Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vua cá' và chuyến biển kỷ lục 250 tấn

Chỉ sau 20 ngày ra khơi, tàu cá của ngư dân Phạm Tuyển ở xã Bảo Ninh, thành phố Ðồng Hới (Quảng Bình), đã đánh bắt được 250 tấn cá nục và mang về 2,5 tỷ đồng.

Trong ngôi nhà có thể nói là khang trang nhất nhì làng biển Mỹ Cảnh, Phạm Tuyển tất bật tiếp đón người làng đến chúc mừng sau chuyến biển “trúng đậm” nhất từ trước đến nay trong nghề biển của anh. Phạm Tuyển vừa cười, vừa nói: “Có chi mô mà viết báo hè! Nghề của bọn em mà, lúc trúng lúc trật rứa đó. Nhưng nói thiệt, em đang rất vui vì đây là chuyến đi kỷ lục của cuộc đời em”.

“Kỷ lục cuộc đời”

Phạm Tuyển kể: Tàu anh xuất bến ngày 16/7 cùng với 25 lao động, làm nghề lưới vây. Thông thường tàu của anh hay đánh bắt ngư trường Hoàng Sa, nhưng đợt này giá xăng dầu cao nên anh quyết định ra vùng biển Vịnh Bắc Bộ đánh bắt, gần hơn để tiết kiệm chi phí.

Sau mấy ngày dò tìm luồng cá, với kinh nghiệm bao nhiều năm trong nghề, anh quyết định neo tàu buông lưới khi phát hiện một luồng cá đang di chuyển dày đặc dưới đáy biển.

“Em đi biển gặp nhiều rồi, nhưng chưa có luồng cá nào nhiều như luồng cá này. Chỉ vừa mới chong đèn là cá vây kín tàu nhìn như trong chậu vậy. Anh em chỉ việc nhẹ nhàng buông lưới vớt lên. Có mẻ nhiều quá, sợ thủng lưới, anh em phải dùng vợt xúc dần cho bớt nặng, sau đó mới tời lên”, Phạm Tuyển kể.

'Vua' ca va chuyen bien ky luc 250 tan anh 1

Phạm Tuyển vui mừng bưng khay cá giao cho các đầu mối.

Sau bao nhiêu thời gian phải “bó gối” ở nhà vì dịch bệnh Covid-19, rồi giá xăng dầu tăng cao, để tìm đủ “bạn” cho chuyến đi này Phạm Tuyển đã chạy khắp nơi trong tỉnh.

“Ngày trước, 'bạn' sắp hàng để được lên tàu em đi biển, nhưng nay nghề biển ngày càng khó, với lại làm nghề vây rút vất vả nên tìm 'bạn' rất khó. Nhưng rất may, chuyến đi thành công ngoài sức tưởng tượng nên chủ và 'bạn' đều rất vui”, Phạm Tuyển bộc bạch.

Khi mà các dụng cụ đựng cá và lượng đá ướp cá mang theo đã hết sạch, mặc dù rất tiếc, Phạm Tuyển phải quyết định vào bờ. Với công nghệ thông tin liên lạc hiện nay, việc tàu cá Phạm Tuyển trúng đậm cá nục nhanh chóng lan truyền khắp các nậu cá. Họ tập trung về ở Cảng cá Nhật Lệ đón chờ. Đúng 16h ngày 6/8, Tàu cá mang số hiệu 91999 TS của Phạm Tuyển cập bờ, hơn 250 tấn cá nhanh chóng được chuyển lên các xe đông lạnh để chuyển đi.

Phạm Tuyển tâm sự: “Chuyến đi này em đánh được 250 tấn cá nục, giá bán mỗi kg 10.000 đồng, thu về 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí em lãi khoảng 1,8 tỷ. Đợt này giá cá xuống quá thấp, nếu không em lãi phải gấp đôi, gấp ba số đó. Đây là chuyến đi kỷ lục của cuộc đời em. Em vui lắm! Em sẽ nghỉ ngơi vài ngày rồi lại ra khơi. Anh em 'bạn' chuyến này mỗi người được chia mấy chục triệu đồng nên phấn khởi lắm, ai cũng mong nhanh chóng ra khơi”.

