Trước việc Mỹ thường xuyên giúp Philippines và Đài Loan đưa vũ khí ra biển Đông như máy bay chống ngầm P-3C, Trung Quốc tỏ ra tức giận và phát triển sức mạnh vũ khí riêng để chống Mỹ.
Trung Quốc đã tập trung phát triển hệ thống chống tiếp cận/từ chối xâm nhập (A2/AD) từ năm 1996, theo trang tin quốc phòng Defense News (Mỹ).
Theo thông tin báo Thanh niên đây là thời điểm Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm tên lửa nhằm đe dọa Đài Loan, khiến Mỹ phải điều tàu sân bay đến gần vùng lãnh thổ này.
Động thái này khiến Bắc Kinh nổi giận và nỗ lực phát triển vũ khí để chống lại các chiến dịch của quân đội Mỹ, mà có thể gây trở ngại cho Trung Quốc trong tương lai.
Hệ thống vũ khí thuộc loại A2/AD mà Trung Quốc đang phát triển là DF-21D, tên lửa đạn đạo chống tàu chiến (ASBM), Defense News tiết lộ hồi cuối tuần trước.
Việc phát triển tên lửa này đã bước sang giai đoạn vận hành sơ bộ, trong đó tên lửa đã có thể hoạt động ở mức thấp nhất.
DF-21D được cho là “độc nhất vô nhị” vì chưa có quốc gia nào thành công trong việc phát triển tên lửa đạn đạo thông thường mà có khả năng triệt hạ chiến hạm.
Trung Quốc còn được cho là đang phát triển tên lửa và hệ thống phóng tia laser để tiêu diệt vệ tinh Mỹ.
TQ bí mật chế tạo vũ khí "độc" phòng Mỹ trên biển Đông. |
Michael Raska, một học giả thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Singapore, khẳng định Trung Quốc đang phát triển Shenguang, tức “Thần Quang”, là dự án nghiên cứu dùng tia laser năng lượng cao để tạo ra phản ứng hạt nhân hợp hạch ổn định.
Raska cho biết dự án nói trên có thể đem lại hai cái lợi về mặt quân sự cho Trung Quốc: Đó là giúp cải thiện vũ khí nguyên tử nhiệt hạch thế hệ mới của nước này và nâng cấp các chương trình chế tạo vũ khí laser.
Chiến lược phát triển A2/AD của Bắc Kinh được cho là nhằm ép quân đội Mỹ phải hoạt động cách xa hơn nữa lãnh thổ Trung Quốc và cản trở các chiến dịch tấn công của quân Mỹ vào lực lượng trinh sát của Trung Quốc.
Ngoài ra, có thông tin cho rằng Trung Quốc cũng đang phát triển hệ thống radar có khả năng phát hiện và bắn hạ máy bay tàng hình, bao gồm radar sóng mét và radar vượt đường chân trời, Defense News cho biết.
Động thái này của Trung Quốc diễn ra giữa lúc quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản, Philippines càng thêm gắn bó. Gần đây nhất, Mỹ đã đưa các máy bay chồng ngầm của mình ra khu vực biển Đông. Theo thông tin từ Hải quân Philippines những máy bay chống ngầm này nằm trong kế hoạch "trợ sức" của quân đội Mỹ dành cho Philippines. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ giúp Philippines, trước đó Mỹ cũng có kế hoạch đưa thêm quân vào các căn cứ quân sự tại Philippines, đặc biệt là hiện diện trở lại căn cứ quân sự Subic, cách bãi cạn Scarborough - nơi xảy ra tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc chưa đầy 200km.
Gần đây nhất Philippines và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung trên biển Đông. Cuộc tập trận có sự tham gia khoảng 2.300 lính thủy đánh bộ của hai nước tại căn cứ hải quân ở tỉnh Zambales, bờ biển phía tây đảo Luzon, hướng ra Biển Đông. Hoạt động kéo dài trong ba tuần từ 18/9 đến 10/10 này có sự tham gia của hai chiến hạm Mỹ. Hàng loạt buổi diễn tập bắn đạn thật và huấn luyện kỹ năng sinh tồn trong rừng sẽ được tiến hành.
Đối với Nhật Bản, Trung Quốc từ lâu đã nghi ngờ về lợi ích của Mỹ trong cuộc tranh chấp vì hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật cho phép Mỹ can thiệp để bảo vệ đồng minh trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ do Nhật quản lý.
Mỹ cũng duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể tại Nhật Bản, trong đó có các căn cứ quân sự trên đảo Okinawa, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Gần đây, Trung Quốc đã tỏ rõ quan điểm không muốn Mỹ can dự vào tranh chấp của Trung Quốc trên biển Đông cũng như biển Hoa Đông.
Mọi nỗ lực đang ở mức đàm phán thì Trung Quốc thêm bực tức khi Mỹ bán máy bay chống ngầm P-3C Orion cho Đài Loan. Hàng loạt hành động của Mỹ với các đồng minh khiến Trung Quốc cũng phải bí mật phát triển hệ thống quốc phòng để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Bài báo trên báo Thanh niên còn cho biết thêm, hiện Trung Quốc đang có một hệ thống hầm ngầm khổng lồ dưới lòng đất, với tổng chiều dài gần 5.000 km, được cho là nơi cất giữ vũ khí hạt nhân của quân đội nước này.
Theo báo cáo của ĐH Georgetown (Mỹ), hệ thống trên trải dài gần như toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc với độ sâu và quy mô khác nhau và một số cửa vào tại Nam Dương thuộc tỉnh Hà Nam hoặc Côn Minh ở tỉnh Vân Nam.
Giới phân tích quân sự nhận định chiến lược phát triển A2/AD và nâng cấp radar của Trung Quốc sẽ khiến chiến đấu cơ tàng hình F-22 và siêu máy bay ném bom tàng hình B-2 khó có thể tiếp cận hệ thống ngầm của quốc gia này.
Defense News cho biết kỹ sư Noshir Gowadia, người bị Mỹ kết án năm 2010, của tập đoàn quốc phòng Northrop Grumman (Mỹ) đã cung cấp công nghệ phát triển tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại có khả năng định vị mục tiêu, chuyên dùng để chống B-2, cho Trung Quốc.
Ngoài ra, Noshir Gowadia còn được cho là đã cung cấp thông tin cho phép Bắc Kinh phát triển hệ thống tên lửa hành trình tín hiệu thấp.