Tháng 3/2019, ngành giải trí châu Á rúng động vì vụ việc nhóm chat tình dục của Seungri cùng Jung Joon Young, Choi Jong Hoon, Yoo In Suk. Truyền thông liên tục đưa tin, dư luận Hàn Quốc bất bình về hành vi quay lén và phát tán cảnh quan hệ tình dục của các cô gái.
Nhưng nhóm chat tình dục của Seungri chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Việc quay lén phụ nữ vốn là vấn nạn nghiêm trọng lâu năm không chỉ trong showbiz mà với cả xã hội Hàn Quốc nói chung.
Từ vụ án Seungri và góc khuất showbiz...
Ban đầu, Seungri và nhóm bạn bị điều tra vì chia sẻ hình ảnh nhạy cảm của nhiều phụ nữ. Sau khi đào sâu vào loạt bằng chứng thu được, cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện không chỉ phát tán, nhóm chat của cựu thành viên Big Bang còn dính đến hàng loạt vụ môi giới mại dâm, đặt máy quay lén cảnh quan hệ tình dục.
Tại phiên tòa tháng 5/2019, Jung Joon Young - thành viên nhóm chat Seungri - đã cúi đầu thừa nhận 11 tội danh quay phim và phát tán nội dung tình dục bất hợp pháp qua nền tảng mạng xã hội. Các thần tượng Choi Jong Hoon, Yong Jun Hyung cũng phải giải nghệ vì chia sẻ văn hóa phẩm đội truỵ, các video quay lén.
Chuỗi scandal tình dục liên hoàn của các "bạch mã hoàng tử Kpop" khiến dư luận bàng hoàng, nhận ra mặt tối của ngành giải trí. Không chỉ có trai xinh gái đẹp, phim ảnh hay âm nhạc, showbiz Hàn còn tồn tại cả những góc khuất về ám ảnh tình dục không bao giờ biến mất.
Chia sẻ với Korea Times, David Tizzard - trợ lý giáo sư tại Đại học Nữ sinh Seoul - từng nhận định tìm kiếm và chia sẻ video bất hợp pháp của nhiều phụ nữ trẻ, không ít trong số này có thể bị cưỡng ép hoặc đánh thuốc mê, là một trò tiêu khiển quen thuộc của các nghệ sĩ nam. Nhiều người thậm chí không chỉ xem video trên mạng mà còn trực tiếp "ra tay" với chính đồng nghiệp hay người hâm mộ của mình.
Scandal nhóm chat tình dục của Seungri và nhóm bạn Jung Joon Young, Choi Jong Hoon gây rúng động dư luận châu Á. Ảnh: Naver. |
Ngày 1/6, truyền thông Hàn đưa tin nhà vệ sinh nữ của đài KBS bị đặt camera quay lén. Thủ phạm trong vụ việc này là nam diễn viên hài từng làm việc cho chương trình Gag Concert. Qua tìm kiếm, cảnh sát phát hiện một thiết bị ghi hình được gắn trong nhà vệ sinh nữ của khu vực tổng duyệt của show hài Gag Concert.
Nhận được thông tin, khán giả Hàn Quốc tỏ ra tức giận và lo lắng cho thần tượng của mình. Gag Concert vốn là chương trình hài nổi tiếng nhất xứ kim chi với chỉ số rating cao. Không chỉ các nghệ sĩ hài, nhiều ca sĩ thần tượng, diễn viên nữ cũng thường xuyên góp mặt trong show với tư cách khách mời.
Hay gần nhất, ngày 27/7, dư luận Hàn Quốc lại một lần nữa dậy sóng vì vụ việc nam ca sĩ Hwang Kyung Seok (nghệ danh The Film) thừa nhận đã quay lén cảnh khỏa thân và "giường chiếu" của nhiều phụ nữ. Theo cáo buộc của cảnh sát, Hwang thậm chí đã phát tán loạt video trên lên các trang web khiêu dâm nước ngoài.
