"Các thế lực hùng mạnh, bao gồm CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) đang có những chiến dịch tinh vi nhằm bôi nhọ và bỏ tù ông (Assange)”, WikiLeaks viết trên Twitter ngày 11/4. "Ông là một người con, người cha, người anh. Ông đã giành được hàng chục giải thưởng báo chí. Ông đã được đề cử giải Nobel Hòa bình mỗi năm kể từ năm 2010".
Edward Snowden, người đã cung cấp các tài liệu cho báo Guardian hé lộ chương trình nghe lén điện thoại và Internet của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, cũng lên tiếng ủng hộ Assange. Ông đăng lên Twitter ảnh chụp một thông cáo từ văn phòng Cao ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc ngày 21/12/2018 kêu gọi Anh cho phép Assange được tự do rời khỏi đại sứ quán Ecuador.
“Họ (UN) đã liên tục ra thông cáo kêu gọi cho ông ấy được đi lại tự do - bao gồm một thông cáo rất gần đây”, Snowden viết trên Twitter.
Nhà sáng lập Wikileaks bị khiêng ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London. Ảnh: RT. |
Ông Julian Assange bị cảnh sát Anh bắt giữ ngày 11/4. Nguồn tin của Reuters cho biết cảnh sát Anh đã được mời vào Đại sứ quán Ecuador ở London để bắt giữ Julian Assange sau khi chính phủ Ecuador hủy quyền tị nạn của nhà sáng lập Wikileaks. Tổng thống Ecuador Lenin Moreno khẳng ông Assange đã nhiều lần vi phạm các công ước quốc tế, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Trước đó, tại một cuộc họp báo ngày 10/4 ở London, biên tập viên của WikiLeaks Kristinn Hrafnsson cho biết nhóm này đã “phát hiện các chiến dịch theo dõi táo bạo nhắm vào Julian Assange” ở đại sứ quán Ecuador ở London, nơi ông đã tị nạn kể từ năm 2012.
Ông Hrafnsson cho biết chiến dịch giám sát nhà sáng lập WikiLeaks bao gồm việc ghi hình, ghi âm bằng các thiết bị bên trong đại sứ quán, chẳng hạn như việc khám sức khỏe ông Assange, các cuộc gặp luật sư, các hồ sơ pháp lý, theo CNN.
Ông nói có những cá nhân đã tống tiền WikiLeaks 3 triệu Euro bằng “số tài liệu khổng lồ” dường như được ai đó bên trong đại sứ quán Ecuador ở London thu thập. Ông đã nhận được hàng trăm tài liệu ngay sau khi đến Tây Ban Nha 10 ngày trước.
Cơ quan ngoại giao Ecuador không phản hồi báo chí về các cáo buộc của WikiLeaks và chỉ nói “sẽ thông tin sau”.
Ông Assange xin tị nạn trong đại sứ quán Ecuador ở London kể từ năm 2012 để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển với cáo buộc tấn công tình dục. Cáo buộc đó hiện đã được rút lại, nhưng ông Assange lo ngại khả năng bị dẫn độ về Mỹ vì làm lộ số lượng khổng lồ các bức điện ngoại giao của Mỹ năm 2010. Ông đã liên tục bác bỏ mọi sai phạm.
Ngay sau vụ việc, luật sư của ông Assange Jen Robinson tuyên bố vụ bắt giữ có liên quan đến yêu cầu dẫn độ của Mỹ. “Tôi đã xác nhận: #Assange bị bắt không phải vì vi phạm điều kiện tại ngoại, mà còn do yêu cầu dẫn độ của Mỹ”, ông Robinson viết trên Twitter.