Sau khi rao bán cả vườn kiểng, chủ nhân cặp khế 300 năm tuổi cho biết, ông nhận được nhiều cuộc điện thoại của các nhà sưu tập cây kiểng, công ty cây xanh, dự án công trình... Một số người hỏi cây cảnh và muốn mua. Tuy nhiên, không ít người hoài nghi về giá trị thật của những cây kiểng cổ thụ không rõ nguồn gốc này.
Vườn kiểng 170 tỷ của ông chủ cặp khế 300 tuổi làm xôn xao dư luận. Nhiều người ngờ vực đây là mức giá ảo. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Anh Nguyễn Thanh Tùng, một người chơi kiểng ở Nhà Bè, TP HCM cho biết, 170 tỷ đồng không phải là một con số nhỏ để đầu tư một vườn kiểng. Hiện nay, nghệ nhân sưu tầm cây không những sống bằng sự đam mê mà còn kinh doanh. Theo đánh giá của anh Tùng, mức giá trung bình 2 tỷ đồng một cây quá cao rất khó có được người mua. Mặt khác, kiểng cổ thụ lại kén người chơi. Số lượng người sưu tầm loại này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đồng quan điểm với anh Tùng, ông Tuấn, một cò cây kiểng ở Hóc Môn, TP HCM cho biết, ông theo dõi các thông tin về vườn kiểng của ông Ba Hùng từ lâu. Tuy nhiên, mức giá chủ vườn đưa ra quá “chát”, lại không có bất kỳ giấy tờ nào chứng nhận giá trị của các cây kiểng trong vườn, nên ông cũng ngại dẫn khách.
“Nghe nói vườn kiểng giá 170 tỷ đồng, ai cũng lắc đầu, một phần vì giá quá cao, phần vì họ không có nhu cầu chơi cây kiểng nặng cả 10 tấn. Thực sự, muốn bán được, vườn kiểng phải được chẻ nhỏ và di dời lên các thành phố lớn, đồng thời phải mang mẫu đi thẩm định số tuổi, cũng như giá trị nghệ thuật của cây”, ông Tuấn nói.
Hàng ngày ông Ba Hùng phải tự tay đục bỏ các phần cháy nắng, bị mối bên trên những gốc cây già cỗi. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Trong khi đó, một nghệ nhân cây kiểng nổi tiếng ở miền Tây (nhân vật đề nghị giấu tên) nhận định, vườn kiểng của ông Ba Hùng thật sự có giá trị nghệ thuật. Ông này cho hay, ông có dịp ghé TP HCM chiêm ngưỡng 2 cây khế 300 năm tuổi ở chợ hoa xuân 2015. Theo ông, những cây kiểng được tạo hình khá bề bản.
Nghệ nhân này cũng cho rằng, kiểng cổ thụ là một dòng cao cấp, người chơi phải am hiểu nhiều về quy tắc, thế đứng của cây. Chưa kể, người chơi phải có duyên duyên và dày công nghiên cứu mới sưu tầm và di trì được một vườn kiểng như vậy. Chủ vườn có quyền quyết định mức giá bán theo công sức mình bỏ ra.
Trước những nhận định về vườn kiểng đang bị thối gốc, mối mọt nên mới bán tháo, ông Võ Phi Sơn, nghệ danh Ba Hùng cũng là chủ vườn kiểng lên tiếng phủ nhận. Theo ông, trong dòng kiểng cổ thụ, không có cây nào tránh được mối mọt và lão hóa, vì những “cụ” kiểng này đã hàng trăm năm tuổi. Quan trọng nhất, theo ông, là kỹ thuật xử lý bệnh và tạo dáng cho cây.
Ông khẳng định thêm,gia đình không hề bán tháo. Bởi nếu bán tháo, ông sẽ không thể nào đưa ra một mức giá như vậy. Chủ vườn kiểng cũng đã mời một công ty chuyên thẩm định sản phẩm nông nghiệp để định giá chính xác, xóa tan nghi ngờ của nhiều người.
Anh Hiếu, con ông Ba Hùng, người được ủy quyền giao dịch cho biết, hàng ngày, gia đình nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm cũng như thương lượng mức giá. Nếu mọi việc suôn sẻ, một số cây kiểng sẽ sớm rời vườn trong tháng này.