“Trăm nghe không bằng một thấy”, trong ngày đông giá rét, chúng tôi hăm hở lên đường đến tận nơi để tìm hiểu rõ thực hư.
Bỏ phố làm nông dân
Xuôi theo quốc lộ 1A (cũ) khoảng 10km, rồi rẽ vào con đường đê ngoằn ngoèo như dải lụa quấn quanh những dãy nhà cao tầng nhấp nhô ven ngoại thành, tất thảy chúng tôi đều ngỡ ngàng trước khung cảnh trước mắt. Một đàn ngựa bạch cả trăm con, lớn có, nhỏ có, nằm yên có, mà đùa nhau phi nước đại trên bãi đất rộng và sườn đê cũng có.
Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, chủ nhân của khu trang trại đặc biệt này không giấu được niềm vui vì công sức bao năm mình bỏ ra đang gặt hái được thành công ngoài sức tưởng tượng. Chị Hằng sinh năm 1959 (Kỷ Hợi), cái tuổi tưởng chừng chỉ đem lại sự an nhàn, phú quý. Thế nhưng, theo chị, cuộc đời mình gặp nhiều sóng gió trong làm ăn lắm. Là con gái “phố cổ” xịn nhưng chị lại chọn cho mình cái nghề vất vả, chân lấm tay bùn.
Đàn ngựa bạch tại trang trại của chị Hằng. |
Sau khi học xong, theo bạn bè, chị quyết sang định sang Đức sinh sống và làm việc. Môi trường làm việc tốt, kiếm được nhiều tiền, nhưng nỗi nhớ gia đình và cái ước muốn làm được điều gì đó xây dựng cho quê hương, đất nước vẫn luôn làm chị đau đáu. 10 năm có lẽ là quãng thời gian quá đủ cho cái dự định khiến chị “mất ăn mất ngủ” bao năm nay. Sau khi về nước với số vốn ít ỏi trong tay, năm 2004, tìm hiểu kỹ và tính phương thức làm ăn mới, chị Hằng quyết định làm thủ tục xin cấp 7ha đất bỏ hoang bên đê sông Hồng (thuộc thôn Vạn Yên, xã Yên Mỹ, Thanh Trì) để thực hiện ước mơ của mình.
Khi ấy, biết chị bỏ phố về quê để “đổ cả đống tiền của” xuống đầm lầy, người thân phản đối, khuyên can ghê lắm. Bởi họ sợ chị sẽ mất sạch số tiền đầu tư bao năm bươn chải ở xứ người. Theo chị Hằng, mọi chuyện đã qua rồi, chị không muốn nhắc lai bởi mọi quyết đinh sẽ là đúng đắn, chí ít với bản thân mình. Tiếp đó, chị nhanh chóng bắt tay vào thực hiện dự án để chứng mình rằng mọi việc mình làm đều có sự tính toán, làm bằng trí óc chứ không phải hồ đồ như mọi người vẫn nghĩ.
Sau khi san lấp được một phần đất, chị Hằng liền mở xưởng sản xuất thức ăn gia súc, cung cấp cho người chăn nuôi quanh vùng. Dù có chiến lược kinh doanh, nhưng dự án này nhanh chóng đổ bể vì những chủ trang trại, các hộ chăn nuôi đều bị thua lỗ do dịch bệnh. Không nản chí, ngoài việc động viên bà con tiếp túc chăn nuôi, chị còn đầu tư mở trang trại gia súc, gia cầm tại chỗ.
“Thời ấy, vì muốn khẳng định quyết định của mình là đúng và nhanh chóng thành công. Nên ngoài việc thuê người, chẳng quản sớm hôm, mưa nắng, lúc nào chị cũng túc trực tại trang trại để tự tay tham gia vào mọi việc. "Từ việc phát quang, đắp đất, đóng bao bì hay chăm sóc vật nuôi, tôi chẳng quản ngại gì hết. Nhưng, thất bại cứ nối tiếp thất bại, người dân làm ăn thua lỗ nên tiền bán thức ăn bị đọng lại, không những thế trâu, bò, lợn, gà, dê, thỏ… của trang trại cũng héo hon, quay quắt rồi chết dần chết mòn trước sự bất lực của tôi và đối tác”, đưa ánh mắt dõi theo đàn ngựa khỏe mạnh đang đùa giỡn trên bãi cỏ, chị Hằng nhớ lại.
