Nước Anh đang tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông tại vương quốc. Chương trình bao gồm lễ đón chính thức tại Điện Buckingham, bữa tiệc xa hoa với Nữ hoàng Elizabeth II, màn đại bác chào mừng từ Công viên Xanh và Tháp London. Những hình ảnh sẽ được lên trang nhất của các mặt báo.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng các quan chức Anh hơi kém nhiệt tình trong chuyến thăm lần này, theo Washington Post.
Tổng thống Trump, đệ nhất phu nhân Melania gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth II hôm 3/6. Ảnh: AP. |
Bỏ qua nhiều nghi lễ
Một số nghi lễ truyền thống như qua đêm tại Điện Buckingham, lễ nghênh đón hoàng gia với màn diễu hành của kỵ binh không được đưa vào chương trình. Ngoài ra, nghi lễ đoàn rước bằng xe ngựa mạ vàng cũng không có.
"Khi chuyến thăm kéo dài với những kế hoạch cụ thể, bạn muốn cảm thấy hào hứng và vui mừng với nó. Nhưng tôi nghĩ mọi người phần nào đang coi đây là điều gì đó phải vượt qua", bà Leslie Vinjamuri, người đứng đầu chương trình châu Mỹ của Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) cho biết. Đồng thời, bà nói rằng vẫn có sự quan tâm mạnh mẽ từ công chúng Anh.
"Bất cứ khi nào một tổng thống Mỹ đến thủ đô đều thú vị, không nhất thiết phải có lý do chính đáng, nhưng chắc chắn mọi người đều ý thức được điều gì sẽ xảy ra, ít nhất là tắc đường", bà Vinjamuri ám chỉ các cuộc biểu tình rầm rộ đã được lên kế hoạch.
Chính phủ Anh, vốn đang rối bời vì tình trạng hỗn loạn trong nước, dường như từ lâu đã thận trọng về việc tiếp đón Tổng thống Trump thăm cấp nhà nước. Một lý do là hai bên đã mất rất nhiều thời gian mới có thể định ngày cho chuyến thăm.
Các sĩ quan cảnh sát và vệ binh cưỡi ngựa đi qua quốc kỳ Mỹ và Anh dọc theo con đường dẫn về Điện Buckingham ở London ngày 2/6, một ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters. |
Chuyến thăm khó khăn trong quá khứ
Thủ tướng Theresa May từng gửi lời mời của nữ hoàng Anh vào năm 2017, khi Tổng thống Trump nhậm chức tròn một tuần. Chính phủ Anh bị bất ngờ như bất kỳ ai trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đã cố để giành được "sự chiếu cố" của vị tổng thống mới. Lời mời của nữ hoàng vào thời điểm đó có dụng ý như vậy.
Song ý tưởng này đã bị người Anh từ gần như mọi thành phần phản đối, những người tự hỏi tại sao ông Trump lại nhận được vinh dự mà các nhà lãnh đạo thế giới khác phải chờ đợi đến cả năm. Đây cũng là điều hầu hết tổng thống Mỹ chưa từng nhận được. Nói tóm lại, Tổng thống Trump không nhận được sự chào đón của người dân Anh.
Một năm trước, quốc hội Anh đã đi xa đến mức tiến hành một cuộc tranh luận chính thức về việc có nên cấm ông Trump đặt chân lên đất Anh hay không. Trong 3 giờ đồng hồ, các nghị sĩ Anh đã phàn nàn về "một kẻ phân biệt chủng tộc, kỳ thị phụ nữ và kẻ ngốc nguy hiểm".
Sau lời mời, Chủ tịch Hạ viện John Bercow nói rằng ông Trump sẽ không được các nghị sĩ tại Điện Westminster chào mừng như họ đã làm với các tổng thống khác.
"Việc chúng tôi phản đối sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, ủng hộ sự bình đẳng trước pháp luật và một nền tư pháp độc lập là những điều được cân nhắc cẩn thận tại Hạ viện", ông nói.
Người biểu tình tuần hành phản đối tại London sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: PA. |
Hàng chục nghị sĩ khác đã vận động rút lại lời mời Tổng thống Trump và một bản kiến nghị phản đối chuyến thăm đã thu được 1,9 triệu chữ ký của công dân Anh.
Gần mùa xuân năm nay, một chiến dịch rầm rộ đã được thực hiện bởi các nghị sĩ Anh để buộc chính phủ không tiếp tục mời nhà lãnh đạo Mỹ.
