Công trình trường cấp 2 đạt chuẩn quốc gia, sử dụng được 14 năm thì trần nhà bong tróc, rơi xuống nền. Tường xuất hiện những vết nứt kéo dài.
Trường THCS Phước Thái (xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai) được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2004. "Trường là công trình kiên cố, đạt chuẩn quốc gia nhưng mới sử dụng 14 năm đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi lần đến trường, cả thầy và trò đều sợ bê tông trên trần rơi trúng đầu", thầy Bùi Đoàn Trị, Hiệu trưởng trường THCS Phước Thái, nói.
Theo thầy hiệu trưởng, tường ở các lớp học đều có dấu hiệu rạn nứt, bong tróc. Nhiều trụ tường xuất hiện vết nứt lớn, tường bao ngoài bị bể vỡ làm lộ kết cấu gạch hoặc cốt thép ở trong.
"Có lần tôi và các cán bộ khác đang làm việc ở phòng chức năng thì một mảng tường trên trần rơi ầm xuống. Rất may là mảng tường đó không rơi trúng ai", thầy Trị kể.
Đà bê tông cốt thép ở trần tầng 1 trường học bị mục, thép chịu lực bung ra ngoài.
Trường THCS Phước Thái được thiết kế có 24 phòng học và nhiều phòng chức năng, hội trường, phòng làm việc cho giáo viên. Công trình được xây dựng có kết cấu kiên cố với dãy nhà gồm 1 trệt 1 lầu và 1 trệt 2 lầu. Trong ảnh, vữa trần ở tầng 2 khu nhà chức năng bị rơi đầy hành lang.
Ở tầng 2 của dãy phòng học, các mảng vữa trần cũng bể vỡ, rơi khắp hành lang. "Mỗi lần đến lớp, cả cô và trò đều sợ hãi. Tôi phải nói các em chọn chỗ có tường lành lặn để tránh rủi ro", một giáo viên nói.
Gạch trên nền lớp học có nhiều chỗ bị bể.
Thầy Bùi Đoàn Trị, Hiệu trưởng trường THCS Phước Thái nói rằng mới đây, đoàn công tác của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai về kiểm tra. Nhiều cán bộ thấy trường xuống cấp, rạn nứt nên sợ hãi, không dám đứng lâu ở lớp học.
Trong khi đó, các học sinh phải ngồi trong môi trường tai họa rình rập.
Trước tình trạng trường xuống cấp, Ban giám hiệu Trường THCS Phước Thái tổ chức che chắn những nơi nguy hiểm, để bảo vệ học sinh. Ở dãy nhà 3 tầng có nhiều vết nứt, các giáo viên buộc bỏ hoang phòng học và dùng bàn ghế chặn ở cầu thang, ngăn học sinh tiếp cận khu vực.
Lớp sơn ở tường bong tróc.
Theo thầy Trị, tường bên ngoài và bê tông ở trong đều rất "mềm", dùng tay cạy nhẹ là cát và đá rơi ra ngoài.
Một cán bộ thuộc Ban quản lý dự án huyện Long Thành cho biết công trình trường THCS Phước Thái là dạng công trình cấp 2, có tuổi thọ ít nhất 30 năm.
Theo thầy Bùi Đoàn Trị, hiện Sở GD-ĐT và UBND huyện Long Thành cùng các cơ quan chức năng đang tổ chức kiểm định lại chất lượng công trình để có phương án xử lý.
Vị trí trường THCS Phước Thái, ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Google Maps.
Trường THCS Phước Thái được xây dựng vào năm 2002 và đưa vào sử dụng năm 2004. Công trình do Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Hiện, trường này có 44 lớp học với trên 1.800 học sinh. Trường xuống cấp nghiêm trọng trong khi năm học 2018-2019 đến gần nên ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai dự kiến mượn phòng của Trường tiểu học Phước Thái cũ để giải quyết chỗ dạy - học cho một nửa học sinh. Số học sinh còn lại sẽ học những phòng ít bị hư hỏng của trường.
Bên bờ sông Đồng Nai, nhiều căn nhà, khu chợ, vườn cây của người dân bị sạt lở xuống sông. Nhiều gia đình tìm cách gia cố kè nhưng không giữ nổi tài sản.
Hai năm qua, tỉnh An Giang xảy ra hàng chục vụ sạt lở gây thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Toàn tỉnh có khoảng 20.000 hộ dân trong vùng nguy hiểm cần phải di dời.
Khu vực sạt lở dài 54 m, ăn vào đất liền 12 m và sâu 12 m, uy hiếp an toàn của 3 hộ dân cùng 1 trại giữ xe tại phường Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ).