Toàn cảnh khu vực trồng hoa của huyện Chợ Lách, phía xa là sông Vàm Mơn đang bị xâm nhập mặn, nhiều khu vực nước sông có độ mặn gần 5 phần nghìn, không thể dùng tưới hoa kiểng. Huyện Chợ Lách hiện có hơn 13.000 hộ nông dân sản xuất hoa kiểng, ước tính cung cấp khoảng 10 triệu sản phẩm dịp Tết 2020. Từ lâu, huyện được nhiều người gọi là “vương quốc” hay “thủ phủ” hoa kiểng miền Tây. Đây cũng là một trong 2 địa phương (cùng Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) sản xuất hoa kiểng lớn nhất miền Tây. |
Bà Nguyễn Thị Bảy, ngụ xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, dùng tấm nhựa và những bao đất làm nơi dự trữ nước tưới hoa khoảng 10 ngày nay. Gia đình bà trồng hoa kiểng đã nhiều năm nhưng chưa từng dùng cách dự trữ nước như thế này. |
Bà Bảy cho biết hạn mặn năm nay xâm nhập sớm khiến người trồng hoa kiểng dịp Tết như bà gặp nhiều khó khăn. Bà và các con trồng hàng trăm cây quýt kiểng, hoa mai, vạn thọ... tuy nhiên, lượng nước ngọt tưới ngày càng khan hiếm. Khi nhánh của sông Vàm Mơn sau nhà đầy nước, bà dùng máy bơm vào bể nhựa tự chế để trữ nước, dùng dần cho việc tưới cây. Cũng theo bà, việc trữ nước này chỉ là giải pháp nhất thời, nếu tốc độ xâm nhập mặn cứ nhanh, thời tiết lại khô hạn như thế này thì vườn hoa kiểng khó chống chịu được. |
Không riêng gì bà Bảy, nhiều hộ trồng hoa kiểng của huyện Chợ Lách cũng tự chế những bể chứa nước ngọt bằng nhựa, được cố định bằng những túi đất, cát. Theo thông tin từ đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, từ ngày 10/12, độ mặn tại cửa sông Cửa Đại, Cổ Chiên, Hàm Luông chảy qua tỉnh là khoảng 20 phần nghìn. Khu vực cách cửa sông khoảng 50 km, sông Vàm Mơn và nhiều nhánh sông nhỏ khác của huyện Chợ Lách đã có độ mặn khoảng 4-5 phần nghìn. Đây là đợt xâm nhập mặn sớm và nhanh nhất trong vòng 10 năm qua. |
Song song với tình trạng xâp nhập mặn, Chợ Lách và nhiều địa phương khác của miền Tây đang vào mùa khô hạn, nước ngầm tại các giếng khoan hiện khan hiếm dần. Điều này càng gây thêm khó khăn cho nông dân trong sinh hoạt và tưới tiêu cho hoa kiểng. |
Người dân xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tưới hoa kiểng bằng những chiếc cốc nhựa nhỏ để tiết kiệm nước. Theo nhiều người làm vườn đây là điều không tưởng tượng nổi. |
Một hộ gia đình gom những cây giống hoa kiểng sinh trưởng yếu hoặc đã chết bỏ phía con lộ trước nhà. Theo hộ gia đình này, họ buộc phải bỏ cả những cây giống sinh trưởng yếu để tập trung nguồn nước dự trữ cho những cây giống tốt hơn. Những năm trước, họ vẫn trồng và dưỡng cả những cây giống yếu mà không bỏ hẳn như thế này. |
Những ngày qua, UBND xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách chuyển về trụ sở những chiếc túi nhựa trữ nước khổng lồ và giới thiệu cho người dân. Theo nhiều người, đây là những chiếc túi to quá tưởng tượng, lần đầu tiên họ nhìn thấy. |
Đây là những túi trữ nước được làm từ vật liệu nhựa, có độ bền nhiều năm. Mỗi túi chứa được 15-25 m3 nước. Giá thành khoảng trên dưới 2 triệu đồng/túi. UBND xã Phú Sơn cho biết đây là nỗ lực của địa phương trong việc ứng phó với hạn mặn năm nay. |
UBND xã Phú Sơn cũng là đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong và ngoài huyện kết nối và đặt hàng doanh nghiệp gia công túi nhựa. Được biết, túi trữ nước này do một doanh nghiệp tại TP.HCM nhận gia công theo yêu cầu của nông dân. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, địa phương đã chuẩn bị nhiều kế hoạch hỗ trợ người trồng hoa kiểng Chợ Lách nói riêng, nông dân của huyện nói chung nếu hạn mặn kéo dài. Trong đó, nếu cần thiết sẽ đồng hành chở nước tưới hoa kiểng cùng nông dân. Vùng sản xuất được khuyến khích thu hẹp để giảm thiệt hại, sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tăng sức chịu đựng độ mặn cho cây. |