Sau khi vua Minh Mạng qua đời (đầu năm 1841, nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tí), vua Thiệu Trị vừa lên ngôi đã yêu cầu quần thần làm phả hệ của nhà vua (sách Ngọc điệp), lấy Thái bảo Trương Đăng Quế sung chức Tổng tài (như Tổng biên tập), Tham tri Tôn Thất Bạch là người trong hoàng thất làm Phó Tổng tài chịu trách nhiệm soạn sách này.
Trương Đăng Quế là một vị đại thần từ các triều vua Gia Long, Minh Mạng, có tài văn chương từng được giao kiêm quản Quốc tử giám, rồi sau được cử làm Tổng tài Quốc sử quán, là người chủ trì biên soạn các bộ sử và điển lệ lớn của triều Nguyễn như Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam hội điển toát yếu, Nam Giao nhạc chương…
Theo sách Đại Nam thực lục (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch và biên soạn, NXB Thuận Hóa, 2006), quyển Chính biên, Đệ tam kỷ, nhà vua dụ các quan được giao thực hiện quyển sách quan trọng này rằng: “Làm ra Ngọc điệp là để tôn trọng hệ thống về dòng làm vua. Đầu triều Gia Long, bộ Lễ là bọn Đặng Đức Siêu làm phả hệ của hoàng triều ta, gọi là Thiên nam thế hệ. Đầu triều Minh Mạng, lại sai làm gọi là Hoàng triều ngọc phả. Từ năm Minh Mạng thứ 5 (1824) trở về sau, mới gọi là Ngọc điệp”.
Vua Thiệu Trị không những có tài thơ văn, mà còn có tính cẩn trọng, đọc sách rất kỹ. |
Vua dụ tiếp: “Sách Ngọc điệp mấy lần kính cẩn sửa làm, điển lễ rất là to lớn. Theo như lệ cũ, người giữ việc sửa làm, người giữ việc viết ra, lệ dùng bốn người thuộc viên trong Nội các. Lần này chuẩn phái hai người trong Các, lại chọn lấy thuộc viên ở hai viện Cơ mật và Hàn lâm, người nào cẩn hậu, mỗi viện lấy một người sung làm". Vua cũng sai Lang trung Tôn Thất Phan làm phả hệ của các người tôn nhân.
Tháng 11 (âm lịch), năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), tập Ngọc điệp làm xong, dâng lên, nhà vua thưởng bạc thay bữa tiệc yến cho Tổng tài Trương Đăng Quế trở xuống theo thứ bậc (vì đang trong thời gian quốc tang vua Minh Mạng nên nhà vua không mở yến chiêu đãi).
Trước đó, các viên toản tu (người biên soạn), đằng lục chép (người sao chép lại) về Ngọc điệp của vua Minh Mạng (theo miếu hiệu gọi là Thánh tổ Nhân hoàng đế), trong bản mẫu có chỗ sai lầm. Cụ thể, bản mẫu chép việc năm Minh Mạng thứ 21, tháng 12, ngày 28, lầm giờ Ất Hợi ra giờ Giáp Tuất (tức giờ mất của nhà vua).
Vua Thiệu Trị đọc bản mẫu, nghi ngờ, mới cho hỏi. Tổng tài Phan Đăng Quế xin chịu tội và nói rằng: “Sự lầm này nguyên lầm từ Nguyễn Văn Siêu thảo bài văn bia ở Hiếu lăng (lăng vua Minh Mạng) trước đây, mà bọn toản tu Lê Thúc Đôn theo chỗ lầm ấy thành ra lầm, xin giao để nghị tội cả”.
Vua Thiệu Trị nghe vậy, quở trách rằng: “Việc này quan trọng biết chừng nào, mà cầm bút chép lại có cái sai lầm như thế! Nếu không qua trẫm duyệt kỹ, tìm ra, thì chẳng là một sự lầm to à? Nếu bảo rằng nguyên thảo văn bia là tự Văn Siêu ức đạc, không căn cứ vào đâu mà đặt ra, thì việc ấy thuộc về bộ Lễ phải chuyên coi, đình thần phải hội duyệt, Trương Đăng Quế đã kiểm xét lại, sao cũng cứ để y nguyên, khinh thường và cẩu thả đến như thế!”.
Về việc xử lý lỗi lầm, nhà vua cũng tỏ ra nương nhẹ: “Đáng lẽ nên giao cho bộ nghị tội nghiêm trị, nhưng nghĩ văn ở bia chưa dựng, bản mẫu chưa in xong, còn có thể khoan tha cho. Văn Siêu đã can về án khác (chỉ việc Nguyễn Văn Siêu làm phân khảo trường thi Thừa Thiên tháng 8 năm đó, can tội nói với quan ngoại trường lấy đỗ tên Trương Đăng Trình đã bị nội trường đánh hỏng) đã bị cách chức, không cần phải bàn nữa, còn bọn Lê Thúc Đôn, Tôn Thất Cẩn và Nguyễn Khoa Học đều giáng 3 cấp, cho lưu tại chức”.
Các vị quan ở bộ Lễ liên quan đến việc khắc bia như Phan Bá Đạt, Trương Quốc Dụng, Hoàng Tế Mỹ, đều bị phạt lương một năm. Các vị quan chịu trách nhiệm biên soạn Ngọc điệp là Trương Đăng Quế, Tôn Thất Bạch, cũng bị phạt lương một năm.
Để hủy những bản thảo viết sai lầm, vua Thiệu Trị cho đem đốt hết.
Câu chuyện được sử sách viết lại, cho thấy vua Thiệu Trị trong lòng luôn nhớ về vua cha, cũng như đức tính cẩn thận, tỉ mỉ của nhà vua.