Sau khi Zing.vn phản ánh hàng loạt cầu, cống chui qua cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi xảy ra sự cố thấm dột nước mưa, 3 ngày qua, nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) huy động nhóm công nhân dọn vệ sinh trần cầu chui VD09B và cống chui dân sinh ở km106 + 730 (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn).
Nhà thầu đã tập kết bình gas, oxy đến công trường; lắp dựng giàn giáo thu dọn những đống bê tông nhựa ùn ứ còn vương vãi ở khu vực tiếp giáp giữa mố và trần cầu chui cao tốc. Các đơn vị thi công cũng đưa xe đào, xe múc đến khu vực này san ủi những vũng nước ngập trong bùn lầy tại cầu chui VD09B ở địa phương này.
Theo các kỹ sư nhà thầu Giang Tô, sau khi hoàn thành khâu dọn vệ sinh, họ sẽ bắt đầu xử lý sự cố thấm dột triệt để cho các cầu, cống chui theo phương án từ bên dưới lên.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, nơi người dân phát hiện nhiều cây cầu, cống xảy ra hiện tượng thấm dột . Ảnh: Minh Hoàng. |
Truy tìm nguyên nhân gây ra thấm dột cao tốc
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, chuyên gia cầu đường ở Quảng Ngãi, cho biết về nguyên tắc, khi xảy ra sự cố thấm dột ở các cây cầu, cống chui cao tốc, cơ quan chức năng tổ chức giám định công trình.
Vị này đề xuất Cục giám định Nhà nước cần vào cuộc truy tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục, sau đó nhà thầu mới tiến hành sửa chữa. Khi chưa làm rõ nguyên nhân thì nhà thầu không được phép tùy tiện xử lý.
"Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 34.500 tỷ đồng mới đưa vào khai thác hơn 1 tháng mà hàng loạt cầu, cống bị thấm dột là khó thể tin nổi. Sự cố thấm dột xảy ra tràn lan mang tính hệ thống như vậy có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ công trình", ông Ngân nói.
Theo vị chuyên gia này, nước mưa ứ đọng phía trên mặt cầu lan ra đến vị trí có khe nứt và thấm xuống. Nếu nhà thầu chỉ trám, bịt khe nứt từ phía dưới thì nước đọng phía trên không thoát được lâu ngày sẽ làm hư hỏng lớp bê tông nhựa phía trên.
Nước mưa thấm dột lâu ngày tạo mảng rêu xanh ở cầu chui VD09B thuộc gói thầu A3, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng. |
Với lớp bê tông cốt thép, nước làm gỉ sét và tuổi thọ lớp bê tông cốt thép giảm. Do vậy, nhà thầu phải bóc rộng lớp bê tông nhựa trên mặt cầu, cống chui, đục rộng phần bê tông xi măng bị lỗi cho lộ cốt thép hoàn toàn và đổ bê tông lại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất công trình mới đưa vào khai thác hơn 1 tháng đã phát sinh hư hỏng thì cần giám định, khảo sát khoan địa chất xuống nền đường 1- 2 m để lấy mẫu phân tích tìm ra lỗi để có giải pháp khắc phục phù hợp.
"Bong tróc mặt đường do chất lượng bê tông nhựa không đảm bảo. Sự cố thấm dột ở các cây cầu, cống chui cao tốc ở các khe, mối nối là do thi công ẩu. Nếu nước mưa thấm xuyên qua nền đường xuống trần cầu, cống chui thì cần phải đục, bóc sạch lớp bê tông nhựa bên trên thay mới thì xử lý thấm dột mới hiệu quả", ông Đực đề xuất.
Về vấn đề này, PGS - TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình (Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội), nhận định chất lượng bê tông nhựa cao tốc không tốt nên nước mưa mới thấm xuống trần cầu, cống chui cao tốc.
"Tôi xem và nghe các cơ quan báo chí phản ánh các đơn vị thi công đổ xà bần làm nền đường cao tốc thật sự khó tưởng tượng được. Họ làm thế là quá bậy, đường cao tốc mà làm như thế thì hỏng hết. Rõ ràng chất lượng cao tốc có nhiều vấn đề thì mới hư hỏng nhanh vậy", ông Cậy phân tích.
Nhóm công nhân nhà thầu Giang Tô(Trung Quốc) dựng giàn giáo khắc phục sự cố thấm dột ở cầu chui cao tốc VD09B đoạn qua thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung(huyện Bình Sơn). Ảnh: Minh Hoàng. |
Sai sót lớn... khó thể chấp nhận
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay các Bộ, ngành Trung ương đang thanh tra dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
"Cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc để xác định rõ nguyên nhân, truy trách nhiệm xử lý các bên liên quan để xảy ra hư hỏng, thấm dột ở cao tốc này. Kết quả thanh tra, các Bộ, ngành cần công khai rộng rãi cho dư luận biết. Trước mắt, các nhà thầu phải tập trung khắc phục, xử lý dứt điểm những vị trí cao tốc hư hỏng, thấm dột nhằm tạo niềm tin người dân", bà Vân nói.
Trước thông tin Zing.vn phản ánh tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có gần 20 cầu, cống chui xảy ra sự cố thấm dột nước mưa, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư huyện Bình Sơn cho hay khó thể tin đó là sự thật.
"Công trình lớn của quốc gia mới đưa vào khai thác hơn 1 tháng mà thấm dột hàng loạt cầu, cống như thế là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhân dân. Tôi không hiểu tại sao có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trình độ cao hùng hậu thi công, giám sát công trình nhưng để xảy ra sai sót lớn ở cao tốc này là khó thể chấp nhận", bà Thư nói.
Bí thư huyện Bình Sơn kiến nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm để làm gương cho các công trình khác trong cả nước.
Địa phương đã lập đoàn công tác giám sát nhà thầu khắc phục sự cố thấm dột, hỏng đường cao tốc nhằm tránh tình trạng sửa chữa "qua loa, hình thức". Huyện tiếp tục rà soát những tồn tại liên quan đến cao tốc này báo cáo cơ quan chức năng can thiệp yêu cầu nhà thầu khắc phục dứt điểm nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân.
Ông Phạm Đình Khối, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho rằng không thể chấp nhận kiểu thi công, giám sát cao tốc gian dối để xuất hiện "ổ voi, ổ gà" và gần 20 cầu, cống chui bị thấm dột nước mưa sau 1 tháng công trình đưa vào khai thác.
"Tôi tin sau chương trình họp lần này, Quốc hội sẽ tổng hợp ý kiến các đại biểu, tập trung giám sát làm rõ sai phạm ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dứt khoát phớt lờ dư luận là không được đâu, nếu không khắc phục dứt điểm hư hỏng cao tốc thì người dân phải gánh hậu quả lâu dài, đặc biệt các địa phương miền Trung phải chịu thiệt thòi", ông Khối chia sẻ.