Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ vé múa rối giả: Lộ diện người bán vé

Người đã bán vé xem múa rối giả khiến hàng trăm phụ huynh và các cháu thiếu nhi ở Hải Phòng bức xúc là ông Đinh Văn Hứa (SN 1951). Ông Hứa cho biết việc bán vé là cá nhân, không liên quan tới tổ chức nào khác.

Ngày 23/9, ông Đinh Văn Hứa (SN 1951) đã thừa nhận chính mình là người đã đến các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng phát hành vé chương trình biểu diễn tối 20/9 tại Nhà hát sông Cấm mà không có buổi biểu diễn nào. 

Ông Hứa giải trình việc phát hành vé nhưng không biểu diễn là do sơ suất đã không liên hệ lại với đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng để giữ lịch biểu diễn. Để giải trình với báo chí, ông Hứa đã đưa ra một số giấy tờ chứng minh quan hệ hợp tác giữa ông và nhà hát như giấy giới thiệu công tác của Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng để mình liên hệ bán vé; hợp đồng hợp tác của ông Hứa... Ông Hứa cũng khẳng định, việc làm ăn hợp tác này của ông trên phương diện cá nhân chứ không phải bất cứ tổ chức nào khác.

Được biết, ông Hứa từng là trưởng nhóm công tác xã hội Văn phòng đại diện tại Hải Phòng của Báo Nhân đạo và Đời sống nhưng đã bị chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 2/8/2013 do có một số dấu hiệu không minh bạch trong công tác.

Về việc vé có in logo của Hội Nhà báo Việt Nam trên vé, ông Hứa phân trần: “Thấy logo này đẹp nên sử dụng”.

Những chiếc vé do ông Hứa bán với giá 200.000 đồng/chiếc.

Như đã đưa tin, từ khoảng 19h30 ngày 20/9, hàng trăm phụ huynh cùng các cháu thiếu nhi kéo đến nhà hát Sông Cấm (ở số 274 đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) để xem chương trình múa rối do Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng biểu diễn. Tuy nhiên, chầu chực mãi, khán giả vẫn thấy nhà hát đóng cửa, không đón khách. Sinh nghi, mọi người vội hỏi dồn bảo vệ nhà hát Sông Cấm thì mới té ngửa, tối 20/9, Đoàn Múa rối Hải Phòng không có lịch diễn.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thế Ban, Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, khẳng định tối 20/9, Đoàn không có lịch diễn tại bất cứ đâu. Theo ông Ban thì người dân đã mua phải vé giả.

Biết bị lừa, nhiều khán giả mang vé ra tìm số điện thoại và thông tin của nhà tổ chức nhưng tuyệt nhiên không có ngoài một logo in chữ VJA. Ngay dấu kiểm soát cũng không đóng trên vé khiến khán giả càng thêm khẳng định đã bị lừa mua phải vé giả.

 

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm