Sáng 22/9, chốt kiểm soát ở ngã ba Cầu Giẽ (km 213 quốc lộ 1A), huyện Phú Xuyên, đón lượng lớn người dân từ các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình... vào Hà Nội. |
Phần lớn những người này là người lao động, về quê tránh dịch. Ghi nhận của Zing trong khoảng 2 giờ, hầu hết người dân không biết hoặc không rõ cách sử dụng phần mềm khai báo y tế điện tử. Họ mất rất nhiều thời gian để khai báo bằng giấy, dẫn đến tình trạng ùn, tụ tập đông người tại chốt kiểm soát. |
Tại chốt ở ngã ba Cầu Giẽ, hai bố con ông Bùi Thế Cầu (49 tuổi) và Bùi Thế Sáng (23 tuổi) đang nằm ngủ chờ qua chốt. Hai bố con ông sống tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, đi xe máy vượt khoảng 1.600 km đến huyện Hoài Đức, Hà Nội, để làm công nhân xây dựng. |
"Ngày 18/9, hai bố con đi xe máy từ Bình Thuận, đã qua rất nhiều chốt. Tối 20/8, đến đây thì họ không cho qua dù tôi có đủ giấy xét nghiệm, giấy xác nhận của địa phương ở Bình Thuận. Các cán bộ tại chốt bảo chỉ được vào nếu có chính quyền ở Hoài Đức ra tận nơi đón. Nhưng tôi đợi 2 ngày đêm mà chưa có ai đến. Người nhà ở Hoài Đức bảo xã sẵn sàng ra đón nhưng chưa nhận được yêu cầu từ TP hay huyện", anh Sáng nói. |
Hai ngày nay, bố con ông Cầu ngủ một đêm ở vỉa hè đường, một đêm tá túc ở nơi từng là chỗ bán nước. Trong khoảng thời gian này, họ ăn mì tôm do cán bộ ở chốt cung cấp và cơm được chốt kiểm dịch động vật gần đó ủng hộ. Trao đổi với phóng viên, một cán bộ tại chốt cho biết trường hợp trên thuộc diện phải đi cách ly tập trung khi vào TP. "Chúng tôi đã báo cáo với CDC Hà Nội nhưng chưa thấy xe xuống đón". |
Trong khi đó, anh Trần Viết Linh (hành nghề xe ôm công nghệ) từ quê Nam Định về nhà ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) để làm việc. Trước khi đi, anh chỉ có giấy xét nghiệm Covid-19, không chứng minh được bản thân sống và làm việc tại Hà Nội. Lực lượng chức năng tạo điều kiện, yêu cầu anh Linh liên hệ với công ty, xác nhận anh là nhân viên và hoạt động tại địa bàn TP. Sau khoảng 15 phút, anh Linh xin được xác nhận qua điện thoại và được lưu thông. |
Giống với anh Linh, anh Phạm Văn Hiếu cũng thiếu giấy tờ theo quy định. "Thôn tôi ở là vùng xanh, tôi hỏi chính quyền xã thì họ bảo vùng xanh không được cấp giấy đi đường, đến chốt cứ bảo ở nơi không có dịch là được đi", anh Hiếu nói với phóng viên. Tuy nhiên, ngoài giấy đi đường, anh Hiếu cũng không có xét nghiệm Covid-19 nên không được qua chốt. |
Sáng 22/9, thời tiết ở Hà Nội lúc nắng, lúc mưa, nhiều người tỏ rõ sự mệt mỏi, đặc biệt là trẻ em. Bé gái trong ảnh được bố mẹ chở từ Hà Nội đi Thái Bình từ sớm. Thế nhưng, họ không được chốt kiểm soát ở Thái Bình tiếp nhận nên lại phải vòng lại Hà Nội. |
Nhiều người quay đầu đi ngược chiều khi không được qua chốt. Sáng nay, lượng người không được vào Hà Nội khá nhiều. |
Tại chốt ở cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, đa số các phương tiện là ôtô cá nhân và xe tải. Những xe có phù hiệu luồng xanh được ưu tiên không bị kiểm tra. Chốt ở đây được lắp đặt hệ thống quét mã QR khai báo y tế điện tử. |
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân gặp khó khăn khi khai báo y tế. Bà Trần Ngọc Ánh sử dụng app VNEID do Bộ Công an phát hành để quét mã khai báo nhưng không thành công, dù trước đó bà đã khai báo qua app này. Sau đó, bà Ánh phải dùng Zalo để quét mã và khai báo lại từ đầu. |
Không ít xe phải quay đầu khi không đủ giấy tờ theo quy định. Do đường lớn nên việc quay đầu không gây ùn tắc giao thông. |
Theo đại tá Trần Ngọc Dương, Phó giám đốc Công an Hà Nội, người ngoại tỉnh muốn trở về TP thì điều kiện đầu tiên là phải đi từ tỉnh, thành phố không nằm trong vùng, địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Người đi vào Hà Nội để làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động cần chuẩn bị: Giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo mẫu; kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR có giá trị trong 3 ngày; kê khai rõ điểm đến và quét mã QR tại các chốt kiểm dịch. |