Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Zing.vn đặt câu hỏi tới đại diện Bộ KHĐT việc một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD.
Rà soát lại quy định thì thấy một cá nhân nào cũng có thể khai báo mức vốn điều lệ bất kỳ, sau đó nếu không góp đủ chỉ bị phạt vài chục triệu đồng. Qua vụ việc mới thấy đây là kẽ hở của hệ thống đăng ký doanh nghiệp.
"Quan điểm của Bộ KHĐT về vụ việc này như thế nào? Có cần thiết phải sửa quy định để tránh các hệ lụy có thể xảy ra hay không?", câu hỏi nêu.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: S. Hà. |
Trả lời, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng là đúng quy định nên không có lý do gì để cơ quan chức năng không cấp phép. Tuy nhiên, ông đánh giá quy mô vốn này là bất thường.
Cơ quan đăng ký kinh doanh đã vừa một mặt tôn trọng quyền của doanh nghiệp, vừa phối hợp cơ quan liên quan để giám sát, theo dõi việc nộp đủ tiền đã cam kết trong 90 ngày.
“Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát doanh nghiệp. Nếu có việc sửa đổi hồ sơ hay đăng ký lại thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định”, ông Phương nói.
Thứ trưởng Bộ KHĐT cũng cho biết nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ, rất cần các doanh nghiệp lớn. Các con số đăng ký với số vốn lớn thì các cơ quan đăng ký kinh doanh cũng phải làm quen dần. Tuy nhiên, với cơ chế hậu kiểm, các bộ cần nâng cao tinh thần hậu kiểm hơn nữa, tránh trường hợp việc đăng ký của doanh nghiệp do vô tình hay cố ý mà có thể chưa đúng quy định, ảnh hưởng theo dõi, quản lý.
"Đây là bài học quý giá, chúng tôi cũng phải xem lại cơ chế hậu kiểm. Cũng phải chuẩn hóa đơn vị tiền tệ đăng ký kinh doanh, giúp tạo thuận tiện để xác định đúng số tiền”, ông nói.
Theo ông, cơ quan chức năng vừa tăng cường giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp, vừa tăng cường hướng dẫn của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trước đó, đại diện Cục Đăng ký kinh doanh cho biết doanh nghiệp này thành lập ngày 17/1 và có trụ sở chính tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Doanh nghiệp này đăng ký 59 ngành nghề kinh doanh, với vốn đăng ký là 144.000 tỷ đồng (tương đương 6,3 tỷ USD).
Doanh nghiệp có 3 cổ đông sáng lập là bà Kim Thị Phương (thuyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%). Ông Nguyễn Hoàn Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) góp 57.600 tỷ đồng chiếm 40% vốn điều lệ. Cổ đông thứ ba là ông Trần Gia Phong (huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%).
Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông sáng lập của doanh nghiệp nói trên, cho biết bà không có tiền và cũng chưa đóng góp một đồng vốn nào.
Theo Nghị định 50/2016, phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lập hồ sơ dự án đầu tư không trung thực, không chính xác để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư.