Cục Quản lý cạnh tranh cho hay sẽ vào cuộc nếu doanh nghiệp (DN) mắm truyền thống khởi kiện.
Cấm gièm pha, nói xấu nhãn hiệu khác
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Đặng Thành Tài, Giám đốc một DN nước mắm ở thị xã Dương Đông, Phú Quốc cho rằng rõ ràng trong vụ việc này, người ta đang cố tình hiểu sai về tiêu chuẩn hàm lượng asen trong nước mắm.
Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã không công bố bóc tách ra là hàm lượng asen vượt chuẩn kia là vô cơ hay hữu cơ, mà chỉ công bố tổng. Việc này khiến người dân hiểu theo hướng khác, gây bất lợi cho DN sản xuất mắm truyền thống.
DN sản xuất mắm truyền thống lao đao vì thông nước mắm nhiễm asen.
|
Ông Tài lo ngại, cách công bố như vậy sẽ làm sụt giảm doanh số bán nước mắm truyền thống trong thời gian tới, nhất là khi mỗi năm công ty xuất khẩu 500.000-600.000 lít đi châu Âu, Nhật Bản và cung cấp hơn 300.000 lít tiêu thụ nội địa.
Trên thực tế, đã có nhiều cơ sở, doanh nghiệp nước mắm truyền thống lao đao.
Tại cuộc họp của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 20/10, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, nói rằng việc này đang đẩy các DN nước mắm truyền thống tới bờ vực phá sản.
Người tiêu dùng thì lo sợ không dám mua, còn hệ thống phân phối, đại lý cũng hoang mang đến nỗi nhiều khách hàng đòi trả lại sản phẩm - ông Phan Văn Thuận, Phó tổng giám đốc một DN nước mắm ở Nha Trang, bức xúc.
Ông Thuận kể một siêu thị ở TP.HCM lấy khoảng 700 thùng nước mắm, sau đó yêu cầu công ty phải thu hồi. Một số siêu thị lớn khác cũng dọa không lấy hàng nữa nếu DN không giải trình về thông tin do Vinastas công bố.
Chưa kể, siêu thị nước ngoài với tiêu chuẩn khắt khe còn yêu cầu công ty kiểm nghiệm 5,8 tấn nước mắm mà họ vừa lấy, và chịu hoàn toàn chi phí.
Hầu hết các đối tác, siêu thị khi nhập nước mắm đều yêu cầu phía các DN sản xuất phải giải trình về chất lượng sản phẩm. Mặc dù trước đó, để vào được siêu thị, họ đã phải nộp đủ các loại giấy tờ chứng minh nước mắm đạt chuẩn. Cao hơn thì bắt DN xét nghiệm lại, vừa tốn kém vừa mất uy tín. Người tiêu dùng thì bất an, muốn có câu trả lời chính thức từ cơ quan quản lý, khiến việc bán mắm chững lại.
Trước việc các DN nước mắm truyền thống nghi ngờ “đại gia” cạnh tranh không lành mạnh, đứng sau hỗ trợ, đưa thông tin lập lờ, không chính xác, gây hại cho nước mắm truyền thống, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho hay, ở đây là hiệp hội công bố thông tin.
Nếu người công bố là DN thì chắc chắn sẽ phải điều tra về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Luật Cạnh tranh quy định rõ việc cấm gièm pha, nói xấu nhãn hiệu khác. Nhưng hiện chưa có hồ sơ, tài liệu gì về vụ việc này.
“Nếu DN nước mắm truyền thống kiện gửi kèm tài liệu thì chúng tôi sẽ tiến hành điều tra”, vị này nói.
Việt Nam bỏ kiểm tra asen từ 2013
Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khẳng định với PV.VietNamNet arsen khi tồn tại ở dạng nguyên tố hóa học (hay còn gọi là thạch tín) đứng một mình thì cực độc. Nhưng, khi asen tham gia vào hợp chất hóa học, thì nó không độc.
Trong trường hợp này, khi asen ở trong sản phẩm thủy sản, là một bộ phận của cá, không thể đánh đồng là độc được.
Việc tiêu thụ nước mắm truyền thống cũng chững lại.
|
Trên thế giới, các nước cũng chỉ kiểm tra arsen vô cơ.
Các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản,... vốn yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm, từ năm 1994 đến 2013, cũng chỉ yêu cầu kiểm soát kim loại nặng, gồm chì, thủy ngân, cadimi và asen ở dạng nguyên tố. Thỉnh thoảng, có lô hàng của Việt Nam bị phát hiện nhiễm chì, thủy ngân, cadimi chứ không bao giờ phát hiện có asen.
Vì thế, năm 2013, các thị trường đó đã bỏ, không kiểm tra arsen nữa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng bỏ luôn asen ra khỏi danh mục các chỉ tiêu phải kiểm tra với thủy sản xuất khẩu.
Hiện Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm - quy định hàm lượng chì nhưng không có asen. Như vậy, tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm cũng không có asen.
Duy chỉ có một tiêu chuẩn của Bộ Y tế về nước chấm có quy định về chỉ tiêu asen. Song, ông Cương cho rằng nước chấm là tên gọi chung của nhiều loại: magi, xì dầu, nước mắm, nước tương... Lẽ ra, Bộ phải nêu rõ sản phẩm nào không có asen, để không bị liệt vào danh sách phải kiểm tra.
Mặc dù thực tế mà nói, theo ông Đặng Thành Tài, chỉ số asen hữu cơ trong nước mắm nguyên chất nếu kiểm nghiệm sẽ cao gấp 3 lần so với chỉ số Bộ Y tế nêu (1,0mg/lít). Tuy nhiên, với công thức trên, có thể hiểu nước mắm độ đạm cao, nguyên chất chỉ có asen hữu cơ nên sẽ không thể độc hại. Khi pha ra nước, nước mắm giảm độ đạm thì hàm lượng asen cũng sẽ giảm đi.
Nhiều DN nước mắm truyền thống áp dụng TCVN 2003 và theo quy chuẩn của Bộ Y tế, chỉ công bố hàm lượng chì. Sau này, khi có quy chuẩn mới, mới có thêm các chỉ số về hàm lượng asen, thuỷ ngân,...
Tuy nhiên, cách thức công bố ở mỗi địa phương có DN nước mắm lại khác nhau. Ví dụ TP.HCM yêu cầu công bố rõ trên nhãn, còn lại không yêu cầu DN phải công bố cụ thể.
Thêm vào đó, việc kiểm định hàm lượng asen bóc tách vô cơ, hữu cơ. Tại Việt Nam chỉ có một số phòng thí nghiệm làm được, đếm trên đầu ngón tay, còn lại nhiều phòng thí nghiệm cũng chỉ kiểm định hàm lượng tổng.
Tuy nhiên, để người dân yên tâm, ông Nguyễn Tử Cương cho rằng, theo Điều 62 Luật An toàn thực phẩm, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm về chất lượng nông - lâm - thủy sản, ở đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay vẫn không thấy lên tiếng về vụ việc.
Bộ Y tế cũng cho hay mới đang lấy mẫu nước mắm để kiểm nghiệm, chứ chưa công bố thông tin gì liên quan.