Những ngày qua, các tổ chức phòng chống tự tử đã bày tỏ sự bàng hoàng về vụ việc tại thành phố Zama sau khi một thanh niên 27 tuổi tên Takahiro Shiraishi thừa nhận đã giết 9 người kể từ cuối tháng 8. Cảnh sát nói nghi phạm quen 9 nạn nhân qua Twitter và ra tay sát hại sau khi đưa họ về căn hộ của anh ta với lời đề nghị giúp họ tự tử.
Trong lúc nhiều tổ chức phi lợi nhuận tại Nhật Bản đang kêu gọi tăng cường các nỗ lực để ngăn chặn tự tử, vụ 9 thi thể cùng được phát hiện tại một căn hộ một lần nữa cho thấy thông tin về việc chấm dứt cuộc sống của một người có thể dễ dàng lan truyền trên mạng và gây ra những hiểm họa như thế nào.
Bên nhà căn hộ của Takahiro Shiraishi, nơi cảnh sát Nhật phát hiện 9 thi thể không còn nguyên vẹn được giữ trong thùng đá. Ảnh: Sankei. |
12.000 cuộc gọi mỗi năm
Một trung tâm phòng chống tự tử ở Tokyo, nơi có đường dây nóng vào ban đêm, cho biết họ liên tục nhận được các cú điện thoại từ 8 giờ tối khi đường dây bắt đầu hoạt động. Mỗi năm, họ nhận khoảng 12.000 cuộc gọi.
Toru Igawa, người đứng đầu ban thư ký của trung tâm, nói rằng họ cố gắng luôn sẵn sàng trong những khoảng thời gian mà người gọi có nhiều khả năng gặp rắc rối nhất, với hy vọng người gọi sẽ "suy nghĩ lại" trước khi tự tử.
Một trong những người mà Shiraishi được cho là đã ra tay sát hại từng viết trên Twitter hồi tháng 9 rằng cô muốn chết nhưng "sợ chết một mình".
Trong nhiều trường hợp, những người muốn tự tử sẽ dừng lại vì họ không thể vượt qua nỗi sợ chết chóc.
Nghi phạm Shiraishi trên xe cảnh sát. Ảnh: Kyodo. |
Igawa bày tỏ lo ngại rằng Internet có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn. "Bây giờ người ta có thể dễ dàng vượt qua rào cản trên (sợ chết) sau khi tìm thấy bạn đồng hành (để tự tử) trên mạng", anh nói.
Eiichi Shinohara, giám đốc một nhóm phòng chống tự tử hoạt động tại tỉnh Chiba, nói rằng anh lo lắng về nguy cơ xảy ra sự việc như vụ giết người ở Zama.
Shinohara từng nói về giá trị của cuộc sống trong một bài thuyết trình gần đây trước các học sinh cấp hai và cấp ba. "Tôi cảm thấy gần đây, cách nhìn cuộc sống của người ta ngày càng thiếu nghiêm túc hơn", anh nói.
Shinohara nói ngày càng có nhiều người trở nên đơn độc trong môi trường đô thị, các mối quan hệ của họ cũng ít hơn. Theo anh, các nạn nhân nữ của Shiraishi có thể đã tự tách mình ra khỏi đời sống xã hội.
"Không có ai xung quanh (các nạn nhân) mà lẽ ra đã có thể ngăn cản họ sao?" Shinohara nói. Anh cho rằng vấn đề này không phải là thứ có thể vứt sang một bên như chuyện của ai đó.
Tìm 'bạn đồng hành'
Những người gặp khó khăn nghiêm trọng có thể dễ bị tổn thương trước hiểm họa từ việc kết nối với những người lạ mặt trên mạng, giống như vụ việc ở Zama.
Twitter và các mạng xã hội khác, cũng như các website đăng tin trực tuyến, đều tràn ngập những dòng như "Van xin mọi người hãy chết", và "Nếu chúng ta tập hợp, việc đốt than là cần thiết" - ám chỉ một cách tự tử. Một số trang web đăng hình ảnh cho thấy những viên thuốc (để tự sát) với số lượng lớn.
Takae Moriyama, đại diện của một tổ chức phi lợi nhuận có tên là 3keys, cung cấp hỗ trợ trong các vấn đề của người trẻ, đã cảnh báo về sự dễ dàng của việc tìm kiếm thông tin liên quan đến tự sát trên mạng.
"Người ta có thể dễ dàng truy cập các trang web về tự sát bằng cách gõ 'tôi muốn chết' trên công cụ tìm kiếm", Moriyama nói.
Các website cho phép người có ý định tự tử dễ dàng tìm kiếm "bạn đồng hành" để vượt qua nỗi sợ cái chết. Ảnh: Reuters. |
Trung tâm Đường dây nóng Trực tuyến Nhật Bản đã nhận 257 báo cáo về các bài viết trực tuyến nhằm kích động tự sát hoặc cảnh báo về những nỗ lực tự sát trong năm 2016. Đối với những trường hợp được coi là cấp bách, cảnh sát cố gắng xác định những người đăng tải thông tin và thuyết phục họ không tự kết liễu đời mình.
Trong 257 báo cáo, 242 trường hợp liên quan đến các website trong nước, trung tâm cho biết. Trung tâm này được Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) ủy quyền thu thập báo cáo từ người dùng Internet về thông tin bất hợp pháp.
Theo NPA, năm ngoái cảnh sát đã nhận được thông tin về 156 người sau khi thẩm vấn những người điều hành website và những người khác về các cảnh báo tự tử khẩn cấp trên mạng. Trong số những trường hợp đó, ba người đã chết và năm người được giải cứu sau khi nỗ lực tự tử. Cảnh sát đã ngăn cản người tự tử, trong khi 79 người không có nguy cơ tự sát. 26 trường hợp còn lại không được nêu chi tiết.
Nobuo Komiya, giáo sư về tội phạm học của Đại học Rissho, cho biết nhiều trường hợp trong số những người muốn tự kết thúc cuộc sống của mình thường trải qua căng thẳng có gốc rễ sâu xa, và tin nhắn từ một người lạ mặt trên mạng có thể "được xem như là có người hiểu mình".
Cảm giác này thôi thúc họ sắp xếp một cuộc hẹn, Komiya nói.
Trò chơi mèo vờn chuột
Mặc dù có những mối nguy như đã đề cập, thực tế là rất khó để quản lý các trang web như vậy.
Năm 2016, Nhật là nước có tỷ lệ tự tử cao thứ hai trong các nước G8. Đồ họa: Japan Times. |
"Thật khó để đánh giá mức độ nguy hiểm (của các website như vậy), và việc tăng cường trấn áp sẽ gây ra tranh cãi lớn vì sẽ phải giải quyết vấn đề về tự do ngôn luận", một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp cho biết.
Các quan chức nói đến nay, "cảnh sát sẽ phải tiếp tục trò chơi mèo vờn chuột, ban hành cảnh báo mỗi lần họ tiến hành các cuộc kiểm tra trực tuyến".
Theo thống kê của chính phủ hồi tháng 5 với số liệu năm 2016, tỷ lệ tự sát tại Nhật Bản cao thứ sáu trên thế giới và đứng thứ hai trong số 8 nước công nghiệp phát triển (G8).
Sách trắng của chính phủ cho thấy số người tự tử đã giảm xuống còn 21.897 người vào năm 2016, mức thấp nhất trong 22 năm. Tuy nhiên con số này cũng cho thấy tự sát là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số 5 nhóm tuổi từ 15 đến 39, một xu hướng nổi bật giữa sự giảm tỷ lệ tự sát ở các thế hệ khác.