Bất chấp điều này, vào tháng 4, Điện Buckingham tuyên bố chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày của ông Trump sẽ diễn ra.
Thị trưởng London Sadiq Khan, người ông Trump không ưa, hôm 31/5 tuyên bố: "Sai lầm khi trải thảm đỏ (đón TT Trump)". Ông Khan là người từng cho phép thả quả bóng bay khổng lồ khắc họa ông Trump như một đứa trẻ ở Westminster trong chuyến thăm đầu tiên.
Lần này, dự kiến 250.000 người biểu tình sẽ xuống đường ở London và quả bóng bay mang hình "Trump baby" mặc tã lót, cầm điện thoại sẽ được thả lên bầu trời thủ đô Anh.
Bóng bay hình "em bé Trump" có thể xuất hiện trở lại trên bầu trời London trong chuyến thăm lần này. Ảnh: AP. |
Trước đây, 8 tổng thống Mỹ đã đến diện kiến nữ hoàng Anh, trong đó có Tổng thống Dwight D. Eisenhower vào năm 1959. Ông Trump là nhà lãnh đạo Mỹ thứ ba có chuyến thăm cấp nhà nước đến Vương quốc Anh, sau các tổng thống George W. Bush và Barack Obama.
Điều đặc biệt khác với những người tiền nhiệm của mình, ông Trump sẽ không qua đêm tại Điện Buckinham. Thay vào đó, ông sẽ ở lại Winfield House, biệt thự oai nghiêm của Đại sứ Mỹ Woody Johnson, nơi có khu vườn lớn thứ hai ở London sau Điện Buckingham. Ông Trump cũng từng ở lại đây trong chuyến thăm Anh vào mùa hè năm ngoái.
Điện Buckingham không thể là nơi đón tiếp Tổng thống Trump vì đang trong quá trình tu sửa, bắt đầu từ năm 2016. Theo trang web chính thức của Hoàng gia, Điện Buckingham có 775 phòng, bao gồm 52 phòng hoàng gia và phòng ngủ của khách.
Nhiều điều bất ngờ chờ đợi
Ông Trump được biết đến là người rất tôn trọng nữ hoàng Anh. Có lần ông nói với tờ Times ở London rằng người mẹ gốc Scotland của ông "kính yêu nữ hoàng". "Bà yêu thích lễ nghi và vẻ đẹp, vì không ai làm được điều đó như người Anh. Và bà ấy cũng rất tôn trọng nữ hoàng", ông nói.
Khi diện kiến Nữ hoàng Elizabeth II vào năm ngoái, ông Trump đã gây ra vài sự lộn xộn. Ông đã rảo bước trước và không cúi chào nữ hoàng khi cả hai duyệt đội danh dự. Trước đó, ông để nữ hoàng đợi hơn 10 phút vì đến Điện Windsor muộn. Điều này đã đặt ra câu hỏi về khả năng nắm bắt các nghi lễ ngoại giao của tổng thống Mỹ.
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh của Tổng thống Trump sẽ diễn ra từ ngày 3 đến ngày 6/6. Ông sẽ gặp gỡ một số thành viên hoàng gia, nhưng không có Công nương Meghan, cựu diễn viên người Mỹ nay là vợ hoàng tử Harry.
Trong cuộc gặp đầu tiên với nữ hoàng Anh hồi năm 2018, ông Trump đã gây ra vài sự lộn xộn. Ảnh: AP. |
Theo lịch trình, ông Trump dự định dùng bữa trưa riêng với nữ hoàng và uống trà với Thái tử Charles cùng phu nhân Camilla nhân dịp kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ D-Day (cuộc đổ bộ vào Normandy tại Pháp đánh dấu chiến thắng của khối Đồng minh trong Thế chiến II).
Những điều gì xảy ra trong vài ngày tới vẫn còn là bất ngờ.
"Đó là công việc của nữ hoàng, giao thiệp với mọi người dù bà ấy có thích hay không", Robert Lacey, người ghi chép tiểu sử hoàng gia Anh, cho biết. Người này cũng cho rằng nữ hoàng có thể không thích cả 13 thủ tướng Anh trong thời trị vì của bà nhưng vẫn gặp họ hàng tuần.
"Nữ hoàng giao thiệp với cả quái vật trong thời gian trị vì, từ Idi Amin đến Robert Mugabe", ông Lacey nói.
Về Tổng thống Trump, ông nhận định đây là cuộc gặp với người đứng đầu nhà nước đồng minh và là người bạn quan trọng nhất của nước Anh. "Đó là công việc của bà ấy", ông nói.