“Tình hình vẫn rất đáng lo ngại. Tôi tiếp tục kêu gọi Tanzania hãy báo cáo số ca mắc Covid-19 và chia sẻ dữ liệu”, ông Tedros nói trong một thông cáo trên trang web WHO.
Cuối tháng 1, ông Tedros cùng người đứng đầu WHO ở châu Phi, Matshidiso Moeti, cùng kêu gọi Tanzania tăng cường các biện pháp ứng phó Covid-19 và chuẩn bị phân phối vaccine.
Chính quyền Tanzania chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Tổng thống Tanzania John Magufuli là một trong các nguyên thủ hoài nghi nhất đối với nỗ lực chống dịch Covid-19 trên thế giới.
Ngày 17/2, một chính khách cao cấp qua đời vì Covid-19, làm gia tăng các lo ngại rằng dịch bệnh đang bùng phát “ngầm” tại đất nước vốn vẫn khẳng định không có lây lan trong cộng đồng và cho biết không có kế hoạch tiếp nhận vaccine.
Tại một đám tang cho một cố vấn cao cấp ngày 19/2, ông Magufuli kêu gọi người Tanzania đừng sợ hãi, hãy đề phòng và đặt Chúa lên trên.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ đã dừng báo cáo dữ liệu về số ca nhiễm virus và số ca tử vong vào tháng 5/2020, sau khi đã ghi nhận 509 ca nhiễm và 21 ca tử vong.
Trong thông cáo, ông Tedros cho biết đã trao đổi với một số cơ quan ở Tanzania kể từ tháng 1, nhưng “WHO chưa nhận được thông tin nào về những biện pháp mà Tanzania đang thực hiện để ứng phó dịch bệnh”.
Ông cho biết các trường hợp người đến từ Tanzania dương tính với Covid-19 cho thấy “sự cấp thiết của việc Tanzania phải hành động mạnh để bảo vệ người dân của mình”.
Ngày 15/2, bộ trưởng Y tế Oman nói nước này đang cân nhắc ngưng các chuyến bay từ Tanzania, sau khi 18% số người đến từ Tanzania cho kết quả dương tính với Covid-19.
Cũng ngày 15/2, Thái Lan lần đầu ghi nhận ca nhiễm biến chủng lây lan mạnh vốn được phát hiện từ Nam Phi của SARS-CoV-2, là một người Thái Lan đến từ Tanzania.