Một báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành cho thấy 1/4 dân số trưởng thành trên thế giới, tức 1,4 tỷ người, quá ít tập thể dục và gặp phải nguy cơ các bệnh liên quan đến mạch máu, tiểu đường loại 2, mất trí nhớ hoặc ung thư.
Cụ thể, 1 trong 3 phụ nữ và 1 trong 4 đàn ông không vận động đúng mức được khuyến cáo - ít nhất 150 phút vận động vừa phải hoặc 75 phút vận động nặng/tuần - để có sức khỏe tốt.
Trong năm 2016, người trưởng thành ở Kuwait, vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ, Saudi Arabia và Irag đối mặt với nguy cơ cao nhất từ việc thiếu tập thể dục. Ở những nơi này, hơn 1/2 số người trưởng thành không vận động đủ để bảo vệ sức khỏe. Trong khi đó, 40% người trưởng thành ở Mỹ, 36% ở Anh và 14% ở Trung Quốc cũng được xếp vào nhóm tập thể dục quá ít.
Một sự kiện chạy bộ của phụ nữ ở Saudi Arabia. Ảnh: AFP. |
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không có chuyển biến tích cực trong mức độ vận động thể chất của người dân toàn cầu kể từ năm 2001 đến nay.
"Không như những nguy cơ y tế toàn cầu khác, mức độ thiếu hoạt động thể chất không giảm trên toàn cầu, và trong 1/4 thế kỷ vừa qua, người trưởng thành trên toàn thế giới không đạt được đến mức độ vận động như được khuyến cáo để có sức khỏe tốt", Channel NewsAsia dẫn lời nhà nghiên cứu Regina Guthold của WHO, người đứng đầu công trình nghiên cứu.
Ông nói rằng mối liên hệ giữa lối sống ở các quốc gia thuộc nhóm giàu có - như ở trong nhà nhiều, thời gian làm việc dài, dễ tiếp xúc với các thức ăn nhiều calorie - cùng việc ít tập thể dục là một phần trong "khuôn mẫu rõ ràng" của việc sức khỏe kém đi cùng quá trình đô thị hóa.
"Khi các quốc gia bước vào quá trình đô thị hóa, những người - từng là nông dân và vận động nhiều thông qua công việc - bỗng nhiên rơi vào môi trường đô thị nơi họ có thể không cần làm việc hoặc phải chuyển sang công việc ít di chuyển, và họ phải bù đắp vào đó".
Quá trình đô thị hóa được cho đang khiến con người ít vận động hơn. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Melody Ding của Đại học Sydney, một trong những tác giả của công trình, nói rằng có nhiều lý do để một số nước có người dân năng vận động hơn nơi khác, bao gồm các lý do "sinh học, tâm lý học, định chế, văn hóa và môi trường".
Nghiên cứu cho thấy mức độ ít vận động cao gấp 2 lần ở các nước có thu nhập cao so với các nước nghèo hơn.
"Sự tiến bộ công nghệ làm cuộc sống tiện lợi hơn nhưng cũng thụ động hơn", bà nói.
Xét về giới, phụ nữ vẫn xếp đàn ông ở mọi khu vực trên thế giới về mức độ vận động, với khoảng cách về giới rộng nhất tại Bangladesh, Eritrea, India, Iraq và Philippines.
Nghiên cứu được WHO tiến hành và công bố hôm 4/9 trên chuyên trang The Lancet Global Health.