Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ 'Hai máy bay suýt đụng nhau': Những con số tréo ngoe

Nếu đúng hai máy bay cách nhau chỉ 60m, điều gì sẽ xảy ra? Để suýt đụng nhau, tốc độ của trực thăng phải lên đến 4.628 km/h, trong khi chiến đấu cơ siêu thanh chỉ hơn 3.000 km/h.

Hai máy bay suýt đụng nhau trên vùng trời Tân Sơn Nhất

Khi chiếc Airbus A321 đang ở độ cao khoảng 152 m thì tổ lái quan sát thấy một máy bay trực thăng quân sự cắt ngang phía trước. Lúc này hai máy bay chỉ cách nhau 60 m.

Đọc những con số trong báo cáo của ông Đinh Việt Thắng, Tổng Giám đốc VATM, trình ông Đỗ Quang Việt, người ta không khỏi hết hồn: máy bay dân sự Airbus A321 (có thể chở hơn 200 hành khách), bay cách trực thăng quân sự Mi 172/423 chỉ có 60 mét.

Khoảng cách 60 mét với người đi bộ, hay với xe khách, xe ôtô, thì chẳng là gì cả, nhưng với hai máy bay, tốc độ hàng trăm km/h, thì quả thật là một điều kinh khủng!

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ những con số của báo cáo, sẽ thấy sao lại “tréo ngoe” đến thế.

Một chiếc Airbus A321 - Ảnh: airbus.com
Một chiếc Airbus A321 - Ảnh: airbus.com

Con số tréo ngoe thứ nhất: hai máy bay cách nhau 60m!

Theo báo cáo, máy bay Airbus 321 của Hàng không Việt Nam Airline (VNA) khởi hành từ TP.HCM đi Huế, sau khi cất cánh, tổ lái phát hiện có máy bay cắt ngang ở độ cao 1000 feet (304 m) gây uy hiếp an toàn bay.

Theo đại diện VNA, khi máy bay Airbus 321 đang ở độ cao 500 feet (khoảng 152 m) thì tổ lái quan sát thấy một máy bay trực thăng cắt ngang phía trước, theo nhận định của tổ lái, lúc này hai máy bay cách nhau khoảng 200 feet (khoảng 60 m).

Airbus 321 bay ở độ cao 152 m, máy bay trực thăng bay ở độ cao 304 m, thì khoảng cách gần nhất chỉ xảy ra khi hai máy bay “đội đầu” nhau, khoảng cách “đội đầu” gần nhất đó chỉ bằng 304 - 152 = 152m!

Vụ máy bay suýt đụng nhau diễn ra thế nào?

Ít giây sau khi cất cánh, chiếc Airbus A321 của Vietnam Airlines bị trực thăng quân sự bay cắt mặt. Tình huống nguy hiểm được nhận định có thể do chỉ huy quân sự thiếu quan sát.

Con số tréo ngoe thứ hai: máy bay trực thăng có tốc độ 4.600 km/h?

Cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, theo hướng đông tây, Airbus 321 phải bay về phía tây. Theo báo cáo, máy bay A321 phát hiện trực thăng cắt ngang khi đang ở độ cao 152 m.

Tốc độ nâng độ cao thông thường của máy bay dân dụng nhỏ nhất là 5 m/giây. Khi máy bay A321 đạt độ cao 152 m, thì thời gian bay tính từ khi cất cánh chỉ là 152 m/(5 m/giây) = 30 giây.

Với tốc độ khi cất cánh của máy bay dân sự thường là 250 km/h, thì sau 30 giây, máy bay mới rời sân bay 2 km (250 km/h x (30/3600) giờ = 2,08 km).

Máy bay A321 phát hiện máy bay trực thăng cắt ngang khi mới rời sân bay Tân Sơn Nhất chỉ 30 giây, mới cách sân bay 2 km, tức là ngay trên vùng trời quận Tân Phú, TP.HCM.

Sau khi máy bay A321 cất cánh được 9 giây, thì máy bay trực thăng được lệnh cất cánh từ sân bay Biên Hòa. Tức là chỉ với 21 giây (30 giây - 9 giây), máy bay trực thăng đã kịp vọt từ sân bay Biên Hòa, đến chắn ngang máy bay A321 đang ở gần Tân Sơn Nhất.

Trực thăng đã vượt khoảng cách từ sân bay Biên Hòa đến Tân Sơn Nhất 25 km, cộng thêm 2 km máy bay Airbus đã bay, tổng cộng 27 km, chỉ trong 21 giây.

Vậy thì, tốc độ của máy bay trực thăng Mi 172 là (25 km + 2 km)/21 giây = 27 km/(21/3600) giờ = 4.628 km/h.

Những máy bay chiến đấu siêu thanh hiện đại nhất hiện nay cũng chỉ có tốc độ hơn 3.000 km/h, trong khi Cục Hàng không Việt Nam “hô biến” cho loại máy bay trực thăng dòng Mi 172 của Nga, với tốc độ tối đa chỉ 250 km/h, thành máy bay “siêu siêu thanh” 4.628 km/giờ!

Thật là những con số không hiểu nổi.

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20141121/vu-hai-may-bay-suyt-dung-nhau-nhung-con-so-treo-ngoe/675051.html

Theo TS Nguyễn Bách Phúc / Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm