Vụ dâm ô trong thang máy: Đám đông cuồng nộ có đem lại công lý?
Dư luận lên tiếng mạnh mẽ để vụ việc không bị "chìm xuồng" là cần thiết, nhưng sẽ không công bằng nếu chĩa mũi dùi công kích vào gia đình ông Nguyễn Hữu Linh.
Đầu năm 2012, nước Mỹ xôn xao vì hành vi ấu dâm với 8 trẻ em nam của huấn luyện viên bóng bầu dục đáng kính Jerry Sandusky (Đại học Penn State). Thủ đoạn của Sandusky là mỗi lần đưa một hay hai cậu bé về nhà, chăm sóc như con rồi sau đó lạm dụng tình dục.
Dư luận vô cùng phẫn nộ với hành vi của Sandusky. Nhưng đồng thời, vợ của Sandusky là bà Dorothy cũng hứng chịu búa rìu chỉ trích dù là người ngoài cuộc và không hề có tội.
Có tội, độc ác, hay bàng quan là những từ công chúng dùng để chỉ trích bà Dorothy. Những lời buộc tội xoay quanh mấy điểm: Tại sao chồng bỗng dưng đưa mấy đứa trẻ về nhà để chăm sóc mà bà không có ý kiến hay mảy may nghi ngờ? Chuyện xâm hại diễn ra ngay trong nhà thì làm sao bà lại không biết? Sao bà không cảm nhận được ham muốn tình dục bất thường của chồng?
Đám đông thì nhiệt thành, nhưng nhiệt thành ấy có mang lại công lý hay không lại là chuyện khác.
Trong nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, công chúng đôi khi quá phẫn nộ, muốn trút giận lên cả gia đình và người thân của người phạm tội. Một tâm lý khác là sốt ruột khi tiền lệ bản án dành cho kẻ có tội những vụ án tương tự còn quá nhẹ; nhiều người chĩa mũi dùi vào gia đình kẻ có tội, cho mình quyền "thay trời hành đạo".
Chuyên gia tâm lý học người Mỹ Seth Meyers đã nhận định về vụ lạm dụng tình dục trẻ em của HLV Sandusky: “Những kẻ ấu dâm, hay nói đúng hơn là những kẻ có tội, mới đáng bị lên án chứ không phải vợ hay gia đình họ”.
Xã hội Việt Nam cũng đang dậy sóng với vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy ở TP.HCM. Hai chữ "Ấ Dâm" (ấu dâm) viết lên cổng nhà ông Linh cho thấy sự phẫn nộ với hành vi của người đàn ông 61 tuổi.
Dư luận lên tiếng mạnh mẽ để vụ việc này không bị "chìm xuồng" là cần thiết. Nhưng sẽ hoàn toàn không công bằng nếu đám đông chĩa mũi dùi công kích vào người thân và gia đình ông Linh.
Điều dư luận trông chờ
Những người viết chữ lên cánh cổng hay xịt sơn, ném mắm thối vào nhà ông Linh rất có thể sẽ lý giải hành động của mình xuất phát từ nỗi bức xúc trước hành vi dâm ô đối với bé gái.
Có thể họ sẽ nói rằng mình mất kiên nhẫn vì cơ quan công quyền vẫn chưa khởi tố ông Linh. Cũng có thể dư luận đang lo sợ hành vi này cũng sẽ chỉ bị chịu mức phạt 200.000 đồng như anh chàng “cưỡng hôn” cô gái trong thang máy trước đó không lâu.
Những kẻ ấu dâm hay nói đúng hơn là những kẻ có tội, mới đáng bị lên án, không phải vợ hay gia đình họ
Xét trên phương diện cảm xúc, đám đông không hề sai. Thế nhưng, đứng trên góc độ luật pháp, những hành động trên của đám đông đối với nhà ông Linh rõ ràng là không đúng.
Trong bối cảnh đó, điều dư luận đang trông chờ là cơ quan công quyền cần nhanh chóng kết luận có đủ chứng cứ để truy tố ông Linh không.
Nếu có tội, đương nhiên ông Linh phải bị xử lý theo luật pháp. Trong trường hợp luật pháp Việt Nam xử tội quấy rối trẻ em còn nhẹ, chưa thỏa đáng với khái niệm công lý của nạn nhân, thì các nhóm trong xã hội có thể vận động để thay đổi.
Nhờ đám đông gây sức ép nên công lý mới được thực thi? Đúng, và điều này đã có tiền lệ. Ví dụ như vụ ông Nguyễn Khắc Thủy dâm ô bé gái ở Vũng Tàu. Chỉ đến khi công luận vào cuộc, đám đông bày tỏ sự bất bình bằng nhiều hình thức, bản án dành cho ông Thủy mới tăng lên 3 năm tù giam từ án treo 18 tháng.
Công lý đám đông
Nhưng cũng không ít lần, tâm lý đám đông, quy chụp tội lỗi chính là nguồn cơn của bi kịch.
Tại Long An tháng 2 vừa rồi, một người cha bị tước mạng sống cũng bởi đám đông. Trong khi chơi ở công viên, do con trai không chịu về nhà nên người cha kéo tay và nạt đứa nhỏ. Một người phụ nữ bán vé số dạo thấy vậy, hô hoán “bắt cóc trẻ em”.
Ngay lập tức, một số thanh niên gần đó lao đến “ứng cứu”. Thay vì để người cha giải thích, nhóm người đánh đập rồi rút dao đâm chết anh.
Giữa năm 2018, trên WhatsApp - ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Ấn Độ với 200 triệu người dùng - lan truyền đoạn video quay cảnh một đứa trẻ bị cắt rời các bộ phận cơ thể và một giọng nói kêu gọi người xem chuyển tiếp video này cho người khác, đồng thời cảnh báo đề phòng những kẻ bắt cóc đang hoành hành ngoài xã hội. Đây thực tế chỉ là đoạn phim được cắt ghép, không có thật.
Tuy vậy, những người dân ít lên mạng ở Ấn Độ không phân biệt được đâu là tin giả. Với sự phẫn nộ vốn đã có sẵn trong người bởi hình phạt không thích đáng dành cho thủ phạm trong những vụ cưỡng hiếp tập thể và bắt cóc trẻ em, người dân tiếp tục bị kích động rất mạnh bởi thông tin giả đó và tấn công bất kỳ ai mà họ nghi là kẻ bắt cóc. Khoảng 20 người đã bị đám đông đánh đập tới chết chỉ trong khoảng bốn tháng, trong đó có một cụ bà 65 tuổi và một nhân viên kỹ thuật của Google.
Trong năm 2018, có hơn 4.200 người bị giết ở Gauteng (một trong những tỉnh lớn nhất Nam Phi), trong đó hơn 80% bị đám đông ném đá, thiêu sống hoặc đánh đến chết do bị nghi ngờ ăn cắp hoặc hiếp dâm. Người dân không tin vào cảnh sát và cũng không tin luật pháp có thể trừng trị thích đáng những kẻ phạm tội nên tự mình ra tay. Đám đông ra tay nên việc truy cứu trách nhiệm khi có hậu quả là rất khó.
Không phải chịu hình phạt nào, nếu có cũng rất nhẹ nên “công lý đám đông” phát triển ở Nam Phi và châu Phi nói chung. Trong nghiên cứu về công lý và tâm lý đám đông ở châu Phi năm 2014, TS Emmanuel Yeboah-Assiamah (Đại học Stellenbosch, Nam Phi) chỉ ra rằng nguyên nhân của công lý đám đông chủ yếu là do sự thiếu tin tưởng vào pháp luật, tòa án, cảnh sát.
Không một xã hội pháp quyền nào để công dân của mình tự tay thực thi luật lệ.
Theo nhiều nhà triết học, con người tiến hóa lên văn minh là nhờ “khế ước xã hội”: Những nhóm mâu thuẫn hoang dại quyết định thương lượng để xây dựng luật pháp, sao cho tự do của anh không xâm phạm đến tự do của tôi.
Luật pháp là một thành tựu lớn của loài người. Ngày nay xã hội trở nên rất phức tạp, việc thực thi luật pháp còn nhiều vấn đề, và luật pháp đương nhiên có thể thay đổi.
Thế nhưng, không một xã hội pháp quyền nào để công dân của mình tự tay thực thi luật lệ.
TS Gema Santamaría (Đại học Harvard) đã đúc kết trong một bài viết: Công lý đám đông không phải là một biện pháp đẩy lùi tội phạm cũng như bảo vệ quyền công dân. Nó chỉ thể hiện sự yếu kém của bộ máy pháp quyền.