Thất bại trắng tay, nhìn cảnh hoang tàn của trang trại sau khi chỉ còn lại vài con vật gầy gò thiếu sức sống, cùng dây chuyền sản xuất thức ăn hoen rỉ, bỏ hoang từ bao giờ, chị không can tâm. “May mắn, lúc tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt thì tôi lại thấy le lói tia sáng khi vô tình xem tivi thấy nhắc đến công dụng và giá trị của ngựa bạch. Từ đó tôi quyết đinh chuyển hướng làm ăn sang chăn nuôi, nhân giống gene ngựa bạch”, giọng chị Hằng thoáng vui. Nghĩ là làm, nhưng trong chị còn ngổn ngang bao điều vì biết lấy vốn đâu để đầu tư, cách chăm sóc chúng ra sao, không những thế việc nhân giống gene ngựa bạch ở Việt Nam rất khó khăn, tỷ lệ thành công lại rất thấp.
Trời không phụ người có công
Là ủy viên Hội Thú y Việt Nam, nên khi đề xuất ý tưởng nuôi nhân giống gen ngựa bạch, chị được hội rất ủng hộ. Đặc biệt là bác sĩ Hoàng Triều, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội Thú y Việt Nam, người luôn sát cánh cùng chị, hỗ trợ chị từ khâu kỹ thuật, con giống cho đến nguồn vốn. Cuối năm 2007, vay mượn bạn bè được hơn 100 triệu đồng, chị cùng bác sỹ Hoàng Triều cất công đi tận vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn… để tìm hiểu và mua ngựa bạch đưa về trang trại nuôi.
Nhìn đàn ngựa đang tung tăng đùa nghịch, chị Hằng vui vẻ tâm sự: “Cứ nghe thấy ở đâu có giống ngựa tốt là tôi vội vàng tìm đến dù cho đó là bản làng heo hút đi bộ vài chục cây số, đi đêm về hôm hay lặn lội trên rừng rú cả tháng trời. Kẻ từ khi có ý tưởng nuôi ngựa bạch, trong tôi lúc nào cũng hừng hực đam mê, quyết tâm vào dự án đặc biệt này”. Có lẽ chính vì cái quyết tâm lơn lao ấy nên chị mới dám mạo hiểm đến mức liều mình đem sổ đỏ của gia đình đi “cắm” cho ngân hàng lấy một tỷ đồng để đầu tư tiếp vào trang trại.
“Sau một thời gian dài đi khắp các tỉnh miền Bắc, nhưng tôi cũng chỉ tìm được 20 con ngựa bạch có tố chất tốt nhất đem về trang trại nuôi. Số lượng này so với diện tích 7ha quả là nhỏ, nên tôi đã quyết định “cắm” nhà ở lấy vốn sang Tây Tạng mua thêm 20 con nữa về nhân giống. Sở dĩ tôi phải sang tận Tây Tạng để mua là bởi ngựa ở đây có ngoại hình cao lớn, khỏe mạnh,lông mượt, tỷ lệ sinh sản đạt cao. Hứa hẹn một tương lai tươi sáng…”, chị Hằng vui vẻ cho hay.
Từ sự ham học hỏi, cùng quyết định táo bạo và cái “nhân duyên” đến với ngựa bạch từ vài chục cá thể đầu tiên. Đến nay trang trại của chị có hàng trăm con ngựa bạch. Đặc biệt, hiện trang trại có đến gần 40 con ngựa mẹ sắp đến ngày đẻ. Đó là còn chưa kể, từ năm 2006 đến nay, hàng trăm con ngựa bạch đã được xuất xưởng nấu cao, hoặc bán giống nuôi cho nhân dân. Theo chị Hằng, cho đến tận bây giợ , chị cũng không thể ngờ được những chú ngựa quanh năm sống trên núi sao Tây Tạng nhưng đưa về đây lại dễ nuôi đến thế. Chính điều này đã khiến chị vui lắm vì công sức, tâm huyết của mình bỏ ra đã không uổng phí.
Bằng sự am hiều , có “bí kíp” riêng cùng với khả năng “nhìn xa trông rộng” của mình ngay từ năm 2007, chị Hằng mở thêm cơ sở sản xuất cao ngựa bạch mang thương hiện Vạn An và đã được Bộ Y tế chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường. Chị Hằng tâm sự : “Mục tiêu mở rộng quy mô đàn ngựa bạch của trang trại không hẳn là để nấu cao ngựa mà là nhân giống, giữ lại nguồn gen ngựa quý hiếm. Những chú ngựa đem nấu cao đa phần đã không còn khả năng sinh sản nữa. Nhưng vì tuổi thọ của ngựa hoàn toàn phù hợp với chất lượng cao nên loại cao này rất tốt”.
Chia tay chị Hằng vào lúc chiều đứng nhìn những chú ngựa bạch vẫn nhởn nhơ gặm cỏ non, rong ruổi phi nước kiệu đùa giỡn bên sườn đê, trong tôi lại thấy thích thú và thầm ngưỡng mộ nghị lực và tình yêu niềm đam mê bất tận của nữ chúa vương quốc bạch mã này.