Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gặp gỡ báo chí. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Bài báo trên The Washington Times, một trong những tờ báo lớn của Mỹ, có trụ sở tại thủ đô Wasington DC, được phát hành đúng ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Obama tại Nhà Trắng.
Theo bài báo, đất nước Việt Nam đang viết nên một câu chuyện mới. Đây không còn là những nỗi buồn của chiến tranh mà là tương lai sáng tươi của đất nước. Thời kỳ mới đặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quỹ đạo của một khu vực châu Á - Thái Bình Dương biến đổi nhanh và năng động.
Cuộc gặp dự kiến giữa Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đặt dấu mốc quan trọng cho một câu chuyện mới đang được mở ra.
Dù quá khứ có đau thương thế nào và tư tưởng khác biệt ra sao, giờ đây Việt Nam và Hoa Kỳ sẵn sàng nắm lấy tay nhau cùng mở rộng quan hệ đối tác toàn diện.
Mối quan hệ đối tác mới và đang được mở rộng này thúc đẩy các sáng kiến nhằm tăng cường mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam và nhấn mạnh chiến lược tái cân bằng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Mối quan hệ đối tác đang phát triển tạo ra một cơ chế thúc đẩy hợp tác trong quan hệ chính trị và ngoại giao, thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề về di chứng chiến tranh, quốc phòng và an ninh.
“Dù có quá khứ đau thương và những khác biệt về hệ tư tưởng, Việt Nam, một quốc gia trước kia là kẻ thù của Hoa Kỳ, giờ đây là đối tác thân thiết, sẵn sàng bắt tay với Washington trong một mối quan hệ đối tác toàn diện mở rộng”.
Hai mươi năm trước, khi Việt Nam và Hoa Kỳ nối lại quan hệ song phương, kim ngạch thương mại giữa 2 nước chỉ đạt 450 triệu USD. Năm ngoái, con số đó đã vọt lên gần 39 tỷ USD. Cũng trong thời kỳ đó, thu nhập của người dân Việt Nam cũng tăng lên 6 lần từ 560 USD năm 1988 cho tới xấp xỉ 3.354 USD như hiện nay, và làm tăng gấp đôi số người dân ở tầng lớp trung lưu trong vòng 5 năm kể về trước.
Hơn nữa, 17.000 du học sinh đang theo học tại Hoa Kỳ càng củng cố hơn sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa 2 nước.
Ngày nay, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa tới Hoa Kỳ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực ASEAN. Mối quan hệ kinh tế này đã tạo ra hàng nghìn việc làm tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ. Với bức tranh kinh tế đầy hứa hẹn, người Việt Nam vẫn biết rằng tương lai của họ có mối gắn kết chặt chẽ với những truyền thống và lịch sử hết sức sâu sắc.
Với dân số 90 triệu người, 1/3 trong số đó ở độ tuổi dưới 20, và mức tăng trưởng GDP trung bình là 7% trong vòng 25 năm qua, Việt Nam được các doanh nghiệp Hoa Kỳ biết đến như một trong những thị trường tiềm năng nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Cùng với 10 quốc gia khác, Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do chiếm 40% GDP và 1/3 kim ngạch thương mại của toàn thế giới. Hiệp định này sẽ tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở cả Hoa Kỳ, Việt Nam và các nước tham gia TPP khác.
Mối quan hệ được công nhận như một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong bài phát biểu năm 2014 tại Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) đã tuyên bố: “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Nhưng chúng ta có cùng làm việc với nhau để thay đổi tương lai”.
Một khảo sát gần đây của Nhóm tư vấn Boston (BCG) đối với 2000 người tiêu dùng thành thị của Việt Nam chỉ ra rằng Việt Nam là nước có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Đất nước Việt Nam mới đang sản xuất giày cho Nike, chip máy tính cho Intel, máy ảnh cho Cannon, xe máy cho Honda, điện thoại thông minh cho Samsung và thị trường tiêu dùng đang mở rộng.
Trong năm vừa qua, đã có một chiến dịch ngoại giao của Hà Nội đối với Washington thể hiện qua chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với Tổng thống Obama và chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Mùa xuân năm nay, Bộ trưởng Công an Việt Nam Trần Đại Quang cũng đã có các cuộc hội đàm song phương với giới chức Hoa Kỳ về việc mở rộng các vấn đề an ninh.
Toàn cầu hóa và hội nhập với phương Tây
Công cuộc Đổi Mới bắt đầu năm 1986 đối với nền kinh tế Việt Nam đã thành công trong việc tăng cường quyền của những gia đình ở vùng nông thôn, giảm bớt thẩm quyền pháp lý của các hợp tác xã và xác định con đường hướng tới nền kinh tế theo định hướng của thị trường.
