Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vương Hy Phượng đẹp, thông minh, giảo hoạt bậc nhất 'Hồng Lâu Mộng'

Hy Phượng xinh đẹp khó sánh, Hy Phượng ghê gớm, tàn độc, thông minh uy quyền khiến ai cũng nể sợ. Nhưng băng tan, tuyết chảy, kết cục của cô bi thảm như mọi người đẹp đất Kim Lăng.

Trong Hồng Lâu Mộng, nếu Lâm Đại Ngọc là nhân vật chính tập trung mọi điều tốt đẹp nhất, thì Vương Hy Phượng có lẽ là mỹ nhân được nhắc tới nhiều thứ hai. Phượng Thư là sự đối lập của Đại Ngọc, rực rỡ, quyền uy, nhưng kết cục bi thảm không kém gì cô Lâm.

Con chim phượng quyền uy, rực rỡ

Nếu Đại Ngọc “thân cô thế cô”, luôn buồn vì cha mẹ đã mất, bản thân sống nhờ nhà bà ngoại, thì Hy Phương lại xuất thân giàu sang, thanh thế. Cô vốn là tiểu thư nhà họ Vương - một trong bốn gia tộc giàu có, thanh thế nhất đất Kim Lăng, khi lấy Giả Liễn vào phủ Giả, cô vẫn có chỗ “chống lưng” rất mạnh. Vương Hy Phượng là cháu ruột của Vương phu nhân (mẹ Giả Bảo Ngọc), và được Giả Mẫu - người đứng đầu phủ Ninh, Vinh - tin cẩn.

Ve dep,  quyen uy va cai ket bi ai cua Phuong Thu anh 1
Vương Hy Phượng do Đặng Tiệp thủ vai trong phim Hồng Lâu Mộng 1987.

Trong truyện, Vương Hy Phượng xuất hiện theo cách “chưa thấy người đã thấy tiếng”. Lần đầu Đại Ngọc tới Giả phủ, trong lúc mọi người đều hỏi han, thương nhớ mẹ cô Lâm thì phía sau nhà có tiếng cười: “Tôi đến chậm, không được ra đón khách”.

Đại Ngọc ngạc nhiên vì thấy các chị, em đều trang nghiêm khép nép, sao lại có người ăn nói bô bô theo cách vô lễ như thế. Vương Hy Phượng xuất hiện trong tư thế có bọn hầu đỡ, trang phục, phong thái đều toát lên vẻ quyền lực, vương giả.

“Người này trang sức không giống các cô kia, gấm thêu lộng lẫy, trông như một vị thần tiên! Trên đầu, đỡ tóc bằng kim tuyến xâu hạt châu, cài trâm ngũ phượng Triêu Dương (năm chim phượng đậu núi Triêu Dương) đính hạt châu, cổ đeo vòng vàng chạm con ly, mình mặc áo vóc đại hồng chẽn thêu trăm bướm lượn hoa bằng chỉ kim tuyến, ngoài khoác áo màu xanh lót bằng lông chuột bạch viền chỉ ngũ sắc, mặc quần lụa hoa màu cánh chả”.

Về nhan sắc, Hy Phượng là một trong 12 cô gái đẹp đất Kim Lăng. Cô có đôi mắt phượng, mày cong lá liễu, “vóc người óng ả, dáng điệu phong lưu”. Vẻ đẹp của Hy Phượng khi đã có chồng vẫn khiến Giả Thụy si mê.

Khi chị em chơi trò bốc thẻ, cô rút được thẻ hoa cúc. Hy Phượng đúng là một đóa cúc óng ả, rực rỡ giữa vườn hoa. Vẻ chói lòa của hoa cúc có thể giúp nó nổi bật, ấn tượng giữa trăm hoa, nhưng đóa hoa ấy lại không có hương thơm.

Thông minh, cay nghiệt vẫn phận nữ nhi thường tình

Nếu Đại Ngọc là cô gái thông minh bậc nhất trong họ Giả về học thức, thi phú, thì Vương Hy Phượng lại là người thông minh theo lối nhanh nhẹn, hoạt bát, kỳ tài. Tuy không biết đọc sách, ngâm thơ như các cô gái trong phủ, nhưng Phượng Thư giỏi tính toán, sắc sảo không ai bằng.

Ve dep,  quyen uy va cai ket bi ai cua Phuong Thu anh 2
Tranh vẽ Hy Phượng sắc sảo, uy quyền. 

Ở hồi thứ năm, khi Giả Bảo Ngọc mơ thấy mình chơi cõi ảo, thiên cơ được tiết lộ, cậu được xem những cuốn sách, nghe những khúc nhạc về số phận Kim Lăng thập nhị thoa. Phần về Hy Phượng, có bài đề vịnh:

Chim phượng kìa sao đến lỗi thời,
Người đều yêu mến bực cao tài,
Một theo hai lệnh, ba thôi cả,
Nhìn lại Kim Lăng luống ngậm ngùi.

Ở phủ Giả, Phượng Thư vào bậc cháu (tính từ người đứng đầu là Giả Mẫu), lại là cháu dâu, nhưng quyền lực của cô chỉ dưới một người mà trên hàng trăm người. Cô là “tay hòm chìa khóa” của cả phủ, mọi sinh hoạt chi tiêu đều do Hy Phượng nắm giữ. Không chỉ cai quản nắm tất cả quyền hành trong phủ Vinh một cách khéo léo, thông thạo, cô còn được “mượn” sang để điều hành việc lớn trong phủ Ninh.

