|
14h30 chiều 22/4, 19 cán bộ huyện Mỹ Đức và chiến sĩ công an được người dân Đồng Tâm thả sau cuộc đối thoại và lời cam kết của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Đến ngày thứ 8, người dân đã nhận được lời cam kết của lãnh đạo Hà Nội sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự toàn bộ người dân Đồng Tâm cũng như việc ông Chung sẽ trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo thanh tra làm rõ việc sử dụng đất đai ở đồng Sênh - đúng như thỉnh cầu của họ.
Biến cố ở Đồng Tâm
Biến cố ở Đồng Tâm có thể coi bắt nguồn từ năm 1980 khi Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm.
Đến năm 2014, Bộ Quốc Phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó có 46 ha thuộc xã Đồng Tâm. Đây là khu đất đồng Sênh, nơi người dân canh tác hàng chục năm qua. Họ muốn thành phố làm rõ trắng, đen ranh giới đâu là đất nông nghiệp, đâu là đất quốc phòng và khi thu hồi cần có giấy tờ cụ thể.
Trong khi đó, thông tin từ chính quyền Hà Nội lại cho rằng, do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương nên người dân đã "lấn chiếm, sử dụng, xây dựng công trình trên đất quốc phòng", người dân đã có đơn thư khiếu tố lên huyện, thành phố. Từ cuối năm 2016, tình hình tại xã Đồng Tâm trở nên nóng bỏng khi hoạt động giải phóng mặt bằng diễn ra ở đồng Sênh trong sự phản đối của người dân.
Vụ việc lên đến đỉnh điểm vào ngày 15/4 khi Công an Hà Nội bắt 4 công dân Đồng Tâm để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng tại xã.
Hành động này vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân bởi trong số đó có cụ Lê Đình Kình (82 tuổi), người có tiếng nói và ảnh hưởng lớn đối với dân làng Hoành (Đồng Tâm). Ông Kình có hơn 60 năm tuổi Đảng, nguyên là Bí thư đảng ủy xã.
Thôn Hoành (xã Đồng Tâm) có nhiều lối vào. Trong suốt một tuần xảy ra vụ việc, lối nào cũng có chướng ngại vật. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Sau khi ông Kình và những người khác bị đưa đi, một số công dân Đồng Tâm đã đập phá ôtô. 38 người (gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, chiến sĩ công an, cảnh sát cơ động) bị người dân giữ trong nhà văn hóa thôn Hoành.
Ngay sau đó, người dân tự cô lập bằng cách phong tỏa các lối vào thôn. Họ lập các chốt chặn bằng gạch, đá, cây gỗ lớn, dây thép gai, thậm chí cả tủ lạnh, bàn ghế cũ. Những hàng rào tự chế này chắn ngang đường đi, chỉ để lại một lối nhỏ vừa đủ để xe máy chật vật lách qua.
Cùng lúc, dân làng phân công nhiều người, chủ yếu là nam thanh niên canh gác ở các chốt và đường làng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của người lạ.
Nhiều cán bộ huyện Mỹ Đức xuống hòa giải hay nhà báo đến đưa tin cũng bị người dân giữ lại.
Một tuần không ngủ
Ngày 16/4, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chính thức phát thông tin liên quan đến vụ việc người dân giữ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát ở xã Đồng Tâm.
Một ngày sau, người dân thôn Hoành cho biết họ đã trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội.
Đến ngày 18/4, Công an Hà Nội cho biết người dân Đồng Tâm đã thả 15 cảnh sát cơ động và 3 người tự giải thoát. Đồng thời, 4 người dân Đồng tâm bị bắt trước đó đã được thả, riêng cụ Lê Đình Kình vẫn nằm viện điều trị (nguyên nhân sau đó được chính ông Nguyễn Đức Chung công khai là bị “ném lên ôtô”).
Cùng ngày, Thường trực Thành ủy Hà Nội thông tin việc phân công ông Chung chủ động tiếp xúc, đối thoại và giải quyết bức xúc của người dân.
Trước những động thái ban đầu của nhà chức trách, tình hình tại Đồng Tâm vẫn rất căng thẳng. Người dân cảnh giác cao độ, an ninh thắt chặt, nhiều chốt chặn đường mới lập, người canh gác được tăng cường. Người lạ có ý định vào làng, thậm chí mới đi qua tỉnh lộ 491 ngoài thôn Hoành cũng có thể bị kiểm tra giữ lại khám người.