Giai đoạn chuyển tiếp quan trọng này, được thúc đẩy bởi việc thông qua Luật Doanh nghiệp 1999, đã mở ra một tinh thần kinh doanh mới trong lòng những nhà doanh nghiệp, một bước đột phá trong cải cách thể chế và tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đến năm 2002, những lợi ích chiến lược và kinh tế song trùng đã khiến Hoa Kỳ và Việt Nam phải tăng cường mở rộng quan hệ trên hàng loạt vấn đề. Vài năm trước, 2 bên cũng đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự và đã tăng cường sự hợp tác trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Nhận thức sâu sắc những di sản đau thương của quá khứ, Việt Nam tiếp tục tìm kiếm hài cốt những người lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Hợp tác quân sự gần gũi được thể hiện rõ qua quyết định của Việt Nam cho phép Hải quân và các tàu bảo vệ bờ biển của Hoa Kỳ cập cảng Cam Ranh để sửa chữa và bảo dưỡng, và cả việc ký kết tuyên bố về tầm nhìn chung Quan hệ quốc phòng gần đây.
Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại tự do của khu vực có tiêu chuẩn cao, sẽ mở ra nhiều thị trường hơn cho cả hai quốc gia, nâng cao tiêu chuẩn lao động, môi trường và luật sở hữu trí tuệ, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng ở trên cả 2 bờ Thái Bình Dương.
Lãnh đạo Việt Nam ủng hộ việc thông qua TPP và tin tưởng rằng nó sẽ đóng vai trò như một tấm bản đồ dẫn đường cho tương lai ngày một phát triển của đất nước, vì nó yêu cầu thị trường của Việt Nam phải trở nên ngày một năng động và hiệu quả hơn.
“Một cuộc khảo sát gần đây của Nhóm tư vấn Boston (BCG) đối với 2000 người tiêu dùng thành thị Việt Nam chỉ ra rằng Việt Nam là nước có tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á”.
Theo thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện, có 3 lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong nỗ lực của hai chính phủ để đạt được sự hợp tác gần gũi hơn. Thứ nhất, vấn đề nhân quyền sẽ phải có thêm động lực thúc đẩy trong bối cảnh Việt Nam tham gia đàm phán ký kết hiệp định thương mại TPP. Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ được những quan tâm của Quốc hội Hoa Kỳ về ghi nhận tình hình nhân quyền và khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn về lao động và quyền con người của Việt Nam. Việt Nam cũng đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất.
Trong chuyến thăm năm ngoái, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chính phủ Việt Nam đã có “những nỗ lực không ngừng để thúc đẩy nhân quyền” như là một phần của quá trình cải cách”. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 của Việt Nam đã dành riêng một chương cho vấn đề nhân quyền.
Trọng tâm của quá trình đối thoại bao gồm những cuộc hội đàm liên tục giữa những cơ quan có liên quan của Hoa Kỳ với Bộ Công an Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Sau rất nhiều năm bị cô lập về kinh tế, Việt Nam đã mở cửa với phương Tây và giai đoạn 1990-2010; Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng GNP (Tổng sản phẩm quốc gia) cao nhất thế giới. Thêm vào đó, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Việc Việt Nam tham dự Cộng đồng Kinh tế ASEAN – theo kế hoạch sẽ được công nhận đầy đủ cuối năm 2015 – là một yếu tố quyết định khác trong việc thu hút nhà đầu tư khi quốc gia này chuẩn bị thực hiện việc miến thuế cho toàn bộ khu vực ASEAN.
Khi mối quan tâm hàng đầu của quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam là về chính trị, an ninh và kinh tế, câu chuyện về các mối quan hệ thực sự gắn kết 2 quốc gia này lại không được nói đến. Câu chuyện đó vẫn được viết bằng trái tim và khối óc của thế hệ mai sau.
Những điểm làm nổi bật mức độ hợp tác trong việc mở rộng quan hệ đối tác Hoa Kỳ - Việt Nam:
• Hoa Kỳ hiện nay là nhà đầu tư FDI hàng đầu cũng như là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
• Năm ngoái Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ trong số 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với kim ngạch xuất khẩu đạt 30,6 tỷ USD vào năm 2014.
• Trao đổi ngoại giao cấp cao đã trở thành chuẩn mực.
• Về mặt an ninh, các tàu của Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện hơn 15 chuyến thăm tới cảng từ năm 2003 và tiến hành đợt huấn luyện hải quân chung với Việt Nam năm 2010.
• Cả Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục hợp tác với nhau trong việc giải quyết các di chứng từ cuộc chiến tranh Việt Nam - khó khăn nhất trong số đó là ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin và việc loại bỏ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trong đất của Việt Nam.
• Hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai quốc gia sẽ là tiêu chuẩn cho mối quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam.
• Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán về chương trình Peace Corp trong đó bao gồm việc cho phép các tình nguyện viên của Peace Corp tới dạy tiếng Anh ở những vùng nông thôn của Việt Nam.