Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

WHO cảnh báo tình trạng nước giàu tích trữ vaccine

WHO kêu gọi các nước giàu không tích trữ vaccine để tiêm mũi tăng cường trước lo ngại về Omicron, vì việc này có thể đe dọa nguồn cung ở những nơi đang có tỷ lệ chủng ngừa thấp.

"Khi xem xét tình hình về Omicron, chúng tôi nhận thấy có nguy cơ nguồn cung toàn cầu sẽ chuyển sang các nước thu nhập cao - những nơi có thể tích trữ vaccine", Kate O'Brien, Giám đốc phụ trách các vấn đề vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói trong cuộc họp báo hôm 9/12.

"Đứng trên phương diện dịch tễ học, điều này sẽ không hiệu quả từ khía cạnh (ngăn chặn) lây truyền, trừ khi tất cả quốc gia trên thế giới đều bảo đảm được nguồn vaccine", Reuters dẫn lời bà O'Brien.

Mike Ryan - Giám đốc chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO - cho biết Omicron có vẻ "nhanh nhẹn" hơn, nhưng biến chủng này không hề "bất khả chiến bại".

"Chúng ta chưa hiểu đầy đủ về các tác động lâm sàng (của Omicron) với vaccine", ông nói. "Những gì chúng tôi thực hiện trong thời gian tới, như ngăn chặn lây lan, tiêm chủng và công bằng (vaccine) sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong diễn biến dịch bệnh năm 2022".

tich tru vaccine covid-19 anh 1

Một thiếu niên ở Johannesburg, Nam Phi tiêm vaccine Pfizer hôm 9/12. Ảnh: Reuters.

Nhiều quốc gia phương Tây ban đầu tiêm mũi tăng cường ở người già hoặc nhóm người có bệnh lý nền. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Omicron khiến họ lo lắng. Một số nước bắt đầu mở rộng đối tượng cho chương trình chủng ngừa mũi tăng cường.

Trong khi đó, mới chỉ 7,5% trong số hơn một tỷ người ở châu Phi tiêm những mũi vaccine chính.

Hiện WHO khuyến nghị liều tăng cường chỉ dành cho những người có vấn đề về sức khỏe hoặc người mới được tiêm vaccine bất hoạt.

Các loại vaccine bất hoạt hiện được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp do công ty Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc, cùng với Bharat Biotech của Ấn Độ phát triển.

Cảnh báo của bà O'Brien được đưa ra khi nguồn cung cho chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX tăng lên trong vài tháng qua.

Tín hiệu tích cực này là do các khoản đóng góp hào phóng hơn từ các nước phát triển và sau khi Ấn Độ nới lỏng giới hạn xuất khẩu vaccine.

Tuy vậy, bà cho biết có một vấn đề lớn đối với COVAX hiện nay là nhiều nước viện trợ vaccine có thời hạn sử dụng tương đối ngắn, khiến có những nơi phải vứt bỏ bớt do không kịp sử dụng, dẫn đến tình trạng lãng phí vaccine.

Vì sao Nigeria thiếu vaccine nhưng vẫn phải vứt bỏ hàng triệu liều?

Nhiều liều vaccine Covid-19 tài trợ gần hết hạn sử dụng gửi tới khiến Nigeria không thể tiêm hết trong thời gian ngắn, dẫn đến việc phải vứt bỏ, giữa lúc nước này rất cần vaccine.

Quan chức WHO: Omicron có thể không gây triệu chứng nặng hơn

Tiến sĩ Michael Ryan, quan chức cao cấp tại WHO, nói chưa có dấu hiệu nào chứng minh Omicron gây triệu chứng nặng hơn các biến chủng trước cũng như khả năng "tránh" vaccine của nó.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm