Tại vị trí đó có lắp hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhưng chỉ đèn “chớp vàng” chứ không điều khiển bằng đèn xanh - đỏ - vàng.
Vậy khi nghiệm thu nút giao thông thì Cục Quản lý đường bộ 3 có tham gia? “Các ông ấy (chủ đầu tư) không thực hiện đúng theo tinh thần giấy phép. Khi hoàn thành công trình họ tự nghiệm thu và đưa vào khai thác chứ không mời cục” - ông Hoài nói.
Liệu tai nạn xảy ra có phải do một phần hạ tầng chưa đảm bảo? “Cái đó có, nhưng chỉ một phần thôi. Thực tế thì khi đưa vào hoạt động trên cả hai tuyến đường tại ngã tư này đều có bảng chỉ hướng, biển báo đường ưu tiên, không ưu tiên.
Còn khi tai nạn xảy ra thì việc chấp hành quy định vận tốc lưu thông trên tuyến của lái xe là không đúng. Dù đến ngã tư nhưng cả hai xe không giảm tốc độ, quan sát thì có thể thấy tại vị trí xảy ra tai nạn không có vệt lốp thắng nào cả.
Theo phỏng đoán của cá nhân tôi thì cả hai xe đều có lỗi, ôtô chở khách thì chạy quá tốc độ, còn ôtô con chở vượt số người quy định, cả hai khi vào ngã tư nhưng không giảm tốc độ. Cái này là do ý thức điều khiển phương tiện giao thông”.
Tương tự, ông Cao Bá Giang - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và khai thác hầm Hải Vân - cũng cho rằng vụ tai nạn giao thông thảm khốc do lỗi từ cả xe khách lẫn xe bốn chỗ.
Theo ông Giang, trên đường Hoàng Văn Thái nối dài cách ngã tư chừng 250 m có bảng chỉ dẫn sắp giao nhau với đường ưu tiên, tài xế khi đi qua đoạn này buộc phải giảm tốc độ.
Ngược lại trên tuyến đường tránh Hải Vân - Túy Loan cũng lắp đặt đèn vàng yêu cầu tài xế giảm tốc độ xuống còn dưới 50 km/h.
Thế nhưng khi trích xuất hộp đen của ôtô khách cho thấy xe này khi vào nút giao thông (ngã tư) đã chạy với tốc độ 85 km/h, điều này dẫn đến tai nạn.
Chiều 3/5, ông Tán Hoàng Trưng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 3.1 (đơn vị quản lý trực tiếp tuyến đường tránh Hải Vân - Túy Loan) - cho biết: “Ngay sau khi TP Đà Nẵng đưa vào vận hành đường Hoàng Văn Thái nối dài, đơn vị có đi giám sát và thấy việc lắp đèn tín hiệu tại ngã tư này là không ổn lắm bởi tại đây chỉ có hệ thống đèn vàng “nhấp nháy”, nên có kiến nghị phía chủ đầu tư thay đèn vàng bằng hệ thống đèn xanh - đỏ - vàng. Tuy nhiên, kiến nghị trên chưa thành hiện thực thì xảy ra tai nạn thảm khốc”.
Ông Trưng cũng thừa nhận: “Việc các tài xế chạy xe với tốc độ lớn như vậy thì không có gì tránh được cả. Tai nạn là tất yếu”.
Sáng 3/5, tại nút giao thông ngã tư đường Hoàng Văn Thái nối dài - đường tránh Nam Hải Vân, hệ thống đèn tín hiệu xanh - đỏ - vàng đã hoạt động. Ở các ngã đường đều đặt thêm các bảng cảnh báo “chú ý giảm tốc độ” ở vị trí khá thông thoáng, rất dễ quan sát, cách ngã tư khoảng 100 m.
Dù vậy, có rất nhiều xe máy và ôtô bốn chỗ từ hướng đường Hoàng Văn Thái lên khu du lịch Bà Nà vẫn chạy với tốc độ khá cao khi qua nút giao thông này.
Một người dân (đề nghị không nêu tên) sống gần nút giao thông cho biết: “Từ khi đưa con đường Hoàng Văn Thái nối dài vào hoạt động, tôi chứng kiến có ba vụ tai nạn giao thông, ngoài vụ tai nạn sáu người chết còn có hai vụ va quẹt giữa ôtô và xe máy. Trước kia, chưa có hệ thống đèn xanh - đỏ - vàng thì rất nguy hiểm bởi xe qua đây cứ phóng bạt mạng”.