Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vừa xuất hiện, biến chủng Omicron đã làm chao đảo cả thế giới

Chỉ trong vài ngày sau khi được công bố, biến chủng Omicron đã được WHO đưa vào danh sách đáng lo ngại, đồng thời khiến hàng loạt quốc gia áp đặt biện pháp ứng phó khẩn cấp.

bien chung omicron anh 1

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở Nam Phi đang tăng nhanh. Kết quả xét nghiệm thu được cho thấy dấu hiệu đột biến mới trên gai protein của virus. Kết quả giải trình tự gene cho thấy đã có hơn 50 biến đổi trên chủng virus mới so với virus ban đầu ở Vũ Hán.

Hôm 25/11, ông Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Nam Phi, báo cáo trực tiếp với tổng thống về một biến chủng mới mang những đặc tính đáng lo ngại. Biến chủng này đứng sau làn sóng dịch bệnh mới ở Nam Phi. Thông tin sau đó được giới chức Nam Phi công khai.

Trong vòng 24 giờ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt cho biến chủng mới cái tên Omicron và đưa biến chủng này vào danh sách đáng lo ngại. Đây là lần đầu tiên WHO có hành động nhanh chóng như thế trước một biến chủng mới, theo Wall Street Journal.

Những dấu hiệu đáng lo ngại

Diễn biến xung quanh biến chủng Omicron cho thấy cuộc chiến chống Covid-19 đã thay đổi. Các nhà khoa học giờ tập trung tìm kiếm dấu vết các biến chủng mới. Và trong trường hợp Omicron, khi biến chủng này bắt đầu lây lan, Nam Phi có đủ nguồn lực để phát hiện, cũng như có đủ thiện chí để công bố với thế giới.

Nhờ sự minh bạch của Nam Phi, chính phủ các quốc gia trên thế giới đã mau chóng có phản ứng phòng ngừa dù chưa hiểu toàn diện về biến chủng mới. Hạn chế di chuyển đã nhanh chóng được áp đặt với người đến từ những nước bị coi là có nguy cơ cao phát tán biến chủng Omicron.

Tới nay, vẫn còn những bí ẩn xung quanh biến chủng mới. Điều khiến các nhà khoa học lo ngại là Omicron mang theo 32 đột biến trên gai protein, bộ phận giúp virus bám dính vào tế bào cơ thể người và đồng thời là đối tượng mà các loại vaccine Covid-19 nhắm đến.

Cuộc chiến với virus SARS-CoV-2 giờ phụ thuộc vào tác động mà những đột biến này tạo ra với virus, điều sẽ chỉ có thể rõ ràng sau nhiều tuần. Dựa trên các kết quả nghiên cứu ban đầu, WHO cho hay Omicron dường như có một số lợi thế so với các biến chủng cũ.

bien chung omicron anh 2

Nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới với người từ một số nước châu Phi. Ảnh: CNN.

Nhìn vào diễn biến dịch bệnh ở Nam Phi, có thể phỏng đoán các đột biến giúp Omicron có khả năng lây lan mạnh hơn. Những đột biến cũng có thể tăng khả năng của Omicron qua mặt hệ miễn dịch của con người có được nhờ tự nhiên hoặc tiêm chủng.

Một số thí nghiệm tiến hành tại Mỹ trước khi Omicron được xác định đã phân loại những biến chủng có khả năng làm giảm hiệu quả bảo vệ của các kháng thể. Biến chủng Omicron có một số đột biến như vậy cũng như một số đột biến tương tự.

"Điều cực kỳ đáng lo ngại là có quá nhiều đột biến tập trung trên biến chủng này. Ngoài ra, virus có những đột biến giống với những đột biến mà chúng tôi đã phát hiện, đồng nghĩa nó có khả năng kháng thuốc", Theodora Hatziioannou, chuyên gia về virus Đại học Rockefeller, nói.

Hiện nay, các nhà khoa học đang kiểm tra phản ứng của virus với mẫu máu của người đã tiêm vaccine hoặc bệnh nhân Covid-19 hồi phục, nhằm trả lời câu hỏi về khả năng kháng kháng thể của biến chủng Omicron.

Vẫn còn quá sớm để kết luận về độc lực của Omicron. Bệnh nhân hiện được xác định nhiễm biến chủng này sẽ phải chờ nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, trước khi biết tình trạng bệnh diễn biến theo chiều hướng nào.

Ngay cả nếu Omicron được xác định không quá nguy hiểm như các chuyên gia lo ngại, sự xuất hiện của biến chủng này cũng là bằng chứng tiếp theo cho thấy một biến chủng nguy hiểm có thể ra đời bất cứ lúc nào, đe dọa hy vọng khôi phục cuộc sống bình thường.

