"Kiểm soát biên giới có thể 'câu giờ', nhưng mọi quốc gia và cộng đồng phải chuẩn bị cho sự gia tăng về số ca nhiễm", Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, nói ngày 3/12.
Bên cạnh đó, WHO cũng kêu gọi các quốc gia nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe để ứng phó với đợt bùng phát do biến chủng này gây ra, theo Channel NewsAsia.
"Mọi người không nên chỉ dựa vào các hạn chế biên giới. Điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho những biến chủng có khả năng lây lan cao này. Cho đến nay, thông tin hiện có cho thấy chúng ta không cần phải thay đổi cách tiếp cận (chống dịch)", ông Kasai cho biết.
Du khách được xét nghiệm Covid-19 bên ngoài sân bay Sydney, Australia. Ảnh: Reuters. |
Ông Kasai cho biết thêm rằng các quốc gia phải tận dụng bài học kinh nghiệm từ việc đối phó với biến chủng Delta. Đồng thời, ông kêu gọi các nước tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm người dễ bị tổn thương và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và các quy tắc giãn cách xã hội.
Biến chủng Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở miền Nam châu Phi vào tháng trước và được WHO liệt vào danh sách "biến chủng đáng quan ngại".
Các nhà khoa học vẫn đang thu thập dữ liệu để xác định mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh mà biến chủng này gây ra.
Biến chủng Omicron đã được báo cáo ở hàng chục quốc gia. Nhiều nước châu Á cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Ấn Độ.
Chính phủ nhiều nước đã thắt chặt hạn chế đi lại trước sự xuất hiện của biến chủng mới.