Sau vụ việc nghi thực phẩm bẩn vào trường Mầm non xã Thanh Khương, ngày 6/3, UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu dừng việc nấu ăn bán trú tại 19 trường do công ty TNHH Đầu tư Tài chính Hương Thành cung cấp thực phẩm.
Mới đây, các trường đã nấu ăn trở lại từ một đơn vị cung cấp đảm bảo an toàn, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào.
Công ty Hương Thành gỡ biển hiệu, chuyển địa điểm
Trao đổi với Zing.vn, một cán bộ thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm liên huyện cho hay, công ty Hương Thành có trụ sở ở TP Bắc Ninh, do ban quản lý an toàn thực phẩm tỉnh cấp phép. Theo kế hoạch, định kỳ mỗi đơn vị sẽ được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm một lần kể cả phía trường học cũng như công ty cung ứng thực phẩm.
Trước đây công ty này từng thành lập một chi nhánh ở xã Xuân Lâm (huyện Thuận Thành) để tiện giao thực phẩm cho các trường.
Tuy nhiên, khi phóng viên tìm đến công ty có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 57, đường Lê Chân, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh thì thấy ngôi nhà cao tầng đã khóa cửa, biển hiệu gỡ. Trước đó, phóng viên cũng tìm cách liên lạc với công ty này nhưng không nhận được hồi âm.
Theo ghi nhận, công ty Hương Thành đã gỡ biển hiệu và chuyển địa điểm đi nơi khác. Ảnh: Q.Q. |
Huyện Thuận Thành có 26 trường học thực hiện ăn bán trú, trong đó 19 trường bao gồm cả mầm non và tiểu học ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với công ty Hương Thành từ đầu năm học 2018.
Không có sự ưu ái?
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, TP Hà Nội đặt câu hỏi băn khoăn: Tại sao doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho 19 trường tại huyện Thuận Thành lại là một công ty đầu tư tài chính? Trong khi đó, việc cung cấp thực phẩm cho trường học phải lấy nguồn từ các công ty thực phẩm, các nhà hàng, siêu thị...
Đồng thời, luật sư Đặng Văn Cường đề nghị làm rõ các hợp đồng và những vấn đề liên quan để tìm ra sai phạm, xử lý đúng pháp luật, đảm bảo môi trường giáo dục trong sạch.
Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 18/3, ông Lê Văn Nho, Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, cho hay huyện đã đình chỉ Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương là bà Cao Thị Hòe và Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Tuân để điều tra.
Theo lãnh đạo huyện Thuận Thành, khi nắm bắt thông tin, địa phương đã giao cho Ban an toàn thực phẩm của tỉnh, Đội an toàn thực phẩm liên huyện xuống cơ sở lấy mẫu, phối hợp với công an mang mẫu thức ăn đi xét nghiệm.
Tại sao doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho 19 trường tại huyện Thuận Thành lại là một công ty đầu tư tài chính? Trong khi đó, việc cung cấp thực phẩm cho trường học phải lấy nguồn từ các công ty thực phẩm, các nhà hàng, siêu thị...
Luật sư Đặng Văn Cường
Trước câu hỏi, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Hương Thành - nơi nghi cung cấp thịt lợn bị sán gạo mới thành lập chưa lâu tại sao lại được cung cấp thức ăn cho 19 trường, ông Lê Văn Nho khẳng định không có sự ưu ái nào cho công ty này.
Theo ông Nho, việc giao nhận thực phẩm được nhà trường được tự chủ. Hiệu trưởng được phép lựa chọn đơn vị cung ứng để ký hợp đồng và có đủ tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước Ủy ban huyện. Vấn đề này, huyện đã giao cho Phòng GD&ĐT giám sát.
Ông Nho cũng cho biết thêm ông chưa nhận được hồ sơ năng lực của công ty TNHH Hương Thành.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Mây, Phó hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Khương, cho hay Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Hương Thành cung cấp thực phẩm cho trường từ đầu năm học. Ban giám hiệu đã họp bàn và thống nhất chọn đơn vị này.
Trước bức xúc của người dân về sự chậm trễ của chính quyền trong việc cho trẻ đi khám, ông Lê Văn Nho bày tỏ, không nhận được văn bản đề nghị nào cả. Nếu có huyện sẽ tổ chức họp và xử lý ngay.
Đồng thời lãnh đạo huyện khẳng định, sự việc khiến phụ huynh không yên tâm đưa trẻ đến trường, mất tin tưởng vào bếp ăn bán trú là nghiêm trọng. Khi nào có kết quả xử lý, cơ quan chức năng sẽ làm nghiêm theo pháp luật.
Việc truy xuất thực phẩm gặp khó khăn
Mới đây, Ban quản lý An toàn thực phẩm vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, Cục An ninh thực phẩm, Bộ Y tế về vấn đề bữa ăn bán trú tại trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành.
Theo đó, đơn vị này đã tiếp tục truy xuất nguồn gốc thực phẩm thịt lợn cung cấp cho trường mầm non Thanh Khương ngày 14/2 và ngày 20/2. Kết quả cho hấy hai ngày này đều sử dụng thịt lợn từ hai cơ sở.
Văn bản truy xuất thịt lợn trong hai ngày 14/2 và 20/2. Ảnh: Q.Q. |
Thứ nhất thực phẩm dùng từ hộ kinh doanh Hoàng Thị Hải (xã Trí Quả). Cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản Bắc Ninh cấp ngày 10/2/2017. Kết quả truy xuất nguồn gốc tại hộ kinh doanh này cho trong ngày 14/2 và 20/2 mua của hộ kinh doanh Phạm Thị Hạnh (xã Trí Quả). Cơ sở này cũng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thịt lợn.
Ngoài ra thực phẩm còn được dùng từ hộ kinh doanh Trần Văn Đát (Gia Lâm, Hà Nội) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cấp ngày 16/8/2018.
Đối với hộ kinh doanh trên hiện Ban quản lý An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hà Nội, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm Thủy sản tại Hà Nội tiếp tục điều tra, truy xuất nguồn gốc theo quy định.
Cán bộ thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm liên huyện Thuận Thành cho biết, trong việc kiểm tra nguồn gốc thực phẩm đầu vào, Ban quản lý An toàn thực phẩm của huyện sẽ kiểm tra nhà xưởng, trang thiết bị, phân chia thực phẩm, kiến thức và sức khỏe của con người.
Công việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm sẽ bao gồm hệ thống ghi chép của các đơn vị. Tuy nhiên thực hiện được điều này còn nhiều khó khăn khi các cơ sở có thể không ghi chép đầy đủ. Họ nói lấy thực phẩm của đơn vị này nhưng khi kiểm tra chéo lại không phải. Để thực hiện, các đơn vị quản lý phải có nghiệp vụ điều tra.