Tất cả chó đua đều là giống Greyhound. Người ta nhập khẩu chúng từ Úc với giá khoảng 2.000 USD/con. Trước khi tranh tài, những con chó này đều được nuỗi dưỡng, tập dượt tại Trung tâm huấn luyện đua chó đặt tại TP.Bà Rịa, cách Vũng Tàu 40km.
Ăn theo kiểu Úc
Trung tâm huấn luyện chó đua có diện tích khoảng 10 ha, thuộc sở hữu của công ty Dịch vụ thể thao giải trí (SES). Nó có thể phục vụ tối đa 1.500 con chó đua. Chuồng trại được xây dựng thành từng dãy, chia thành nhiều ngăn. Công ty chia trung tâm thành nhiều khu vực như bếp ăn, hồ bơi cho chó, đường chạy vòng, đường chạy thẳng, khu massage cho chó…
Chó đua được nuôi nhốt, mỗi chuồng có diện tích khoảng 4.2m vuông. |
Chó đua đươc tập luyện rất kỹ. |
Chúng được tập bơi hàng ngày. |
Hiện tại trung tâm đang nuôi khoảng 600 con chó, từ chó đua, chó giống cho đến chó con. Trước năm 2003, toàn bộ chó đua đều được nhập về từ Úc với giá khoảng 2.000 USD/con. Tuy nhiên từ 10 năm trở lại đây, trung tâm đã tự gây giống đàn chó đua. Chỉ khi nào cần tăng chất lượng đàn chó với giống tốt hơn, trung tâm mới nhập về. Lần gần nhất trung tâm nhập về 20 con chó cách đây đã vài năm.
Chó con sau khi được sinh ra đến tháng thứ hai thì tách mẹ-con ra riêng. Đến tháng thứ 11 hay 12 chúng sẽ được đưa ra huấn luyện và khoảng 2-3 tháng sau có thể đua được. Chó Greyhound sở hữu thân hình cao lớn, chân dài, săn chắc. Để một con chó đua có thể hình lý tưởng, đạt vận tốc khi đua lên đến trên 60km/giờ, chúng có một chế độ ăn theo kiểu Úc, còn sang hơn cả huấn luyện viên.
Toàn bộ thức ăn đều được nhập từ nước ngoài. |
Khẩu phần ăn được tính toán rất kỹ, khoa học. |
Thức ăn của chúng chủ yếu là thịt Kangaroo từ Úc, thịt bò, thức ăn khô, cổ gà xay nhuyễn. Bữa sáng (bữa phụ) bắt đầu từ lúc 9h30 và thường có 100 gr thịt kangaroo, chuối, thức ăn khô. Bữa chính lúc 16h15 gồm khoảng 500 gr thịt Kangaroo, 350 gr thực phẩm khô trộn với nước xương bò. Tiền ăn một ngày của chó còn cao hơn cả huấn luyện viên.
Trong khoảng thời gian giữa 2 bữa ăn, chó đua sẽ được huấn luyện với đủ loại bài tập như chạy đường thẳng, chạy vòng tròn, tập bơi, đi xe đạp. Những con sắp thi đấu thì tới trường đua ở Vũng Tàu để làm quen với đường đua, không khí thi đấu. Trước khi vào tranh tài, những con chó sẽ được massage, kiểm tra y tế rất kỹ càng.
Vinh quang và nghiệt ngã
Theo anh Chiến, phụ trách trung tâm huấn luyện đua chó thì tuổi thọ nghề nghiệp của những con chó đua này khá vô chừng, thường là 6-7 năm. Một số khác chỉ duy trì được phong độ trong vòng 3-4 năm. Đáng tiếc nhất là những chó đua bị tai nạn khi chỉ mới ra trường đua 1-2 lần. Đối với những chó đua này, nếu không chữa trị thành công, chúng sẽ được “hóa kiếp” bằng một mũi Putsleep- một loại thuốc mê cực mạnh.
Chó Greyhound rất thân thiện với con người. |
Khi đi lên thi đấu chuyên nghiệp, những con chó đua được đặt những cái tên rất mỹ miều như Thiên Long, Khả Uy, Độc Cô, Hoàng Hải…và chúng sẽ mang theo những cái tên đó trong suốt cuộc đời làm "vận động viên". Đua chó khác với đua ngựa không phân biệt hạng cân. Hàng tuần sẽ khoảng gần 200 con chó đua tranh tài.
Những chó đua có thành tích ngang hàng theo từng cấp độ A, B, C, D sẽ được đua với nhau. Chó đua nào thi đấu tốt, sẽ nhận được sự cổ vũ rất lớn của người xem. Ngược lại nếu sa sút phong độ thì chúng cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Chúng được đưa lên xe đua đến Vũng Tàu. |
Chó đua Greyhound rất hiền, không bao giờ cắn người cũng như sống rất tình cảm. Tuy nhiên, chi phí nuôi nấng những con chó này rất cao. Trung tâm không thể giữ lại tất cả những chó đua đã qua thời đỉnh cao phong độ. Một số con chó giống tốt sẽ được giữ lại để phối giống.
Một số con sẽ được bán rộng rãi cho người dân để nuôi chó cảnh với giá từ vài trăm USD trở xuống. Hiện tại nhiều người dân tại Vũng Tàu, TP.HCM, thậm chí tận ngoài Hà Nội, đã đặt mua vài chục con. Nếu được huấn luyện tốt những con chó chuyên đua và săn mồi sẽ học được những tập tính của chó nhà, biết canh trộm.
Chó đua đem đến những phút giây hứng khởi cho người xem nhưng rồi mọi người cũng nhanh chóng lãng quên nó. |
Số chó còn lại sẽ được “hóa kiếp”. Đối với những nhân viên, huấn luyện viên tại trung tâm, đây là việc làm khiến họ áy náy, không cầm nổi nước mắt khi buộc phải “chia tay” những con chó già. Những con chó bị tiêm thuốc thì đều được chôn trong "nghĩa địa" dành cho chó ngay trong khuôn viên trung tâm huấn luyện.