Ông Năm Công, chủ Cơ sở Hoa cảnh Năm Công tại ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vốn là một nông dân. Nhưng từ nhỏ đã có dịp gần gũi với nhiều người chuyên tạo hình hoa kiểng nên ông cũng không biết từ khi nào mình đam mê thú chơi này. Và cũng như bao nhà nông khác ở vùng này, ông khởi nghiệp với việc trồng cây ăn trái và hoa kiểng.
Nhưng thị trường hoa kiểng vốn bấp bênh, không ổn định khiến ông phải nghĩ cách làm thế nào để sản phẩm có đầu ra vững. Sáng tạo ra các loại cây kiểng theo hình dáng độc, lạ là hướng đi được ông cho là không phải cạnh tranh vất vả nhưng đầu ra ổn định. Từ đó, ông dốc sức đầu tư vào kiểu kinh doanh này.
Các loại kiểng tạo hình tại cơ sở hoa kiểng Năm Công. Ảnh: Thiên Lộc. |
Song thực hiện ý tưởng thật không dễ dàng, ngoài mày mò học cách tạo dáng cây, khâu khiến ông mất thời gian hơn cả là tìm loại cây nào có thể uốn sửa đẹp, có hồn. Sau nhiều thử nghiệm, ông nhận thấy cây bùm sụm và mai chiếu thủy có thể sử dụng làm kiểng thú. Từ đó, ông bắt đầu công việc thử tạo hình cho cây.
Ông dùng dây kẽm nắn thành nhiều hình thú rồi rồi áp vào cây làm sườn, sau đó tạo hình cây theo sườn dây kẽm đã định hình. Những sản phẩm cây kiểng đầu tiên mang hình con nai, ngựa, rồng của ông "chào đời" lập tức đã nhận được nhiều sự cổ vũ, khen ngợi, nhiều khách hàng đến đặt mua. Nhưng sau một thời gian miệt mài sáng tạo, ông nhận thấy cả 2 loại cây mình chọn tạo hình lại có tuổi thọ không cao, dễ chết, nhánh giòn khó uốn cong, lá cũng không đều nên hình dáng bên ngoài không mượt mà, sống động.
Ông Năm Công đang tạo dáng những chú dê kiểng cho năm Ất Mùi. Ảnh: Ngọc Trinh. |
"Đang loay hoay tìm loại cây thích họp thì trong dịp đi bán kiểng ở TP.HCM, tôi phát hiện ra cây si, còn gọi là gừa tàu, một loại cây có lá nhỏ, dầy, dù là mùa nắng hay mùa mưa lá vẫn một màu xanh mơn mởn, cành lại dẻo dai rất dễ uốn sửa. Biết là đã tìm được loại cây cần, tôi về, quyết định phá vườn trồng si, để chuẩn bị nguyên liệu tạo hình kiểng. Hiện vườn si của tôi có đến 2ha, đủ cây nguyên liệu để thực hiện những công trình lớn", ông Công kể.
Theo ông, việc phát hiện ra cây si đã giúp ông thực hiện được ước mơ lớn nhất của mình. Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên làm bằng cây si của ông là cặp rồng đưa vể Bảo tàng tỉnh Bến Tre với giá 15 triệu đồng. Tiếp theo, ông lần lượt sáng tạo bộ kiểng thú 12 con giáp, rất được người chơi kiểng Tết yêu thích. Tết Ất Mùi 2015, ông đã thực hiện 20 cặp kiểng “con dê”, với giá từ 3 đến 10 triệu đồng/cặp, tùy theo kích thước. Chính nhờ loại hình kiếng thú này mà tiếng tăm của ông ngày càng vang xa.
