Theo ông Phương, khoảng 17h ngày 1/3, trụ tuabin gió WT08 của Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 xảy ra sự cố rơi cánh quạt. Ngay sau khi sự cố, hộ ông Nguyễn Văn Kiên đòi bồi thường số tiền lên đến trên 167 tỷ đồng do thiệt hại từ những ao nuôi cá dứa.
Hiện trường cánh quạt điện gió rơi từ độ cao hơn 140 m. |
Theo khai báo của ông Kiên, gia đình ông có 15 ao cá dứa, trong đó 10 ao cá lớn (trọng lượng khoảng 1,7 - 2 kg/con), và 5 ao cá nhỏ (trọng lượng khoảng 15 con/kg). Hiện, cá vẫn bỏ ăn và còn chết rải rác.
“Ông Kiên khai báo bình quân mỗi ao đầu tư khoảng 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua làm việc với 17 hộ nuôi trên địa bàn bình quân một ao nuôi diện tích 3.000 m2 chi phí và lợi nhuận khoảng 500 - 600 triệu đồng. Ông đã kê khai gấp 20 lần”, ông Phương nói.
Sau đó, UBND huyện đã lấy mẫu nước, mẫu cá gửi Thú Y vùng 5 xét nghiệm để có cơ sở đánh giá nguyên nhân thiệt hại. Kết quả xét nghiệm mẫu cá, mẫu nước cho thấy, một số ao cá nhiễm vi khuẩn gây bệnh xuất huyết, một số ao có hàm lượng khí độc NH3 vượt ngưỡng an toàn cho cá.
“Vụ việc cánh quạt rơi có làm chấn động khiến cá chết không vẫn chưa có cơ sở chứng minh. Về nguyên nhân cá chết và mức độ thiệt hại vẫn chưa đánh giá được vì các yếu tố môi trường trong ao nuôi có cao nhưng cũng không đến mức cá chết”, ông Phương cho hay.
Về xác định nguyên nhân cánh quạt rơi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết vẫn chưa xác định được vì thiết bị điện gió của nhà cung cấp nước ngoài.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, khoảng 17h ngày 1/3, một cánh quạt trụ điện gió tại Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 bất ngờ gãy và rơi xuống đất. Sự cố không gây thiệt hại về người.
Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) do Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích gần 30 ha với 26 trụ turbine gió, mỗi trụ cao trên 140 m, sản lượng điện bình quân 280 triệu kWh/năm. Đây là nhà máy điện gió có quy mô lớn nhất trên đất liền ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.