Vì đảm đang, tháo vát cai quản nhà cửa nên Hy Phượng được Giả Mẫu, Vương phu nhân đặc biệt yêu mến, còn những người dưới lại căm ghét, sợ sệt trước cô.

Không sợ sệt sao được khi chứng kiến những điều Hy Phượng làm. Với Giả Thụy - đứa cháu dại trót si mê mợ Hai - cô không ngần ngại bề ngoài giả lả nói cười, bên trong bày mưu đồng ý hẹn hò nhưng không đến, ngấm ngầm cho người dội nước lạnh lên Giả Thụy trong đêm khuya. Phượng Thư biết Thụy mê cái vẻ phong lưu, óng ả của mình, nhưng cô không nghiêm khắc, để cho y ốm đau với mối tình si đến chết.

Với Vưu Tam Thư - người mà Giả Liễn (chồng Phượng Thư) dan díu ở bên ngoài, Phượng Thư bày ra cả một trận đồ nhằm trả thù. Cô đưa “dì Hai” về trong phủ, dẫn “dì hai” tới chào Giả Mẫu để công nhận đó là vợ bé của chồng. Một mặt Phượng Thư đưa tiền xúi người ta kiện chồng mình cướp vợ người khác, một mặt cô lại đút tiền cho quan lo lót chạy tội cho chồng. Phượng Thư lợi dụng Thu Đồng (một a hoàn của chồng) để chửi bới, nói xấu dì Hai.

Sống cạnh người vợ cả quá thông minh, bụng dạ khó lường như vậy, dì Hai không ngày nào yên. Tới khi Vưu Tam Thư bỏ trốn, thì Phượng Thư sai người đi tìm giết. Người ta rùng mình với sự giảo hoạt của Phượng Thư, cho đó là ghen tuông ghê gớm. Câu “ghen Phượng ớt” trở thành cửa miệng để nói những người phụ nữ ghen tuông là vì thế. Nhưng ở đây, hành xử của Hy Phượng với vợ hai của chồng vừa cao tay, vừa ghê gớm hơn nhiều. Nó là sự nổi giận của người phụ nữ quyền uy, trừng trị kẻ dám “vuốt râu hùm”.

Phượng Thư cũng là người đưa ra mưu kế “tráo rường đổi cột”, trong đám cưới Bảo Ngọc với Đại Ngọc. Cô đã đánh tráo cô dâu, cho Bảo Thoa thay, khiến cho Bảo Ngọc đã ngây càng thêm ngô, Đại Ngọc uất ức tới chết.

Ve dep,  quyen uy va cai ket bi ai cua Phuong Thu anh 3
Tạo hình Hy Phượng trong phim Tân Hồng lâu mộng.

Uy lực là vậy, tài trí là vậy, mà Phượng Thư vẫn không khỏi mắc lụy. Trong Hồng lâu mộng khúc mà Bảo Ngọc được nghe trong mơ, khúc ca về Vương Hy Phượng có tên “Thông minh lụy” (Mắc lụy thông minh):

Việc đời tính rất thông minh
Việc mình, mình tính phận mình vẫn sai

Sống lần ruột đã nát rồi

Chết mang tiếng hão là người tinh ranh

Trước kia giàu có khang ninh

Giờ sao cơ nghiệp tan tành khắp nơi

Uổng công áy náy nửa đời

Khác gì một giấc mộng dài thâu canh

Ầm ầm như sắp đổ đình

Chập chờn như ngọn đèn xanh cạn dầu
Vừa vui vẻ đã âu sầu
Đời người biến đổi biết đâu mà lường.

Về cuối truyện, khi nhà họ Giả mắc oán, Phượng Thư cũng góp phần không nhỏ vào việc khiến gia tộc lụi bại. Những giấy tờ cho vay nặng lãi của Phượng Thư khiến tội của họ Giả càng thêm nặng trước triều đình. Gia sản bị tịch thu, kẻ ăn, người ở khinh nhờn, mợ Hai thét ra lửa ngày nào không còn được nể trọng. Cậy mình có sức khỏe, Phượng Thư dốc sức lo việc trong nhà, thành ra ốm đau, lao lực.

Cuối cùng cô chết trong cảnh thê thảm. Bộ phim chuyển thể dựng hình ảnh Phượng Thư chết bị kéo lê trên tuyết. Điều này tương ứng với hình ảnh báo trước trong sách đề Kim Lăng thập nhị thoa, khi vẽ hình cô là con chim phượng trên núi băng.

Vương Hy Phượng, Phượng ớt, Phượng lạt tử là thế. Dẫu thông minh, sắc sảo hơn vạn đấng nam nhi hào kiệt, thì kết cục của cô cũng vẫn là một con phượng mái đứng trên băng. Dù có là phượng hoàng trên núi rực rỡ, kiêu hãnh, thì tới khi băng tan, mọi thứ vinh hoa quyền uy đều chảy như dòng nước lạnh.

Vì sao hình ảnh Lâm Đại Ngọc chôn hoa đẹp nhất 'Hồng Lâu Mộng'?

Lâm Đại Ngọc trong "Hồng Lâu Mộng" của Tào Tuyết Cần là đóa phù dung diễm lệ, mong manh, phất phơ trước gió. Nàng đến nhân gian này phải chăng để gieo nỗi sầu bi tuyệt cùng.




Tần Tần

Bạn có thể quan tâm