy sự nghèo nàn ứng dụng và sự đơn giản đến mức nhàm chán của hệ điều hành này.

Tín hiệu khả quan nhất của Windows Phone là thị trường châu Âu khi nền tảng này đã có mức tăng trưởng kỷ lục. Tuy nhiên, người dùng châu Âu đặt mối quan tâm đến thương hiệu Nokia. Nếu sau khi sáp nhập, Microsoft không giữ lại thương hiệu Nokia cho các sản phẩm Windows Phone, thì khả năng mở rộng thị phần tại thị trường này không dễ.

Căng thẳng giữa Microsoft và Google cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của Windows Phone. Các ứng dụng quan trọng như Google Maps hay Youtube không còn được hỗ trợ trên Windows Phone. Trong khi đó, các ứng dụng thay thế chưa thể khiến người dùng thoải mái. Việc tùy biến ít hay hạn chế người dùng can thiệp vào hệ thống khiến Windows Phone khó thuyết phục người dùng khi họ đã sử dụng các hệ điều hành smartphone khác.

Với những lý do trên, khó có thể nói Windows Phone đang ở vị trí thuận lợi. Nếu Microsoft không tiếp tục có những chiến lược cụ thể trong năm 2014, thì Windows Phone khó có thể bứt phá, cho dù vẫn phát triển chậm rãi nhưng ổn định. Tại Việt Nam, tương lai của Windows Phone có thể sẽ khả quan nếu được ứng dụng cho dòng sản phẩm TV, thiết bị điện tử gần như không thể thiếu trong các gia đình.

http://songmoi.vn/nghe-nhin-hitech-hifi/windows-phone-duong-xa-con-lam-chong-gai

Theo NNVN/Sống mới

Bạn có thể quan tâm