Một cảnh trong phim Đêm hội Long Trì, diễn tả sự xa hoa trong phủ chúa Trịnh. |
Để tạo ra nơi vui chơi, giải trí cho nhà chúa và các gia đình quyền quý cũng như tổ chức các buổi yến tiệc, hội hè xứng tầm người đứng đầu nhà nước, các kiến trúc sư thời đó đã tạo tác ra một kỳ công: Dựa vào những cảnh thiên nhiên có sẵn, họ đắp thêm núi non, đào thêm sông suối, cải tạo đất hoang thành đất trồng,… - tất cả để tạo ra trong quần thể kiến trúc Trịnh phủ một công trình kỳ vĩ: Vườn thượng uyển.
Mặc dù chưa xác định được chính xác vị trí của “Vườn thượng uyển”, các nhà Hà Nội học căn cứ trên những tư liệu cũ cho rằng khu vườn nằm ở khu vực tận cùng của Vương phủ.
Ban đầu, đó chỉ là một dẻo đất ven sông có nhiều hồ ao. Tận dụng mặt nước sẵn có, người ta chỉnh trang đào thêm chỗ này, lấp bớt chỗ nọ, rồi sưu tầm kỳ hoa dị thảo từ muôn phương về trồng ở ven bờ.
Lại dựa theo thế đất mà đắp những con đường uốn lượn quanh co, có núi non ghép cảnh. Đây đó xây những tòa đài bên hồ, có thạch kiều (cầu đá) để đi lại. Lại cho người lên rừng bắt chim quý, thú lạ về nuôi… Tất cả đều thể hiện sự cầu kỳ, chơi ra chơi của những người vừa có tiền, có thế lại có quyền!
Nếu như Vườn Thượng uyển không còn trong đời thực; thì thật may, vẫn còn lưu lại trong văn chương. Nhà văn Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút đã dành những đoạn mô tả quang cảnh của vườn Ngự trong Phủ chúa Trịnh như sau:
“Buổi ấy bao nhiêu loài cây lạ mắt, trân cầm, dị thú, cổ mộc, quái thạch và chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, chúa đều ra sức sưu tầm không thiếu một thứ gì. Có khi cả cây đa thuộc hàng cổ đại, cành lá rườm rà từ bên Bắc chở qua sông đem về. Nó như một cây cổ thụ mọc chênh vênh trên đầu non, hốc đá, dễ dài đến vài trượng.
Để di chuyển về, phải huy động một lượng lớn quân sĩ mới khiêng nổi, lại thêm bốn người chỉ huy, đều cầm gươm, đánh thanh la, đốc thúc quân sĩ khiêng cho đều tay. Trong phủ chúa, tùy chỗ điểm xuyết, bày vẽ ra hình núi non bộ, trông như bến bể đầu non. Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ra khắp bốn bể, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa xa gió táp”.
Bộ sách Thăng Long - Kinh Kỳ - Kẻ Chợ của hai tác giả Nguyễn Quốc Tín và Nguyễn Huy Thắng. Ảnh: HNM. |
Còn đây là phủ chúa Trịnh, một cõi tiên nơi trần tục, qua miêu tả của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong Thượng kinh ký sự.
“Đi tới cổng phủ, quan truyền mệnh dẫn qua hai lần cửa nữa rồi rẽ về phía trái. Tôi ngẩng đầu nhìn, thấy bốn bề tám phía chỗ nào cũng có cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, trăm hoa đua nở, gió thoảng hương trời. Hành lang, lan can quanh co, tiếp nối song song. Vệ sĩ canh gác cửa cung, ra vào phải có phù hiệu… Vòng quanh ước chừng một dặm, nơi nào cũng lầu, đài, đình, gác, rèm châu cửa ngọc, ánh nước mây lồng.
Hai bên đường đi toàn hoa cỏ kỳ lạ, thú lạ chim quý nhảy nhót bay hót. Giữa đất bằng nhô lên vài ngọn núi cao, cây to bóng mát. Nhịp cầu sơn vẽ bắc ngang lạch nước uốn lượn. Lan can toàn bằng đá màu. Tôi vừa đi vừa ngắm, thực chẳng khác gì cõi tiên vậy”.
Các nguồn thư tịch cổ còn cho ta biết thêm một số hạng mục nữa trong quần thể phủ chúa Trịnh. Ở phía đông, bên ngoài cửa Tuyên Vũ, giữa hồ Tả Vọng có cung Thụy Khánh hai bên đắp núi giả (hiện nay là đền Ngọc Sơn và Tháp Bút), có điện Chân Tiên (đền bà Chúa) để các cung phi, công chúa, cung nữ trong Vương phủ đi lễ cầu may.
Chung quanh hồ trồng hoa lạ, nuôi chim thú quý hiếm, giữ gìn sạch sẽ, nghiêm cấm dân thường câu cá, hái hoa. Cuối hồ khơi một con ngòi dẫn ra sông Hồng để thuyền ra vào, được gọi là bến Tây Long.
Nội cung còn có lầu Ngũ Phượng, nơi Tuyên phi ngự, và các vườn hoa. Đường nối qua các cung là hành lang, có điểm hậu mã quân túc trực, bao lơn lượn vòng kiểu cách tuyệt đẹp. Sau nội cung có Thái Miếu.
Đời chúa Trịnh Căn lại cho xây Tả Vọng Đình quay về hướng nam, cao hai tầng. Lầu vuông, mái cong có đắp rồng sứ khảm lấp lánh trườn trên mái. Tầng trên là chỗ chúa ngự xem tập trận. Hai đầu phía đông và tây có lan can để các quan và cung nữ theo hầu có thể lên đấy cùng ngắm. Tầng dưới hình chữ nhật chạy dài theo chiều đông tây làm thành ba cửa kiểu tam quan như ở cửa Đoan Môn.
Phủ chúa Trịnh ngày thường đã là một kỳ quan về kiến trúc, nhưng đến ngày lễ hội thì cái xa hoa của nơi đây mới thực sự bộc lộ hết vẻ lung linh, huyền ảo.
[…]