Người dân chia sẻ, đây là khoảng thời gian khó khăn của họ khi ngày đêm lo lắng, không thể ăn cơm hay ngủ trọn giấc, công việc đồng áng bị bỏ bê, trẻ em gián đoạn việc đến trường.
Khi nhắc về diễn biến xảy ra trong thôn tuần qua, nhiều phụ nữ thôn Hoành bật khóc. Họ nói, đó là điều không ai mong muốn và chỉ là biện pháp bất đắc dĩ.
Nhà văn hóa thôn Hoành, nơi giữ 38 cán bộ, chiến sĩ sau sự cố ngày 15/4. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Một phụ nữ ngoài 30 nấc lên khi tâm sự với phóng viên Zing.vn lúc nửa đêm: “Ban ngày, chúng tôi không nuốt nổi cơm, chỉ uống nước cầm hơi, ban đêm lại không thể ngủ. Nhiều người suy kiệt sức khỏe, sụt 5-6 kg, phải truyền nước để gắng gượng. Nhiều cụ già lớn tuổi cũng vì thế mà ngã quỵ…”.
Trong thời gian đó, sự an toàn và sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ bị giam giữ được dân thôn Hoành chăm lo khá đầy đủ. Một ngày, người dân nấu 3 bữa cơm, dân ăn gì họ ăn nấy, có khi còn đẩy đủ hơn. Người dân còn thử trước đồ ăn, nước uống đề phòng kẻ xấu hãm hại.
Nút thắt
Đến ngày 19/4, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn TP Hà Nội đã về gặp gỡ dân Đồng Tâm. Cùng lúc, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng, đề nghị Chủ tịch UBND Hà Nội lập tổ công tác đối thoại với người dân.
"Nhà nước luôn tôn trọng người dân và sẽ không có việc tấn công, giải cứu".
Ông Nguyễn Đức Chung
Chiều 20/4, ông Nguyễn Đức Chung có mặt tại Mỹ Đức để đối thoại với người dân Đồng Tâm. Ba chiếc xe khách đỗ bên ngoài thôn cùng giấy mời được gửi về tận các xóm cuối cùng chỉ đón được một số lãnh đạo chủ chốt của xã lên “họp”.
Người dân không tới. “Không dám” là từ họ dùng để nói về cuộc đối thoại với lãnh đạo TP nếu diễn ra ngoài địa giới xã Đồng Tâm. Họ mong ông Chung về tận thôn, để lắng nghe và hiểu dân.
Dù vậy, cuộc làm việc giữa ông Chung với lãnh đạo xã vẫn mang đến những tín hiệu tích cực. Người đứng đầu thành phố cam kết “không tấn công vào thôn để giải cứu người bị bắt giữ”; đồng thời, công bố quyết định thanh tra toàn diện quá trình quản lý đất đai tại xã Đồng Tâm trong vòng 45 ngày.
Một thông điệp quan trọng khác mà ông Chung khẳng định là việc sẽ tìm cách đối thoại trực tiếp với người dân.
Cành ô liu của lãnh đạo TP chìa ra được đại diện dân Đồng Tâm đáp lại một ngày sau đó bằng cam kết đảm bảo “an toàn tuyệt đối một trăm phần trăm” cho ông Chung khi về làng.
Cùng ngày 21/4, người dân thả Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức. Họ nói lời xin lỗi, viết tâm thư trình bày lý do dẫn đến hành vi sai trái và mong được Chủ tịch thành phố “dang tay cứu vớt”.
Trong ngày, liên tục nhiều cuộc điện thoại trao đổi diễn ra giữa người đứng đầu TP với các vị bô lão, đại diện người dân. Có những cuộc nói chuyện “kéo dài tới 5h sáng”. Và điều đó khiến người dân tin rằng “Chủ tịch Chung không bao giờ lừa dân”.
Một cuộc đối thoại tại xã Đồng Tâm như mong muốn của người dân được thống nhất thời gian, địa điểm.