Đến nay, WHO đã đưa 5 biến chủng vào danh sách đáng lo ngại. Alpha, biến chủng được phát hiện lần đầu ở Anh, là nguyên nhân làn sóng dịch bệnh tồi tệ ở Mỹ và châu Âu đầu năm 2021. Trong khi đó, biến chủng Delta mang tới làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kéo dài từ tháng 4 đến nay.

Một biến chủng khác trong danh sách đáng lo ngại là Beta. Biến chủng này có những đột biến làm giảm hiệu quả của các loại vaccine Covid-19.

Câu trả lời sau 2 tuần

Qua nghiên cứu trình tự gene, các nhà khoa học cho rằng Omicron đã dần tiến hóa trong hơn 1 năm trước khi có cấu trúc như hiện nay. Omicron phát triển từ một chủng virus có tên B.1.1, chủng này giờ đã gần như biến mất. Có khả năng virus đã tồn tại suốt nhiều tháng trong cơ thể một người bị suy giảm miễn dịch và từ từ tiến hóa.

Những mẫu bệnh phẩm đầu tiên chứa biến chủng Omicron lần đầu được lấy hôm 11/11, gồm một người ở tỉnh Gauteng của Nam Phi và 4 quan chức ngoại giao nước ngoài tới thăm Botswana.

Tại Nam Phi, tốc độ lây nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh đáng báo động. Nếu như trong ngày 11/11 khi ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện, Nam Phi chỉ ghi nhận 120 ca nhiễm mới ở Gauteng, thì hôm 28/11, con số này đã lên đến 2.308.

Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy gần như tất cả ca bệnh mới đều nhiễm một chủng virus đột biến thiếu đi gene S so với chủng Delta.

Chỉ vài tuần trước, tỷ lệ dương tính qua xét nghiệm là 1%. Nay, tỷ lệ này đã ở mức 20%, cho thấy số người mắc Covid-19 thực tế cao hơn rất nhiều so với ghi nhận chính thức.

bien chung omicron anh 3

Biến chủng Omicron đã lan tới nhiều quốc gia. Ảnh: Reuters.

Theo giáo sư Tulio de Oliveira, hàng chục nghìn người ở Nam Phi nhiều khả năng đã nhiễm biến chủng mới chỉ trong vài tuần trở lại đây. Kết luận này dựa trên tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính cũng như số ca nhiễm virus có đột biến thiếu gene S.

Một ngày sau khi Nam Phi công bố về biến chủng Omicron, các chuyên gia của WHO phát hiện thêm một dấu hiệu đáng lo ngại khác. Phân tích các ca nhiễm ở Gauteng cho thấy số người từng mắc Covid-19 trước đây tái nhiễm bởi biến chủng Omicron cao bất thường.

Tuy vậy, WHO vẫn chưa chắc chắn về nguy cơ bệnh nhân hồi phục sau khi mắc Covid-19 có nguy cơ cao tái nhiễm biến chủng Omicron.

Tối 26/11, WHO đưa Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại. Chính phủ nhiều quốc gia châu Âu, châu Á cũng đóng cửa biên giới với người đến từ miền Nam châu Phi.

Đến nay, biến chủng Omicron đã lây lan tới hàng loạt quốc gia khắp thế giới, khiến các nỗ lực phong tỏa biên giới bị vô hiệu hóa.

Các nhà khoa học cho biết cần ít nhất 2 tuần để nghiên cứu trước khi hiểu rõ mối đe dọa mà biến chủng Omicron mang lại.

Nam Phi sẽ là nơi giúp các nhà khoa học hiểu thêm về tác động của biến chủng mới lên cơ thể con người. Diễn biến dịch bệnh ở Nam Phi sẽ cho thấy tại quốc gia mà đa phần người dân chưa chủng ngừa vaccine, Omicron sẽ hoành hành ra sao.

Ở châu Âu, nơi 67% người dân đã chủng ngừa đầy đủ, Omicron xuất hiện khi biến chủng đang thống trị là Delta. Các nhà khoa học cũng sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn tác động của biến chủng với khả năng bảo vệ do vaccine mang lại.

Singapore có thể tái áp đặt hạn chế để ngăn biến chủng Omicron

Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 28/11 nói nước này có khả năng tái áp đặt một số biện pháp phòng dịch trước những lo ngại về sự lây lan của biến chủng Omicron.

Hà Lan tái phong tỏa giữa lúc xuất hiện ca nghi nhiễm biến chủng mới

Hà Lan đã khôi phục một phần lệnh phong tỏa trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục và phát hiện một số trường hợp nghi nhiễm biến chủng mới Omicron.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm