Marlise Munoz - một phụ nữ tại thành phố Fort Worth, bang Texas, Mỹ - đột nhiên gục ngã do tắc mạch phổi khi cô chuẩn bị chăm sóc đứa con trai đầu lòng tại nhà riêng vào ngày 26/11 năm ngoái.Vốn là một nhân viên y tế, anh chồng Erick đã kịp thời cứu vợ. Nhưng ngay sau đó Marlise hứng chịu một cơn đau tim và lại ngừng thở. Khi xe cứu thương đưa người phụ nữ 33 tuổi tới bệnh viện John Peter Smith trong thành phố, cô đã hôn mê, Wall Street Journal đưa tin.
Sau khi bệnh viện thông báo não của Marlise đã chết, Erick Munoz, chồng của cô, muốn các bác sĩ ngừng hỗ trợ sự sống cho vợ, bởi đó là ý nguyện của Marlise.
"Vợ tôi từng nói rằng cô ấy không muốn sống thực vật", Erick kể.
Nhưng khi Marlise đột quỵ, cô đang mang thai 14 tuần. Luật pháp bang Texas quy định rằng bác sĩ phải tìm mọi cách để duy trì sự sống cho phụ nữ nếu họ mang thai. Vì thế bệnh viện từ chối yêu cầu của Erick. Gia đình thai phụ bất hạnh quyết định kiện bệnh viện John Peter Smith.
Luật sư của Erick đã trình các bằng chứng y khoa cho thấy thai nhi trong bụng Marlise phát triển không bình thường.
Anh Erick Munoz, chị Marlise Munoz và con trai của hai người trong một ảnh trên Facebook. Đứa bé mới 13 tháng tuổi khi thảm kịch xảy ra với mẹ của em. Ảnh: Facebook. |
Trong một phán quyết hôm 24/1, Thẩm phán R.H. Wallace nói rằng bệnh viện John Peter Smith phải tháo ống thở và các thiết bị hỗ trợ sự sống khác ra khỏi cơ thể cô Marlise trước 5h chiều ngày 27/1, AP cho hay.
"Bệnh viện đã áp dụng sai luật, bởi Marlise Munoz đã chết nên chúng ta không thể coi cô ấy là thai phụ nữa", Wallace giải thích.Các luật sư của bệnh viện John Peter Smith chưa thông báo về việc họ sẽ kháng quyết định của thẩm phán Wallace hay không. Mặc dù vậy, các tổ chức chống phá thai và bảo vệ quyền sống đang theo dõi sát sao vụ việc.
"Thẩm phán Wallace đã không quan tâm tới lợi ích của đứa trẻ trong bụng cô Marlise. Nó cũng là một bệnh nhân. Chúng tôi tin rằng mục đích của luật là bảo vệ sinh mạng của những thai nhi ở mức độ cao nhất", Liên minh Vì sự sống Texas tuyên bố.
Các tổ chức chống phá thai cũng lên tiếng.
"Thảm kịch đáng buồn này cho thấy những hậu quả của việc can thiệp vào quyết định y tế của các gia đình", Heather Busby, giám đốc điều hành của tổ chức bảo vệ quyền sinh sản NARAL Pro-Choice Texas, bình luận.
Văn phòng Thống đốc Rick Perry dùng từ "bi thảm" để mô tả trường hợp của Marlise. Nhưng khi phóng viên hỏi quan điểm của Perry, người phát ngôn của Văn phòng Thống đốc - bà Lucy Nashed - nói rằng đó là vấn đề của tòa án.