"Phía cảnh sát cho biết có khả năng Hwang Kyung Seok đã tiếp cận người hâm mộ thông qua phần tin nhắn riêng tư trên mạng xã hội, sau đó dụ dỗ hoặc tìm cách bí mật đặt máy quay lén họ", tờ Sports Chosun thông tin thêm về hành vi của Hwang Kyung Seok.
Ca sĩ Hwang Kyung Seok, diễn viên hài Park Dae Seung bị bắt vì đặt camera quay lén phụ nữ. |
... đến vấn nạn xã hội
Tiếng Hàn có một từ lóng để gọi camera quay lén là "molka". Khi tìm từ "molka" trên cổng thông tin Naver, có tới hơn 85.000 kết quả trả về trong vòng vài giây và đều có nội dung phản ánh, phê phán vấn nạn quay lén phụ nữ. Không ít bài trong số đó cung cấp hẳn hình ảnh, video bằng chứng thu được từ camera tội phạm đặt ở nơi công cộng.
Các hãng tin quốc tế như BBC, CNN hay những tờ báo hàng đầu Hàn Quốc Yonhap News, Chosun Ilbo, Sports Chosun... đều từng đăng bài bóc trần thủ đoạn của tội phạm quay lén. Các đối tượng này thường mua máy quay nhỏ như con chíp điện tử và giấu trong ổ điện, máy làm khô tay, phía trong bồn cầu ở nhà vệ sinh công cộng hoặc dưới gầm bàn trong quán cà phê. Trong các nhà nghỉ, khách sạn, loại máy quay ẩn này có thể được lắp đặt ở bất cứ đâu, thậm chí được giấu ở mặt trong gương soi.
Với những chiếc máy quay này, đa phần phụ nữ không thể nhận ra bản thân đang bị quay lén trừ khi có người khác vô tình phát hiện ra. Đơn cử, trong vụ đặt máy quay tại đài KBS, đạo diễn Gag Concert là người nhận ra điểm bất thường ở nhà vệ sinh nữ và đã báo cho cảnh sát đến kiểm tra.
Hay hôm 21/7, nam diễn viên Hậu duệ mặt trời Kim Min Seok vô tình trông thấy một người đàn ông đang dùng điện thoại quay lén phía dưới váy phụ nữ. Gần nhất, hôm 25/7, khi trích xuất camera an ninh của quán internet công cộng, chính quyền phát hiện cảnh nữ MC bị người khác chụp lén phía dưới váy.
Những video, hình ảnh chụp lén này thường được chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội có trả phí - chính là xuất phát điểm của vụ "phòng chat thứ N" gây chấn động dư luận Hàn hồi tháng 3, tháng 4.
Giới chức Hàn Quốc thường xuyên tìm được camera quay lén ở nhà vệ sinh, buồng thay đồ, quán cà phê... Ảnh: Naver. |
Hàn Quốc được coi là một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ số hóa, nhưng điều này lại vô tình khiến vấn nạn quay lén ở nước này phát triển mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ai cũng có thể ghi hình trái phép và tung lên mạng xã hội mà không gặp phải bất kỳ khó khăn nào. "Một khi đã được chia sẻ lên mạng, khó lòng xóa hết toàn bộ dấu vết về hình ảnh hay video nhạy cảm nào đó", trang Hankuk Kyungje nhận định.
Xem xét trên mức án dành cho đối tượng quay lén phụ nữ từng được công bố, dư luận Hàn Quốc cho rằng luật pháp vẫn còn "nhẹ tay" với hình thức phạm tội này. Trong các bài đăng trên trang cộng đồng, dân mạng xứ kim chi luôn bất bình vì những đối tượng quay lén chỉ bị phạt hành chính hoặc nhận án tù treo.
"Molka là tội ác, đồng thời là biểu hiện tiêu biểu của hành vi bạo lực giới. Xử lý không nghiêm minh khiến tội phạm vẫn luôn bình thản trước nguy cơ bị cơ quan chức năng phát hiện", một khán giả bình luận trong bài viết về việc nữ MC mạng bị chụp lén dưới váy.
