Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vua tôm Minh Phú' sau 1 năm buồn

Tháng 4/2016 là tròn một năm rời sàn niêm yết chứng khoán của cổ phiếu MPC – CTCP Thủy sản Minh Phú.

Một năm vừa cũng là quãng thời gian đáng buồn đối với gã khổng lồ “Vua tôm” Minh Phú, doanh nghiệp (DN) luôn đứng trong top các nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam những năm qua.

Khởi đầu của những nỗi buồn trong năm 2015 là thông tin Minh Phú sẽ bán cổ phần để huy động vốn ngoại. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có thông tin nào về việc Minh Phú sẽ hợp tác với đối tác nước ngoài nhằm huy động vốn ngoại với tham vọng trở thành một hãng tôm có quy mô toàn cầu vào năm 2020.

Minh Phu anh 1

Tôm Việt Nam cũng đắt hơn các nước xuất khẩu tôm lớn như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ do các nước này phá giá đồng nội tệ của họ rất mạnh (từ 18% đến 42%).

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của DN lao dốc không phanh. Kết thúc năm 2015 MPC chỉ đạt 12 tỷ đồng, giảm 99% cùng kỳ và thực hiện chỉ chưa đầy 1% kế hoạch đặt ra trước đó, là 1.416 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Minh Phú lỗ ròng gần 7 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi 921 tỷ đồng của năm trước đó.

Còn nhớ tại Đại hội cổ đông năm 2015, trên cơ sở kết quả kinh doanh năm 2014 với doanh thu 15.000 tỷ đồng, ban lãnh đạo Thủy sản Minh Phú đã đặt kế hoạch cho năm 2015 là gần 20.000 tỷ đồng doanh thu. Nếu đạt được, Minh Phú sẽ là cái tên mới trong câu lạc bộ “doanh nghiệp tỷ đô” của Việt Nam mà Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang đặt tham vọng.

Thế nhưng, thực tế cách quá xa kỳ vọng. Trong lần trả lời báo chí gần đây, ông Lê Văn Quang cho biết con tôm Việt Nam đang “tứ bề thọ địch”, vì vậy việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015 gần như là không tưởng.

Giá thành tôm giảm mạnh trong năm 2015 trong khi tôm Việt Nam đắt hơn các nước xuất khẩu tôm lớn như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ do các nước này phá giá đồng nội tệ của họ rất mạnh (từ 18% đến 42%). Ngoài ra, tôm Việt Nam còn bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá rất cao, lên tới 6,37%.

Kết quả bết bát của Minh Phú cũng là tình trạng chung của ngành thủy sản Việt Nam. Số liệu của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam VASEP cho biết năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 16,5% so với năm 2014. Trong đó, mặt hàng bị giảm sâu nhất là tôm.

Mặc dù chiếm tỷ trọng 44% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng tôm chỉ thu được gần 3 tỷ USD, bằng 75% kết quả của năm 2014, thị trường bị thu hẹp gần 1/3 so với trước đó.

Trải qua một năm “ác mộng”, Minh Phú đang lên kế hoạch lấy lại ngôi vương của mình. Báo cáo thường niên năm 2015 vừa được Minh Phú công bố với tham vọng kim ngạch xuất khẩu 686 triệu USD, doanh thu hợp nhất 16.346 tỷ đồng, lợi nhuận 546 tỷ đồng, gấp 50 lần so với năm 2015.

Định hướng phát triển thị trường năm 2016, Minh Phú sẽ tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, mở rộng thị trường sang Nga và Trung Quốc, đặc biệt Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành một trong những thị trường trọng điểm trong thời gian tới.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán BSC, lý do thay đổi là cuối năm 2015 Trung Quốc đã đã gỡ bỏ lệnh dừng nhập khẩu tôm sú Việt Nam. Trước đó, từ ngày 5/2/2015, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu tôm sú của Việt Nam do phát hiện virus gây bệnh trên tôm. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường chính bên cạnh EU, Nhật Bản, Nga.

Theo nhận định của VASEP, trên cơ sở thuận lợi về thuế đối với các thị trường chính như EU và Nhật Bản, xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2016 với kim ngạch 3,3 tỷ USD - tăng 12% so với năm 2015.

Ngoài ra, năm 2016 các công ty sản xuất tôm có thể sẽ được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá tôm của thị trường Mỹ giảm từ mức trung bình 6,37% xuống còn 0,91%.

Tín hiệu vui trên đã bước đầu được chứng minh khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam đạt 1,47 tỷ đô, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2015.


Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm