Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ thảm sát Mỹ Lai được phanh phui như thế nào?

Chính phủ Mỹ đã che giấu sự thật về vụ thảm sát Mỹ Lai với công chúng gần hai năm, trong khi nhà báo Seymour Hersh âm thầm điều tra và công bố loạt bài gây chấn động.

Seymour Hersh là phóng viên người Mỹ tiên phong đưa sự thật về vụ thảm sát Mỹ Lai đến với công chúng Mỹ. Ảnh: Guardian
Seymour Hersh là phóng viên người Mỹ tiên phong đưa sự thật về vụ thảm sát Mỹ Lai đến với công chúng Mỹ. Ảnh: Guardian

Seymour Hersh (77 tuổi) là một phóng viên điều tra hiện làm việc tại thủ đô Washington. Trong giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam, ông còn là một cây bút tự do. Vào thập niên 1960, ông là cộng tác viên tin tức các vụ án cho Cơ quan tin tức ở thành phố Chicago.

Sau đó, ông chuyển sang làm việc cho một số hãng tin như UPI và AP, rồi trở thành thư ký báo chí cho ứng viên tổng thống Eugene McCarthy. Vài năm sau, ông trở về với con đường báo chí.

Năm 1965, khi thực hiện một bài viết liên quan đến Bộ Quốc phòng Mỹ, Hersh trở thành người theo phe phản đối việc Mỹ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam.

"Tôi gặp gỡ nhiều cựu chiến binh, từ cấp cao đến cấp thấp. Tất cả họ đều nói với tôi thông điệp giống nhau: chúng ta không thể thắng cuộc chiến này, nó đang hủy hoại cả hai xã hội", Hersh viết trên tờ New Yorker năm 2011. Sau đó, Hersh tranh cãi gay gắt với cấp trên ở hãng AP rằng chính phủ Mỹ đang che giấu nhiều sự thật về cuộc chiến ở Việt Nam.

Đầu tháng 10/1969, hơn một năm sau khi thảm sát Mỹ Lai xảy ra, Hersh hay tin rằng một viên trung úy phải ra hầu tòa án binh vì tội chỉ đạo và trực tiếp sát hại thường dân Việt Nam vô tội. Sự tò mò và máu nghề nghiệp trỗi dậy, Hersh quyết tâm phỏng vấn những người liên quan trong sự việc. Tuy nhiên, Hersh khẳng định ông phải có lời kể của trung úy William Calley, người bị cáo buộc đã ra lệnh cho binh sĩ trực tiếp tàn sát thường dân Việt Nam, để bài viết thuyết phục hơn.

Lời xin lỗi sau hơn 40 năm của lính Mỹ về thảm sát Mỹ Lai

"Ngày nào tôi cũng hối hận về những việc đã xảy ra", một trung úy từng chỉ huy binh sĩ thảm sát người dân tại Mỹ Lai, Việt Nam năm 1968 nghẹn ngào nói.

"Tôi theo đuổi từ những đầu mối nhỏ nhất, đọc tất cả thông tin trên báo chí hoặc tài liệu phát hành công khai để tìm dữ liệu. Tôi phỏng vấn luật sư biện hộ của Calley, rồi tôi tình cờ gặp binh sĩ vốn là người chuyên giao thư cho ông ta. Sau đó, tôi có thông tin về nơi có thể gặp Calley", Hersh kể. Ngày 11/11/1969, Hersh phỏng vấn Calley tại căn cứ quân sự ở Fort Benning.

Sau khi đã nắm nhiều thông tin, Hersh nỗ lực viết lại câu chuyện, ông hoàn thành 5 bài báo trong 5 tuần. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn kế tiếp của Hersh là tìm tòa soạn chấp nhận đăng loạt bài.

Báo Washington Post cho biết, nhiều tờ báo đã từ chối đăng câu chuyện của Hersh với nội dung chi tiết về những tội ác mà lính Mỹ gây ra ở thôn Mỹ Lai. Một biên tập viên của tờ Life thậm chí nói với Hersh rằng, không tờ báo nào muốn là nơi đầu tiên đăng câu chuyện nhạy cảm này.

"Khi đó tôi cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Tôi đã nắm trong tay những bằng chứng xác thực về tội ác to lớn mà lính Mỹ gây ra ở Việt Nam, cùng với cuộc phỏng vấn người mà tòa án cáo buộc là chủ mưu sự việc. Thế mà truyền thông chính thống không muốn dính líu đến sự việc này", Hersh kể trên tờ New Yorker.

Tờ Plain Dealer (bang Ohio, Mỹ) đăng câu chuyện của Hersh về vụ thảm sát Mỹ Lai vào ngày 20/11/1969. Ảnh: Cleveland
Tờ Plain Dealer (bang Ohio, Mỹ) đăng câu chuyện của Hersh về vụ thảm sát Mỹ Lai vào ngày 20/11/1969. Ảnh: Cleveland

Tuy nhiên, Dispatch News Service, một hãng tin chuyên nội dung về cuộc chiến ở Việt Nam, đã quyết định đăng trọn vẹn bài báo của Hersh vào ngày 12/11. Chủ của hãng tin này chính là người hàng xóm của Hersh, David Obst.

Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ, nhiều cơ quan báo chí khác cũng vào cuộc tìm hiểu sự thật vụ Mỹ Lai. Dưới tác động của báo chí, dư luận ngày càng gia tăng sức ép lên chính quyền để đòi câu trả lời thỏa đáng. Những điều này tạo động lực để Ronald Haeberle, một phóng viên ảnh của quân đội từng có mặt vào chiến dịch ngày 16/3/1968, quyết định công khai những tấm hình mà ông chụp làm bằng chứng tố cáo tội ác của lính Mỹ.

Từ năm 1970, Hersh tiếp tục theo đuổi những câu chuyện về vụ thảm sát ở Mỹ Lai và viết một số cuốn sách về chủ đề này. Không như phần lớn đồng nghiệp, ông Hersh thể hiện rõ quan điểm phản đối chiến tranh trong các bài viết của mình, theo báo New York Times. Cũng trong năm 1970, loạt bài điều tra về vụ thảm sát Mỹ Lai của Hersh đoạt giải thưởng Putlizer danh giá. Đây là nền móng quan trọng đầu tiên xây dựng tên tuổi và uy tín của Hersh trong làng báo.

Cuối tháng 12/2014, nhà báo Hersh lặng lẽ trở lại Sơn Mỹ, nơi lính Mỹ thảm sát hơn 500 nạn nhân Việt Nam vô tội vào ngày 16/3/1968. Đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm kể từ ngày ông viết loạt phóng sự điều tra về vụ Mỹ Lai. “Người Việt Nam quả thật rất nhân hậu và độ lượng, các bạn đã bỏ qua quá khứ để đón nhận chúng tôi với tình cảm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình”, nhà báo Hersh tâm sự trên tờ Tuổi Trẻ.

Binh sĩ Mỹ đốt nhà, giết vật nuôi, tàn phá các loại cây trồng và thực phẩm trong vụ thảm sát Mỹ LaiẢnh: Getty

Nixon đã che đậy thảm sát Mỹ Lai như thế nào?

Tổng thống Mỹ Nixon xem vụ thảm sát ở thôn Mỹ Lai là "mối đe dọa chính trị" đối với ông nên đã chỉ đạo sử dụng "những thủ đoạn bẩn thỉu" để che giấu sự việc với công chúng Mỹ.

Ký ức kinh hoàng về thảm sát Mỹ Lai 47 năm trước

Ngày 16/3/1968, theo lệnh cấp trên, tốp lính Mỹ xả súng bừa bãi tại thôn Mỹ Lai thuộc tỉnh Quảng Ngãi, khiến hơn 500 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm