Thiếu tá Lê Tiến Thành, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Bắc Từ Liêm là một trong những người trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ cháy quán cà phê "Hát cho nhau nghe" trên đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2) rạng sáng 19/12.
"Trên đường đến hiện trường, chúng tôi đã lên kế hoạch, chia các mũi để tiếp cận cứu người. Nhưng đến nơi, lửa đã bao trùm toàn bộ tầng 1. Ngôi nhà 4 tầng không có lối tiếp cận trực tiếp", Thiếu tá Thành nhớ lại.
Thiếu tá Lê Tiến Thành trao đổi với PV Báo VietNamNet. |
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy đã triển khai chữa cháy ở mặt trước, tầng 2 ngôi nhà. Thiếu tá Thành cùng đồng đội tiếp cận từ nhà số 260 kế bên, nơi ngọn lửa đã bén sang.
Thiếu tá Thành cho biết thêm, hiện trường vụ cháy là ngôi nhà 4 tầng, khoảng 40 m2, được cho thuê làm cửa hàng cà phê, đồ đạc chủ yếu để ở tầng 1. Khi xảy ra hỏa hoạn, các nạn nhân ở tầng 1 và các tầng bên trên.
Các chiến sĩ dùng thang tiếp cận tầng cao ngôi nhà từ mặt ngoài. Do bên trong có nhiều khói, khí độc nên lực lượng chữa cháy, cứu nạn phải đeo bình thở để vào trinh sát, cứu người bị nạn.
Hiện trường vụ cháy làm 11 người tử vong. |
Nói về quá trình cứu nạn nhân mắc kẹt, Thiếu tá Thành cho biết, ban đầu lực lượng PCCC Công an quận Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy hỗ trợ đưa một người bị nạn ở khu vực tầng 3 ngôi nhà thoát ra ngoài.
"Khi đó, chúng tôi hỏi còn nhiều người trong đó không, ở vị trí nào. Người bị nạn chỉ trả lời có nhiều người lắm và không biết họ đang ở đâu...", Thiếu tá Thành kể.
Biết chắc có nhiều người đang mắc kẹt trong đám cháy, các chiến sĩ khẩn trương dập lửa, tìm mọi cách cứu người trong “biển lửa” nhưng không gian quá hẹp nên gặp nhiều khó khăn. Với phương châm cứu nạn nhân như cứu người thân của mình, các chiến sĩ không sợ khó, khổ...
Quá trình trinh sát, lực lượng chức năng mở cửa lối ra ban công tầng 2 để xe thang tiếp cận. Lực lượng chữa cháy phối hợp đưa thêm 4 nạn nhân mắc kẹt xuống dưới...
"Khi ngọn lửa đã dập tắt, số người được cứu sống đưa ra quá ít, nên các chiến sĩ PCCC rất buồn. Nhìn thấy họ tử vong, nhiều chiến sĩ không cầm được nước mắt. Vì trong quá trình tìm kiếm nạn nhân trong “biển lửa”, khói độc... không thấy có người. Nhưng quá đau buồn khi chúng tôi tiếp cận nhà vệ sinh, có hơn một nửa trong số 11 nạn nhân đã tử vong ở đây", Thiếu tá Thành buồn bã nhớ lại.
Cách thoát nạn tốt nhất khi đến nơi lạ là quan sát
Từ vụ cháy nêu trên, Thiếu tá Thành khuyến cáo: “Trước khi mọi người đến nơi lạ, đặc biệt là các quán cà phê hay quán karaoke... phải để ý xem cầu thang, lối thoát hiểm, ban công, hành lang ở đâu, vì những nơi này lực lượng PCCC dễ tiếp cận.
Đặc biệt, mọi người cần chú ý quan sát vị trí đặt các phương tiện PCCC như bình cứu hỏa, chuông báo cháy... Đừng chủ quan, hãy luôn cẩn trọng khi đến những nơi công cộng, nhất là những nơi dễ xảy ra cháy nổ.
Lực lượng PCCC đưa các nạn nhân ra ngoài. |
Khi hỏa hoạn xảy ra, khói độc sẽ lan nhanh và gây nguy hiểm. Việc nắm rõ các lối thoát hiểm sẽ giúp thoát nạn kịp thời, tránh tình trạng hoảng loạn, chạy theo bản năng.
Thiếu tá Thành cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không trốn vào nhà vệ sinh khi có cháy. "Không gian kín sẽ nhanh chóng bị lửa thiêu rụi oxy, khiến nhiệt độ tăng cao và rất nguy hiểm", anh giải thích.
Nói về những khó khăn trong công tác PCCC, Thiếu tá Thành chia sẻ: "Đối với các vụ cháy tại quán karaoke, cà phê, chung cư, nhà dân..., chúng tôi luôn lo sợ không thể cứu được người mắc kẹt do không gian chật hẹp. Còn với các vụ cháy nhà xưởng, công ty..., khó khăn lớn nhất là nguồn nước chữa cháy".
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.