Chuỗi Món Huế vừa đóng cửa nhiều cửa hàng và bị tố nợ tiền nhiều nhà cung cấp là thương hiệu ẩm thực đầu tiên của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam. Đây cũng là chuỗi nhà hàng phổ biến nhất trong hơn 10 thương hiệu của công ty Huy Việt Nam đang hoạt động.
Sau 12 năm từ khi khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 1/2007, hiện nay Món Huế có gần 80 cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Vừa tăng vốn thêm hơn 600 tỷ vào tháng 4
Chuỗi Món Huế do pháp nhân Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế trực tiếp vận hành. Doanh nghiệp này thành lập vào năm 2007 với 100% vốn nước ngoài.
Người đại diện theo pháp luật hiện tại của Công ty Món Huế là bà Ngô Thị Mỹ Hạnh với chức vụ giám đốc. Bà Hạnh sinh năm 1985 và có địa chỉ thường trú tại TP. Hà Nội.
Giữa năm 2017, công ty Món Huế tăng vốn điều lệ từ 18,5 tỷ đồng lên 22 tỷ đồng. Đến tháng 4 năm nay, công ty Món Huế tiếp tục tăng vốn nhưng với quy mô gấp 30 lần lên hơn 657 tỷ đồng.
Thời điểm này, có 3 pháp nhân tham gia góp vốn vào công ty Món Huế. Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam có trụ sở tại TP.HCM góp vốn 22 tỷ đồng, Huy Vietnam Group Ltd có trụ sở tại quần đảo Cayman, Vương quốc Anh góp 401 tỷ đồng, Huy Vietnam Ltd có trụ sở tại Hong Kong góp 234 tỷ đồng.
Trong 3 pháp nhân trên, Huy Vietnam Ltd ở Hong Kong chính là chủ doanh nghiệp Công ty TNHH Huy Việt Nam ở TP.HCM. Công ty Huy Việt Nam hiện có số vốn điều lệ hơn 600 tỷ đồng.
Với pháp nhân còn lại là Huy Vietnam Group Limited, việc đăng ký kinh doanh tại quần đảo Cayman được cho là để giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thực hiện mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp chưa niêm yết. Ngoài ra, quần đảo Cayman cũng là một trong những "thiên đường thuế" nổi tiếng trên thế giới.
Chiều 22/10, Zing.vn gọi vào số điện thoại của bà Mỹ Hạnh nhưng giám đốc chuỗi Món Huế không nghe máy. Trong khi đó, số máy của ông Huy Nhật, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Huy Việt Nam không liên lạc được.
Quy mô chỉ sau Golden Gate và Red Sun
Ngoài Món Huế, hai thương hiệu phổ biến của công ty Huy Việt Nam là Phở Ông Hùng và Cơm Thố Cháy được đổi tên từ Cơm Express. Hai chuỗi này cũng do pháp nhân Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế trực tiếp vận hành.
Huy Việt Nam mở cửa hàng Phở Ông Hùng đầu tiên vào năm 2014 và cửa hàng Cơm Thố Cháy vào năm 2015. Đến nay, Phở Ông Hùng đã có 55 điểm bán còn số cửa hàng của Cơm Thố Cháy là 31.
Cuối năm 2014, khi nhận đầu tư 15 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, CEO Huy Việt Nam, ông Huy Nhật cho biết chiến lược của doanh nghiệp là sử dụng nhiều thương hiệu để chinh phục thị trường địa phương. Nếu như Món Huế đại diện cho ẩm thực miền Trung thì Phở Ông Hùng đại diện miền Bắc và Cơm Thố Cháy là của miền Nam.
Tháng 4/2015, khi tiếp tục gọi vốn thành công 15 triệu USD trong vòng Series C, Huy Việt Nam tái khẳng định số tiền huy động được sẽ dùng để tập trung mở rộng hệ thống cửa hàng Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy.
Cũng trong năm 2015, Công ty Huy Việt Nam ra mắt thương hiệu Great Banhmi & Cafe. Đến nay, chuỗi Great Banhmi & Cafe có 27 điểm bán, chỉ xếp sau 3 chuỗi quan trọng nhất của Huy Việt Nam.
Ngoài việc mở các cửa hàng riêng, Huy Việt Nam còn phát triển những cửa hàng tích hợp nhiều thương hiệu bên trong một mặt bằng. Bằng cách này, công ty tăng thêm nhiều điểm bán nhưng không cần phải thuê mới nhiều mặt bằng.
Một địa điểm tại quận 1, TP.HCM tích hợp nhiều thương hiệu của Huy Việt Nam. Ảnh: Lê Quân. |
Không chỉ kinh doanh các nhà hàng món Việt, trong 2 năm qua, Huy Việt Nam cũng giới thiệu một số thương hiệu món ngoại mới như Iki Sushi (Nhật Bản), Shilla BBQ (Hàn Quốc) hay trà sữa TP Tea (Đài Loan). Trong đó, TP Tea có 10 cửa hàng, Iki Sushi có 3 cửa hàng và Shilla BBQ có 2 cửa hàng.
Với hơn 200 điểm bán, Huy Việt Nam là 1 trong 3 chuỗi kinh doanh ẩm thực lớn nhất Việt Nam về quy mô, chỉ xếp sau hai ông lớn Golden Gate và Red Sun.
Nếu tính theo vốn điều lệ, con số 600 tỷ đồng của Huy Việt Nam thậm chí còn vượt xa mức vốn 200 tỷ đồng của Red Sun và 76 tỷ đồng của Golden Gate.
Con đường của Huy Việt Nam cũng khác với hai đối thủ khi tập trung phát triển các thương hiệu món Việt. Trong khi đó, Golden Gate và Red Sun được biết đến nhiều nhất với các chuỗi nhà hàng lẩu nướng như Kichi Kichi, Gogi House hay King BBQ, Hotpot Story.