Chính phủ Hàn Quốc vào cuộc
Trong loạt bài viết về nạn quay lén, truyền thông Hàn Quốc nhiều lần đề cập chuyện đặt camera ẩn tại các địa điểm như nhà vệ sinh, khách sạn, quán cà phê... chỉ thực sự bùng nổ từ năm 2011.
Tháng 8/2018, phụ nữ Hàn Quốc đã tổ chức biểu tình tại quảng trường Gwanghwamun. Hơn 10.000 người mặc áo đỏ, ngồi dưới nắng nóng và giơ cao khẩu hiệu: "My Life Is Not Your Porn" (Cuộc đời tôi không phải phim khiêu dâm của bạn).
Năm 2018, 10.000 phụ nữ biểu tình tại quảng trường Gwanghwamun nhằm yêu cầu chính phủ quyết liệt xử lý vấn nạn quay lén. Ảnh: ABC News. |
"Họ hát theo ca khúc trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ. 'Chính quyền có nghe thấy không? Đây là tiếng hát của những người phụ nữ đang giận dữ'. Họ đại diện cho 70.000 phụ nữ tham gia vào chiến dịch, phủ kín quảng trường Gwanghwamun dù đang trong thời kỳ nắng nóng kỷ lục. Họ kêu gọi chính phủ nỗ lực đối phó với tội ác quay lén", Korea Times viết. Đây cũng là cuộc biểu tình lớn nhất chỉ dành cho phụ nữ từng xuất hiện trong lịch sử Hàn Quốc.
Theo Yonhap News, trong bài phát biểu hồi tháng 5/2018, chính Tổng thống Moon Jae In từng thừa nhận vấn nạn quay lén tồn tại như "một phần của cuộc sống hàng ngày tại Hàn Quốc". Ông cho rằng chính phủ cần tăng mức phạt và phải nghiêm khắc xử lý với đối tượng phạm tội quay trộm cảnh nhạy cảm.
Trước khi ông Moon Jae In lên tiếng, giới chức Hàn Quốc đã có những hành động thực tế nhằm giảm thiểu vấn nạn quay lén. Chẳng hạn, vào năm 2017, chính quyền thành phố Seoul đã phát hiện 6.500 trường hợp đặt máy quay lén thân thể phụ nữ trong các khu vực như buồng thử đồ, nhà vệ sinh công cộng, tàu điện ngầm...
Trang Irinsider đưa tin vì con số 6.500 trường hợp này, cơ quan chức năng từng phải thuê tới 8.000 công nhân để kiểm tra các nhà vệ sinh công cộng tại Seoul có bị đặt máy quay lén hay không.
Chính quyền thành phố Seoul thuê 8.000 người đi kiểm tra camera quay lén tại các nhà vệ sinh công cộng. |
Hôm 24/6, một giáo viên trung học ở thành phố Gimhae (tỉnh Nam Gyeongsang) đã bị bắt vì lắp camera trong phòng vệ sinh nữ nhằm chụp trộm học sinh và giáo viên trong trường. Cùng ngày, thêm một giáo viên khác tại Changnyeong cũng bị phát hiện có hành động tương tự.
Ngay lập tức, Liên đoàn giáo viên Hàn Quốc và Bộ Giáo dục kêu gọi chính quyền mở cuộc điều tra, tiến hành điều tra để thu giữ các camera ẩn trong các trường học. Korea Times cho biết Bộ trưởng Giáo dục Yoo Eun Hae gọi đây là "sự việc đáng xấu hổ".
"Tôi luôn tự hỏi liệu có bao nhiêu tội phạm quay lén chưa bị bắt ở ngoài xã hội. Nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi và thất vọng vì chuyện này. Có phải chăng nên gọi là lỗ hổng của pháp luật", một khán giả chia sẻ suy nghĩ trong bài viết của tờ Chosun Ilbo hôm 25/7.