Giải tỏa
Ngày 22/4, cơn mưa buổi sáng như giúp bầu không khí căng cứng suốt một tuần lễ ở Đồng Tâm giãn ra. Hệ thống loa phóng thanh liên tục thông báo về cuộc gặp tại hội trưởng UBND xã lúc 10h giữa người dân với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng nhiều đại diện của Quốc hội, các bộ, ngành, thành phố và huyện Mỹ Đức.
Nhân dân Đồng Tâm đã kiểm điểm và nhận thấy có rất nhiều sai sót do không hiểu biết pháp luật... Vì vậy, nhân dân mong muốn ông Chủ tịch dang tay cứu vớt, tha thứ, đừng truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đơn đề nghị của người dân Đồng Tâm
Chỉ ít phút trước thời điểm đó, danh sách 50 đại diện cho người dân mới được chọn ra. Chướng ngại vật ở các chốt cũng được gỡ bỏ để đoàn xe của đoàn công tác có thể vào sâu trong làng.
Suốt hai giờ đối thoại, trong khi đại diện cho dân trình bày, ông Chung giải đáp, hàng nghìn người gần như dừng mọi hoạt động, dồn về phía đầu làng hướng lên các loa phát thanh.
9 người phát biểu 21 vấn đề, đều là những sự uất ức, đau lòng dồn nén nhiều năm qua, thậm chí có thể lượng hóa bằng “hàng yến, hàng tạ” đơn từ.
Sau khi ghi chép, các kiến nghị của người dân đều được người đứng đầu Thành phố giải đáp rành mạch. Ông ghi nhận bức xúc của cả quá trình khiếu kiện liên quan tới khu đất ở đồng Sênh cũng như bức xúc bột phát tại biến cố ngày 15/4. Ông ghi nhận việc bà con không đánh đập, cho anh em ăn uống đầy đủ, thậm chí còn nấu “ngon hơn cho gia đình mình”.
Sáng 22/4, ông Nguyễn Đức Chung về thôn Hoành và có cuộc đối thoại trực tiếp dài 2 giờ với người dân Đồng Tâm. Ảnh Tiến Tuấn. |
“Tôi xin hứa tôi sẽ là người chỉ đạo và là người thực hiện kết quả thanh tra, phối hợp với lãnh đạo Bộ Công an, thường xuyên tiếp xúc với các cụ để giải quyết thật công tâm. Ngay từ đầu lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo TP đều thống nhất với nhau quan điểm Đồng Tâm là xã truyền thống, xã anh hùng", ông Chung khẳng định.
Cụ thể hóa lời hứa, ông Chung trên cương vị Chủ tịch UBND Hà Nội sau đó viết tay bản cam kết 3 điểm.
Khi cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm” được đọc to, tiếng hoan hô vỗ tay vang dội… Nỗi lo của hàng nghìn người dân tan biến.
19 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát lần lượt bước ra khỏi cảnh cửa nhà văn hóa thôn Hoành, nơi được canh giữ cẩn mật như một pháo đài suốt tuần qua.
Hình ảnh đọng lại là những cái bắt tay, nụ cười giữa người dân và cảnh sát, là cái chắp tay cảm ơn của chỉ huy lực lượng cảnh sát cơ động thành phố, cái khoác vai của Chủ tịch Hà Nội với một phụ nữ Đồng Tâm bé nhỏ…
Dù những điều mà ông Nguyễn Đức Chung đứng ra cam kết chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai thì ít nhất điểm nóng này đã được giải tỏa. Và nỗ lực giải quyết của ông Chung được đánh giá đến vào thời điểm chín muồi.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, đó là lúc cả hai đều nhận thức ra cái đúng, cái sai của nhau. Người dân nhận ra việc giữ người là trái pháp luật. Ngược lại, lãnh đạo Hà Nội cũng nhận ra rất nhiều vấn đề của thành phố qua vụ việc tại Đồng Tâm.
Ở góc độ xác lập niềm tin giữa chính quyền và người dân, ông đúc kết: “Bài học gần dân không có gì là mới. Ở mỗi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau sẽ có cách suy nghĩ khác nhau nhưng người lãnh đạo phải đến với dân”.
Biến cố ở Đồng Tâm, nhìn ở góc độ nào cũng là một sự kiện vượt ra khỏi khuôn khổ một địa phương và nó “nên được các nhà sử học nghiên cứu” - nói như lời sử gia, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.