“Vua cá” kiên gan

Phạm Tuyển sinh năm 1982, ở làng biển Mỹ Cảnh, ngay cửa sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới. Sinh ra trong gia đình ngư dân truyền đời, Phạm Tuyển đã giỏi bơi lặn từ nhỏ, theo bạn ngụp lặn bắt cá ven sông Nhật Lệ và ven biển Bảo Ninh.

Lớn lên chút đỉnh, Phạm Tuyển được gia đình cho theo thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Đến tuổi trưởng thành, mặc dù chưa vợ, nhưng Phạm Tuyển đã quyết tâm vay mượn mua thuyền máy công suất 60CV đánh bắt gần bờ. Tích nhỏ thành lớn, Phạm Tuyển nhanh chóng đổi được chiếc tàu lớn hơn, công suất 90 CV, rồi 200 VC...

Năm 2013, khi phong trào đánh bắt xa bờ bắt đầu nhen nhóm ở xã Bảo Ninh, Phạm Tuyển quyết định đóng tàu lớn trên 600 CV. “Thời điểm đó, 7 tỷ đồng lớn lắm, em cắm hết sổ đỏ nhà nội, nhà ngoại, vay ngân hàng cũng không đủ, em phải vay lãi suất cao hơn 3 tỷ nữa mới đủ cho con tàu mới. Lúc đó, cả làng nói em điên, bà con chòm xóm cũng lo, nhưng em quyết rồi và em tin vào khả năng của em”, Tuyển tâm sự.

Nói là làm, tháng 4/2013, Phạm Tuyển hạ thủy con tàu ước mơ, lớn nhất xã, lớn nhất vùng vào thời điểm đó, mang số hiệu tàu QB-91999-TS. Chuyến đầu tiên Phạm Tuyển cho tàu thẳng tiến Hoàng Sa, thu về hơn 1,4 tỷ đồng.

Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm tàu của Phạm Tuyển đánh bắt mang về bình quân trên dưới 10 tỷ đồng, được xem là một trong những tàu làm ăn may mắn nhất vùng và người làng vẫn thường gọi Phạm Tuyển là “vua cá”. “Anh biết không, em liều mạng rứa mà đến cuối năm 2013 là em đã trả hết nợ vay nóng, vay lạnh đó”, Phạm Tuyển kể.

Trong giới nghề cá ở miền Trung, Phạm Tuyển nổi tiếng là người dạn dày kinh nghiệm cũng như đối đãi với bạn thuyền nghĩa hiệp. Tàu của anh thường xuyên có 25 lao động, trong số đó chưa đến một nửa là người trong xã Bảo Ninh, số còn lại được anh tìm về từ khắp nơi trong tỉnh.

Ngoài việc trả lương cứng, anh vẫn thường chia bớt phần lời của mình cho “bạn” sau mỗi chuyến biển. Ngày lễ tết, anh đều có quà cho từng người, ngoài ra còn thưởng xứng đáng cho những ai làm tốt công việc của mình.

Gần 10 năm bám biển Hoàng Sa mà Phạm Tuyển dựng được nhà khang trang, sắm vật dụng đủ đầy, lo cho nội ngoại hai bên đủ đầy. Với Phạm Tuyển, Hoàng Sa không chỉ là vùng biển chủ quyền mà còn là máu thịt, nơi đã giúp anh thành công trong nghề biển. Anh nói, khi nào xăng dầu xuống thấp hơn anh sẽ lại ra Hoàng Sa. Anh từng hứa với lòng mình sẽ bám biển Hoàng Sa đến hết đời.

Ngư dân Phạm Tuyển vinh dự là 1 trong 100 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước, vừa được Hội đồng chung khảo Trung ương bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.

Những ngư dân tỷ phú ở miền Trung thành... 'con nợ'

Tình cảnh của nhiều chủ tàu ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam rất bi đát, phải bán nhà, đất và bán cả tàu để trả nợ ngân hàng, trong khi đi biển khai thác hải sản không hiệu quả.

https://tienphong.vn/vua-ca-va-chuyen-bien-ky-luc-250-tan-post1459981.tpo

Hoàng Nam/ Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm