WeChat là ứng dụng nhắn tin có thị phần lớn nhất tại Trung Quốc. Kể từ 2011, WeChat đã được "trợ lực" từ chính phủ nước này, chấp nhận những yêu cầu về kiểm duyệt cũng như theo dõi người dùng. Đổi lại, chính quyền đã mạnh tay với các đối thủ của WeChat như đòi kiểm duyệt Facebook Messenger, chặn ứng dụng LINE từ Nhật Bản (do Naver của Hàn Quốc đầu tư) từ 2015, chặn WhatsApp từ năm 2017.
Giờ đây, WeChat sẽ còn giữ một vai trò to lớn hơn khi đang tích hợp thẳng vào hệ thống chứng minh nhân dân điện tử của nước này, theo The Verge.
Theo Ben Thompson, sáng lập blog Stratechery, WeChat tại Trung Quốc phổ biến đến nỗi nó gần như bắt buộc phải có trên mỗi chiếc điện thoại, và mỗi chiếc điện thoại cài WeChat đều có thể giải quyết được mọi vấn đề. "Chẳng có gì ở các quốc gia khác có thể sánh bằng. Không phải LINE, WhatsApp hay Facebook", Ben khẳng định.
WeChat đang là nền tảng khổng lồ chi phối nhiều hoạt động đời sống tại Trung Quốc. |
Ra đời từ 2011, WeChat hiện có 902 triệu người dùng hàng ngày, với 38 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày. Năm ngoái, Tencent đã thêm vào một chợ ứng dụng bên trong WeChat, biến nó thành một nền tảng sôi động hơn. Người dùng có thể chơi game, thanh toán hóa đơn, tìm nơi hẹn hò, đặt lịch khám, báo cảnh sát, đặt taxi, thuê xe đạp, mua thức ăn... hay đăng nhập vào các dịch vụ ngân hàng.
Bên cạnh đó, các cơ quan công quyền, các tổ chức chính phủ cũng có trang chính thức trên WeChat để có thể tương tác nhanh hơn với người dân.
"WeChat ngày càng khiến người ta khó mà từ chối dùng nó", Yuhua Wang, một học giả ở Thượng Hải nhấn mạnh trong một bài tham luận được giảng dạy trong trường báo chí Annenberg School. Những người Trung Quốc ở hải ngoại hay bất kỳ ai muốn liên lạc thuận tiện với những người ở đại lục đều phải cài WeChat, bởi những ứng dụng nhắn tin lớn khác đều đã bị chặn.
Sau khi đã chi phối gần như mọi mặt trong đời sống Internet tại Trung Quốc, WeChat sắp phát hành một loại "chứng minh nhân dân" điện tử, giúp mỗi cá nhân có thể dùng nó để thay cho thẻ căn cước truyền thống, theo Xinhua.
Thẻ này có dạng trắng đen, dùng cho những mục đích không quá quan trọng, chẳng hạn đăng nhập vào Wi-Fi tại các quán cà phê. Tại Trung Quốc, việc đăng nhập vào các mạng Wi-Fi đều yêu cầu người dùng điền thông tin cá nhân.
Để sử dụng cho mục đích cao cấp hơn, người dùng có thể nâng cấp lên "thẻ màu" trên WeChat và chúng có thể được dùng cho thanh toán ngân hàng, thậm chí đăng ký kinh doanh. Thông tin này được bảo mật bằng mật khẩu 8 chữ số, có thể thêm lớp nhận diện gương mặt.
"Đó là cuộc cách mạng đã được dự đoán", Willy Shih, giáo sư tại Harvard Business School, nói về sự bành trướng mới của WeChat tại Trung Quốc.