Khi đại dịch Covid-19 bùng phát làm chấn động cả Trung Quốc hồi tháng 1, cư dân tại làng nuôi rắn Zisiqiao phải đối mặt với lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã, vốn là nguồn sống đối với họ trong hàng thập kỷ, theo SCMP.
Nguồn sống trong 40 năm
Làng Zisiqiao có hàng trăm lao động tham gia nuôi rắn, mỗi năm lên đến 3 triệu con. Giờ đây, những chuồng nuôi rắn vốn nằm chen chúc trên các thanh xà ngang đã trở nên trống không. Từ "rắn" trên biển hiệu bên ngoài các nhà hàng ở ngoại vi làng Zisiqiao đã bị xóa bỏ.
"Trong làng bây giờ chắc chắn không còn ai nuôi rắn. Nguyên nhân là do dịch bệnh. Zhong Nanshan (bác sĩ nổi tiếng của Trung Quốc) đã nói dịch bệnh liên quan tới rắn và dơi", Yang Heyong, một người nuôi rắn 71 tuổi, cho biết.
Người nuôi rắn tại Zisiqiao có nguy cơ mất nguồn sống. Ảnh: SCMP. |
Zisiqiao đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp nuôi rắn trong gần 40 năm qua. Làng này có một bảo tàng văn hóa rắn, từ lâu đã trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Loài bò sát này cũng đã trở thành một phần của nền kinh tế phi chính thức của làng, các gia đình nuôi chúng tại sân sau để bán cho các nhà hàng hoặc lái thương thu mua nguyên liệu thuốc.
Đại dịch toàn cầu Covid-19 khởi phát từ động vật hoang dã bán tại chợ hải sản ở Vũ Hán. Các nhà khoa học tin rằng virus corona gây ra đại dịch xuất phát từ dơi, các nghiên cứu ban đầu cho thấy chúng được truyền sang con người thông qua loài rắn.
Trung Quốc đã ra lệnh cấm tạm thời hoạt động mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã từ ngày 23/1. Bắc Kinh cũng cam kết sửa đổi quy định về bảo vệ động vật và ngăn ngừa dịch bệnh để biến lệnh cấm tạm thời thành quy định lâu dài. Tổng cộng 13 tỉnh đã thực hiện các biện pháp ở cấp địa phương nhằm cấm hoạt động tiêu thụ động vật hoang dã.
Tại Zisiqiao, làng cách Thượng Hải 200 km, giấy phép nuôi ấp rắn đã bị hủy bỏ trong tháng 1. Mùa Đông là thời gian tạm nghỉ và hoạt động nuôi ấp thường chỉ bắt đầu vào tháng 4 hoặc tháng 5, vì vậy tác động kinh tế lên các gia đình chưa rõ rệt.
Một số cư dân cho biết họ hy vọng lệnh cấm sẽ được nới lỏng khi cuộc khủng hoảng y tế kết thúc. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ khẳng định lệnh cấm có hiệu lực lâu dài, và dù giấy phép mới có được cấp vào cuối năm nay, các điều kiện về nuôi ấp sẽ chặt chẽ hơn nhiều so với trước đại dịch.
"Giấy phép sẽ không được cấp dù đại dịch có kết thúc. Họ sẽ phải đổi nghề, nuôi những sinh vật khác", Lu Jinliang, một quan chức của làng, cho biết.
Mua bán 9.000 con rắn mỗi năm
Một nghiên cứu của Đại học Vũ Hán công bố tháng 12/2019 cho thấy từ 7.000-9.000 con rắn được buôn bán tại Trung Quốc mỗi năm. Hoạt động của các trang trại nuôi rắn có khả năng đã làm ra tăng sự lây truyền các bệnh lây nhiễm.
Mặc dù vậy, giáo sư Yu Xuejie từ Đại học Vũ Hán, một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết ông không tin rắn là nguồn lây virus corona. Một nghiên cứu khác công bố vào tháng 3 cho rằng bằng bằng chứng gene cho thấy rắn có thể đóng vai trò là động vật lây truyền trung gian.
Trung Quốc mua bán tới 9.000 con rắn mỗi năm. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, kết luận này vấp phải sự nghi ngờ, theo giáo sư Patrick Aust, chuyên gia từ Đại học Oxford của Anh.
"Nguồn lây bệnh nhiều khả năng nhất là các loài thú có vú, có thể là dơi, tuy nhiên có nhiều loài đáng nghi ngờ khác, trong đó có tê tê", ông Aust nói, đồng thời khẳng định không có lý do để chỉ coi rắn là động vật có nguy cơ đe dọa sức khỏe.
Các tổ chức bảo vệ động vật đã hoan nghênh lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc, trong đó có giới hạn nuôi ấp rắn, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh cấm vĩnh viễn hoạt động này. Tuy nhiên, các tổ chức cũng đề nghị không nên chỉ coi rắn là động vật lây truyền dịch bệnh.
"Đây là vấn đề dịch bệnh, không phải là vấn đề của riêng một loài vật. Đây là vấn đề của con người", Aili Kang, giám đốc điều hành chương trình châu Á của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, cho biết.