Theo phòng nghiên cứu AidData tại Đại học William & Mary ở Virginia, Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tăng gấp đôi ngân sách cho đối ngoại trong 6 năm, từ 30 tỷ lên 60 tỷ nhân dân tệ (8,5 tỷ USD), để đẩy mạnh hoạt động ngoại giao toàn cầu.
Báo cáo nghiên cứu của AidData, được công bố hôm 10/12, cũng cho biết tính trong 17 năm (2000-2017), Bắc Kinh đã bỏ ra 126 tỷ USD thông qua các dự án, bao gồm đã hoàn thành, đang triển khai hoặc còn nằm trên giấy.
"Ngoại giao công chúng là một thành phần quan trọng trong bộ công cụ của Bắc Kinh nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa tiềm tàng, khắc phục những bất lợi bên trong và vượt lên các đối thủ cạnh tranh trong khu vực", báo cáo chỉ ra.
Đường cao tốc Multan - Sukkur ở Pakistan được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác cùng Viện Chính sách Xã hội Châu Á và Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ.
"Bộ công cụ để gây ảnh hưởng tại Nam và Trung Á" bao gồm các khoản đầu tư khổng lồ về cơ sở hạ tầng, hoạt động truyền thông do nhà nước hậu thuẫn, thành phố kết nghĩa, ngoại giao quân sự và Học viện Khổng Tử, nơi giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
Báo cáo cho thấy 95% ngoại giao tài chính của Trung Quốc là về cơ sở hạ tầng và chỉ 5% thuộc các lĩnh vực khác như hỗ trợ nhân đạo hoặc xóa nợ.
Hai quốc gia chiếm một nửa các khoản đầu tư của Bắc Kinh trong khu vực là Pakistan và Kazakhstan - những mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đây là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng và cũng gây nhiều tranh cãi của ông Tập.
Bắc Kinh cũng đã rầm rộ tổ chức các sự kiện văn hóa, cấp học bổng và trao đổi sinh viên, và hầu hết quốc gia ở Nam và Trung Á hiện có ít nhất một kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, bao gồm truyền hình, phát thanh và báo in.
Trung Quốc đã tổ chức 61 chuyến trao đổi cho các nhà báo Nam và Trung Á từ năm 2004 đến 2017.
Song không có công cụ ngoại giao công chúng nào dẫn đến việc đứng về phía Bắc Kinh trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc, theo báo cáo.
Trên khắp Nam Á, sự "hòa nhập với người dân bình thường" của Bắc Kinh là "hời hợt nhất" và phần lớn được định hình bởi triển vọng kinh tế, "trái ngược với sự coi trọng sâu sắc hơn dành cho văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc".
Nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc vấp phải sự hoài nghi của công chúng các nước Nam, Trung Á. Ảnh: AFP. |
Ở nước láng giềng Kazakhstan, hiện tượng "Sinophobia" (kỳ thị Trung Quốc) sinh sôi mạnh trong giới tinh hoa.
Dù nhiều nước trong khu vực hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cho biết những lo ngại về tình trạng nợ nần, sự tiện ích và công bằng của các dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc, cáo buộc tham nhũng và các vấn đề khác đã gây tranh cãi trong dư luận.
Trong một số trường hợp, điều này thậm chí đã dẫn đến sự thay đổi chế độ, trợ giúp các chính trị gia đối lập ở Sri Lanka và Maldives trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Họ được hưởng lợi từ việc công chúng phản đối các khoản đầu tư mơ hồ của Trung Quốc, báo cáo cho biết.