Nhận định trên được đưa ra trong bản báo cáo của ủy ban độc lập về công cuộc phản ứng với dịch Covid-19, dự kiến được đưa ra tranh luận tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới khai mạc vào ngày 24/5, theo Guardian.
Ủy ban bao gồm các chuyên gia độc lập do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf dẫn đầu.
Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã phạm sai lầm
Báo cáo chỉ ra rằng Tổ chức Thế giới (WHO) lẽ ra phải tuyên bố đợt bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp quốc tế sớm hơn thay vì đợi đến ngày 30/1/2020. Theo đó, Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã phạm sai lầm khi không khuyến nghị hạn chế đi lại và điều này khiến các nước không thể hành động nhanh.
Theo báo cáo, đại dịch Covid-19 đã có thể nằm trong tầm kiểm soát và không cướp đi sinh mạng của hàng triệu người nếu như các nhà lãnh đạo phản ứng nhanh hơn.
Báo cáo cho rằng sự thiếu chuẩn bị cũng như việc không rút kinh nghiệm từ các đợt dịch bệnh trong quá khứ đã dẫn đến vô số thất bại và chậm trễ trong việc chuẩn bị.
Bà Clark cũng nhận xét rằng các nước đều chọn cách ngồi chờ và chỉ thực sự hành động khi bệnh viện trở nên đông đúc hơn và mọi người tranh giành nhau thiết bị bảo vệ và thuốc men.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại kỳ họp thứ 73 của Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: WHO. |
Ngoài ra, việc một số quốc gia xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh bắt nguồn từ việc thiếu sự lãnh đạo toàn cầu cũng như các căng thẳng về địa chính trị và chủ nghĩa dân tộc giữa các quốc gia đã làm suy yếu hệ thống đa phương.
Ủy ban cũng đưa ra một số nhận xét về cách hoạt động cũng như hệ thống cảnh báo của WHO trong bản báo cáo. Cụ thể, bà Sirleaf cho rằng hệ thống xác minh và phản ứng quá chậm chạp và điều này thực sự nguy hiểm đối với một dịch bệnh lây qua đường hô hấp.
Bà Clark cũng chỉ trích các quy định và các thủ tục chi phối khi nào các nhà lãnh đạo WHO mới có thể đưa ra cảnh báo tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Điều này đã làm mất thời gian và tạo cơ hội cho dịch bệnh lan rộng mất kiểm soát.
Nước giàu nên chia sẻ vaccine cho cả thế giới
Từ những vấn đề này, bản báo cáo đã đề nghị các nguyên thủ quốc gia nên tham gia hợp tác với nhau và thành lập một “hội đồng y tế toàn cầu” chuyên về các mối nguy hại y tế.
Mục đích của hội đồng sẽ bao gồm theo dõi, chuẩn bị và đảm bảo các yếu tố như thiết bị, nhân lực và tài chính sẽ luôn sẵn sàng khi thế giới cần. Ngoài ra, hội đồng cũng sẽ có nhiệm vụ theo dõi các mối đe dọa y tế và đảm bảo sự nhất quán trong hành động.
Ủy ban cũng bày tỏ mong muốn WHO sẽ phản ứng nhanh nhạy và được trang bị đầy đủ hơn. Hơn nữa, Ủy ban cũng đề nghị các quốc gia giàu có nên chia sẻ vaccine cho cả thế giới.
Ngoài ra, bản báo cáo kêu gọi một phiên họp đặc biệt tại kỳ họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra vào cuối năm nay để thảo luận và thống nhất một tuyên bố chính trị. Qua đó, WHO sẽ được trao nhiều quyền lực và có nhiều tài chính hơn cũng như đề xuất các giám đốc khu vực và tổng giám đốc chỉ nên có một nhiệm kỳ kéo dài 7 năm.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp trực tiếp đầu tiên của ngoại trưởng các nước G7. Ảnh: Reuters. |
Ủy ban cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tốc độ lây lan của biến thể mới của vi rút Covid-19 và cho rằng các quốc gia cần thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, các quốc gia có thu nhập cao nền cung cấp ít nhất một tỷ liều vaccine cho COVAX trước ngày 1/9 và hơn 2 tỷ liều trước giữa năm 2022.
Hơn nữa, các quốc gia thuộc khối G7 buộc phải hỗ trợ 60% trên tổng chi phí 19 tỷ USD cần thiết cho vaccine, thuốc men, khám bệnh và củng cố hệ thống y tế. Phần còn lại nên được hỗ trợ bởi khối G20 và các quốc gia có thu nhập cao khác.
WHO và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng được khuyến nghị tập hợp các quốc gia sản xuất vaccine và các nhà sản xuất khác để mở rộng quy mô sản xuất trên toàn thế giới. Nếu mọi việc thuận lợi, việc từ bỏ bản quyền vaccine mà các nước thu thập trung bình và Mỹ đã kêu gọi trước đó nên được thực hiện.