Ông Trump đang gây sức ép để các quan chức dưới quyền của mình cũng phải phủ nhận kết quả - một điều mà chưa tổng thống đương nhiệm nào từng làm trong lịch sử Mỹ, theo New York Times.
Thay vì chúc mừng người thắng cử và mời người đó tới Nhà Trắng, như người tiền nhiệm Barack Obama cũng từng làm, ông Trump lại phủ nhận kết quả và khởi kiện đồng loạt ở nhiều bang, dù không đưa ra được bằng chứng gian lận.
Ví dụ mới nhất của điều đó là Ngoại trưởng Mike Pompeo, vào ngày 10/11 tuyên bố sẽ “chuyển giao suôn sẻ sang một nhiệm kỳ Trump thứ hai”.
Tổng thống Trump tweet liên tục về gian lận bầu cử, dù chưa đưa ra bằng chứng nào. Ảnh: New York Times. |
Ông Trump cáo buộc gian lận nhưng không có bằng chứng
Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp dưới quyền ông Trump, William Barr, ra chỉ thị cho phép các công tố viên liên bang có thể điều tra cáo buộc gian lận bầu cử, dù phía ông Trump chưa đưa ra bằng chứng.
Ngoài ra, Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) trong chính phủ Mỹ chưa cho phép đội ngũ của ông Biden tiếp cận các ban ngành cũng như quỹ tiền dành cho quá trình chuyển giao. Nhà Trắng vẫn chuẩn bị ngân sách cho năm sau như thể ông Trump sẽ làm tiếp bốn năm.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều lãnh đạo thế giới chúc mừng ông Biden. Nói với các phóng viên, ông Biden gọi cách hành xử của ông Trump sau bầu cử là “nỗi hổ thẹn”, sẽ không có lợi cho ông Trump về lâu dài.
“Tôi phải nói thế nào cho tế nhị đây?”, ông Biden nói. “Như thế này sẽ không tốt cho di sản của ông Trump”.
Theo New York Times, việc ông Trump phủ nhận kết quả như sự tiến xa hơn nữa của những quyết định, phát ngôn gây tranh cãi của ông Trump bốn năm nay.
Bốn năm qua, ông Trump đã bổ nhiệm những người trung thành với mình, đồng thời không giấu giếm sự công kích với giới tình báo, các cơ quan điều tra, truyền thông... Giờ đây, ông chĩa mũi nhọn công kích vào giới chức bầu cử ở các bang.
Trong cả nhiệm kỳ, vị tổng thống luôn tìm cách thuyết phục người ủng hộ tin rằng “chỉ ông Trump mới nói đúng”.
Mặc dù cuộc bầu cử diễn ra mà không có bằng chứng về gian lận, và bỏ phiếu qua thư luôn được coi là bình thường ở những kỳ bầu cử trước, hiện có 70% cử tri Cộng hòa không tin cuộc bầu cử vừa rồi công bằng và tự do - chỉ vì Tổng thống Trump liên tục nói về “gian lận” một cách mơ hồ, theo khảo sát của Politico và Morning Consult.
Nói với New York Times, Michael Abramowitz, giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Freedom House chuyên theo dõi dân chủ trên thế giới, cho rằng khả năng ông Trump đảo ngược được kết quả bầu cử là rất ít. Nhưng bằng việc liên tục nói về gian lận, “ông Trump đang gieo rắc một câu chuyện sai sự thật có thể lan truyền trong nhiều năm, và tiếp tục làm xói mòn lòng tin của công chúng vào hệ thống bầu cử”.
Nhân viên kiểm phiếu ở Philadelphia. Ảnh: New York Times. |
Ông Biden vẫn chuẩn bị nắm quyền
Ông Biden đã bắt đầu tiến trình chuẩn bị mà không cần đợi ông Trump nhận thua. Ông đã lập ra tổ công tác chống dịch Covid-19. Hầu hết lãnh đạo thế giới đã chúc mừng ông Biden, bao gồm những người gần với ông Trump như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Ông Biden tỏ ra không quá lo ngại về sự bất hợp tác của ông Trump, và cho biết có thể thành lập được nội các trước ngày nhậm chức 20/1.
“Chúng tôi đang xúc tiến một cách đều đặn, thành lập đội ngũ trong nội các và Nhà Trắng”, ông Biden nói. “Không gì ngăn cản được chúng tôi”.
Bình luận của Ngoại trưởng Mike Pompeo về “nhiệm kỳ thứ hai” của ông Trump vấp phải phản ứng của giới ngoại giao, theo New York Times.
“Bộ trưởng Pompeo không nên đi theo những đả kích nguy hiểm và vô căn cứ về tính chính danh của cuộc bầu cử tuần trước”, Hạ nghị sĩ Eliot Engel (đảng Dân chủ, bang New York), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết. “Bộ Ngoại giao nên chuẩn bị chuyển giao cho tổng thống đắc cử Joe Biden”.
Trước ông Trump, chỉ có 9 tổng thống đương nhiệm không thể tái đắc cử. Một số tổng thống khác không được đảng của mình tiếp tục đề cử. Có những tổng thống đã bực bội đến mức không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Nhưng chưa tổng thống nào công khai phủ nhận kết quả, gieo hoài nghi về gian lận nhằm đảo ngược kết quả, và cố gây khó dễ cho quá trình chuyển giao như ông Trump hiện tại.
Nhà sử học Richard Norton Smith từng viết tiểu sử Tổng thống Herbert Hoover, một trong 9 người không thể tái đắc cử. Ông Smith cho biết ông Hoover đã tức giận với Franklin D. Roosevelt, người đã đánh bại ông, đến mức hai người không nói gì khi đi chung xe một đoạn trong ngày nhậm chức năm 1933.
“Nhưng ông Hoover, dù có cay đắng với ông Roosevelt... vẫn đi chung xe, vẫn mời ông Roosevelt tới buổi tiệc trà nghi thức vào đêm trước (hôm nhậm chức)”, ông Smith nói. “Họ có thể ghét nhau, nhưng sự thù ghét cá nhân không quan trọng bằng cam kết của họ với tiến trình dân chủ”.
Có những ý kiến so sánh tình hình hiện tại với việc ứng viên Al Gore thúc đẩy việc kiểm phiếu lại ở bang Florida năm 2000 nhằm đảo ngược thế dẫn sát nút của ông George W. Bush.
Nhưng năm đó, ông Gore bị dẫn chỉ vài trăm phiếu. Còn ông Trump năm nay thua ở nhiều bang với cách biệt hàng chục nghìn phiếu - những bang này đều phải đảo ngược thì ông Trump mới có thể thắng cử, và cách biệt như vậy chưa bao giờ bị đảo ngược khi kiểm phiếu lại.