Vụ việc đau lòng xảy ra chiều 15/3 tại khu đồng ruộng thuộc khu phố 1, thị trấn Hóc Môn.
Ông Đặng Quang Sang, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND Huyện Hóc Môn, cho biết, nơi xảy ra vụ tai nạn là bãi thả diều tự phát của người dân tồn tại 4-5 năm qua. “Đây là lần đầu tiên có người mang diều lớn như vậy đến thả ở đây, họ không xin phép chính quyền địa phương” - ông Sang nói.
“Chừng nào có tiền mẹ mua cho con con diều”
Trưa 16/3, tại ấp Xuân Thới Đông 2 (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn), đông đảo bà con lối xóm đến chia sẻ về cái chết bất ngờ của bé Đạt. Đứng trước di ảnh Đạt, bà Hà Thị Mai (57 tuổi, bà ngoại bé Đạt) nhớ lại cảnh chứng kiến cháu mình bay lên rồi rơi xuống đất mà vẫn chưa hết bàng hoàng.
Bà Mai kể trước giờ sinh bé Đạt, chị Văn Thị Thanh Thúy (27 tuổi, mẹ bé Đạt) ăn đến 2 kg trái chôm chôm, nên người trong gia đình gọi bé với cái tên ngộ nghĩnh là Chôm Chôm. Trong những ngày bán nước tại đồng diều, bé Đạt ra chơi lần thứ ba thì gặp nạn.
Chiều hôm xảy ra vụ việc, bé Đạt xin bà ngoại nói với mẹ cho đi theo phụ mẹ bán nước. “Nó ngoan lắm, mẹ nó không cho đi nhưng nó cứ xin tui, nói mẹ cho đi theo phụ. Mẹ nó thấy thương nên cho theo, nào ngờ xảy ra sự việc” - bà Mai nghẹn lời.
Theo lời bà Mai, trước khi con diều cuốn bé Đạt bay lên không trung thì diều đã bay lên rớt xuống nhiều lần. Lần cuối diều rơi xuống ngay chỗ bà Mai và Đạt đang ngồi.
Ông Đỗ Văn Lựu - Chủ nhiệm câu lạc bộ diều Sài Gòn kể lại vụ tai nạn làm chết bé Đạt. |
“Lúc đó, Đạt ngồi cách tui chỉ có 1 m. Khi con diều sà xuống, tui quay lại thì thấy diều đã cuốn nó bay lên cao rồi. Tui và mẹ nó vừa chạy vừa la mọi người cứu nhưng không kịp. Chỉ trong tích tắc, thằng nhỏ rơi xuống đất...” - bà Mai vừa nói vừa quệt ngang dòng nước mắt.
Lúc diều cuốn Đạt lên, bà Mai và chị Thúy chạy theo, nhưng nó đã bay xa khoảng 50 m và bay cao lên 20 m. Khi bé Đạt rơi xuống, bà Mai còn cách tới 10 m, đành bất lực nhìn cháu rơi xuống. Chị Thúy đang mang thai bảy tháng đuổi theo nhưng bị té, chị bò dậy, chạy đến ôm con, áp má vào ngực mà không còn nghe tiếng thở của con nữa.
Chị Thúy cho biết thỉnh thoảng Đạt mới xin mẹ đi ra đồng diều. “Nó nói với tôi chừng nào mẹ làm có tiền mẹ mua cho con con diều con thả nha. Không ngờ diều cuốn con tôi đi. Tôi đuổi theo nhưng không đuổi kịp” - chị Thúy nấc nghẹn.
“Sự trùng hợp kỳ lạ”
Ông Đỗ Văn Lựu - Chủ nhiệm CLB diều Sài Gòn (nhóm chơi diều) - nói khi xảy ra tai nạn, ông đang đứng cách xa con diều khoảng 40 m, nghe mọi người la lên thì nhìn thấy bé Đạt đang bị quấn vào một sợi dây thừng nối thân diều với đuôi diều.
“Sự việc diễn ra chưa đến 20 giây, tôi cố chạy thật nhanh tới để hứng lúc bé rơi xuống nhưng bé rơi xuống cách tôi chưa đầy 1 m. Nếu lúc đó có ai đó đỡ được hoặc bé rớt chậm hơn một tí nữa thì đã không sao rồi” - ông Lựu tiếc nuối.
Theo ông Lựu, trước khi cho diều bay lên, ông có kiểm tra sự an toàn xung quanh con diều. Sau khi diều bay lên thì gia đình bé Đạt mới dọn hàng ra và con diều lại rơi xuống đúng vị trí dọn hàng. Các thành viên CLB lập tức chuẩn bị các khâu cho diều bay lên lại, chưa hô khẩu lệnh thì diều gặp gió, bất ngờ bay lên cuốn theo bé Đạt.
Mọi người gần đó thấy vậy nắm kéo đuôi diều lại nhưng bị đứt, nên diều vẫn bay lên. “Đây là một sự trùng hợp kỳ lạ, bé Đạt trở thành cái đuôi cho con diều cân bằng để bay lên. Vì theo nguyên tắc nếu diều đứt đuôi thì sẽ mất thăng bằng và không bay lên được” - ông Lựu nói.
Sau khi xảy ra tai nạn, ông Lựu và những thành viên trong CLB hô hấp nhân tạo cho bé Đạt rồi chuyển ngay tới bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Trước mắt, CLB lo viện phí và hỗ trợ tiền mai táng cho gia đình bé Đạt tổng cộng 26,6 triệu đồng.
Không ai quản lý
Ông Huỳnh Công Bình (tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ - du lịch sinh thái biển Tiếng Sóng, phó ban tổ chức Hội thi diều nghệ thuật 2014 tại TP HCM) cho biết những con diều lớn với diện tích hàng chục mét vuông có sức kéo rất lớn khi gặp gió, phải có hai - ba người điều khiển khi diều lên cao, còn lúc ở dưới đất cũng phải có khoảng 10 người để căng con diều ra, hứng gió trước khi tung diều lên theo đà gió.
Việc đảm bảo an toàn cho bản thân người chơi và những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em không thể xem nhẹ. Đối với người chơi diều, dù là người lớn nhưng nếu không có kỹ thuật cũng có khả năng bị con diều cuốn lên cao.
Ông Bình khẳng định rất nhiều câu lạc bộ diều hoạt động tự phát, không có quyết định thành lập của cơ quan chức năng theo quy định.
Trách nhiệm quản lý việc chơi diều thuộc chính quyền địa phương. Chỉ khi nào có đơn vị tổ chức các cuộc thi, ngành văn hóa - thể thao mới xem xét cấp phép, đồng thời quản lý trong thời gian tổ chức.
Theo ông Đặng Quang Sang, sau khi xảy ra vụ tai nạn, UBND huyện đã nghiêm cấm việc thả diều lớn tại khu vực xảy ra tai nạn. UBND huyện cũng đã đến thăm hỏi và hỗ trợ gia đình nạn nhân 15 triệu đồng, UBND thị trấn Hóc Môn hỗ trợ 2 triệu đồng.
Vay tiền lo viện phí
Cả gia đình bà Mai, chị Thúy 18 người ở chung trong một căn nhà khoảng 30 m2. Ban ngày, mọi người đi làm hết thì nhà còn rộng, ban đêm thì chật kín, không có chỗ đi.
Thời điểm đưa bé Đạt vào bệnh viện, gia đình bà Mai phải đi vay tiền lo viện phí vì cả ba mẹ con có mấy trăm ngàn đồng làm vốn mua nước để bán. Ba của bé Đạt đang đi làm thuê ở rẫy cà phê tận Đắk Lắk.