Không dừng lại, ông tiếp tục sáng tạo nhiều loại kiểng hình ấn tượng khác, như bình hoa, hồ lô, bình trà, cây đàn, con tàu, kim tự tháp… Hấp dẫn nhất là kiểng nhà mát, với nhiều kiểu nhà đa dạng như lục giác, bát giác, nhà dài, nhà miền Tây. Hàng năm ông còn thực hiện theo đơn đặt hàng của khách nước ngoài các con vật mang tên tinh tinh, chuồn chuồn, voi, máy bay, xe ngựa…
Ông Năm Công (bên trái) đang tiếp khách đến tham quan. Ảnh: Ngọc Trinh. |
40 năm tuổi nghề và gần 20 năm mày mò, sáng tạo các loại kiểng hình, kiểng thú, ông và người con trai kế nghiệp là Nguyễn Văn Vũ đã cho ra đời hàng nghìn sản phẩm bằng cây xanh có giá trị kinh tế cao, trong đó có nhiều tác phẩm xuất sang Singapore, Úc... Kiểng tạo hình của ông được trưng bày tại công viên bách thảo Gardens by the Bay và nhiều khu nghỉ dưỡng khác của Singapore.
Tổng cộng, ông đã tạo hình, xuất cho đối tác Úc 500 kiểng thú. Tại Singapore, riêng năm 2013, ông đã xuất sang thị trường này 3 container kiểng hình, thú các loại. Con trai ông là nghệ nhân được đối tác mời sang để lắp ráp và hoàn thiện các sản phẩm này.
Kiểng của ông Năm Công còn được trưng bày tại nhiều sự kiện trong nước, như Seagame 22, các hội Hoa Xuân, Festival hoa Đà Lạt, đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Vườn kiểng độc đáo của ông từng đón các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm.
Bình quân mỗi năm, cơ sở ông cung cấp cho khách hàng khoảng 300 sản phẩm bằng cây xanh,với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu/sản phẩm. Ông cũng vừa hoàn thành 2 chiếc tàu lớn bằng cây si mang tên Trường Sa, Hoàng Sa. Con tàu dài 20m, rộng 3m, được khách hàng ở Vũng Tàu đặt làm để trưng bày tại một công viên.
Kiểng “ Hàng rào xanh” ông vừa hoàn thành chuẩn bị xuất cho khách hàng ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Năm nay, ngoài những loại kiểng truyền thống, ông còn nhận hợp đồng cung cấp cho Đà Lạt lô kiểng xanh, gọi là “Hàng rào xanh”, “Những bức tường xanh” có tổng chiều dài 3.000 m, với giá 300.000 đồng/m.
“Hàng rào xanh” là một loại hình cây cảnh đang thịnh hành ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Đó là những mảng tường bằng dây leo hoặc bằng cây xanh bố trí trong sân vườn, ngoài ngỏ, nơi phòng khách, đặc biệt là hoa viên và công viên.
"Muốn thực hiện công trình 'Hàng rào xanh', trước hết phải có cây nguyên liệu thật dồi dào, mỗi cây cao trên 2 m, đều nhau. Bình quân cứ mỗi mét chiều dài cần khoảng 10 cây si to bằng ngón chân cái, trồng thẳng hàng dọc theo một khung sắt, buộc dây để cây ngay ngắn, thẳng hàng, vừa thẩm mỹ vừa đẹp. Sau khi hàng rào đâm chồi, phủ lá đều đặn là có thể di chuyển giao cho khách hàng. Với chiều dài 3.000 m, tôi phải thực hiện 1.500 mảng nhỏ, mỗi mảng dài 2 m. Khi giao hàng tận nơi mới ráp lại, bố trí thành những bức tường xanh theo thiết kế", ông Công nói.
Là người tiên phong tạo hình kiểng với những tác phẩm độc đáo, ông được khách hàng và dân trong nghề gọi với cái tên “vua kiểng thú”. 40 năm theo đuổi nghiệp tạo hình kiểng, ông rất mãn nguyện vì chính con trai mình là người yêu nghề và kế nghiệp, tiếp tục sáng tạo những sản phẩm cây xanh độc đáo.