Bé Yamato Tanooka sống sót sau gần một tuần giữa rừng sâu bằng cách trú ẩn trong một doanh trại quân đội và uống nước từ vòi tại đây để cầm cự. Cậu bé chỉ được cứu khỏi khu rừng sau khi một binh sĩ tình cờ phát hiện ra em hôm 3/6. Khi đó bé Yamato trông hơi mệt mỏi nhưng khỏe mạnh. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ xác nhận, em bị suy dinh dưỡng nhẹ và mất nước.
Sống sót kỳ diệu
Sự việc cậu bé 7 tuổi sống sót sau 6 ngày trong rừng được cho là điều kỳ diệu. Tuy nhiên, nhiều người tỏ sự phẫn nộ trước cách dạy con của cha mẹ cậu bé khi phạt một đứa trẻ mắc lỗi bằng cách bỏ rơi em trong khu rừng trên đảo Hokkaido. Khu rừng này vốn là nơi sinh sống của loài gấu và thời điểm bé Yamato bị lạc, trời đổ mưa.
Theo cha mẹ Yamato, sau vài phút bỏ con lại giữa đường nhằm răn đe cậu bé vì nghịch ngợm, họ quay lại tìm con nhưng không thấy. Những người chỉ trích cho rằng hành động của cha mẹ bé Yamato là không thể tha thứ.
Sau khi đi bộ nhiều cây số, Yamato tìm thấy một túp lều trống trong doanh trại quân đội. Những ngày sống trong rừng, cậu bé phải đối mặt với thời tiết lạnh giá dưới 10 độ C vào ban đêm trong khi em chỉ mặc quần jean cùng chiếc áo phông ngắn tay. Cậu bé đã phải chui giữa hai tấm nệm để ngủ, không có thức ăn và chỉ uống nước từ vòi ở doanh trại. Khi được binh sĩ tìm thấy và cho cơm nắm, cậu bé ăn ngấu nghiến vì đói.
Bé Yamato được tìm thấy đang nằm co ro giữa hai tấm nệm. Ảnh: AP
|
Con người có thể sống sót dù cơ thể không được nạp thức ăn. Nhưng các chuyên gia nhấn mạnh, nếu chỉ uống nước mà không ăn, con người sẽ kiệt sức. Trường hợp bé Yamato là một kỳ tích bởi người lớn còn khó chống cự trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, huống chi là một đứa trẻ chỉ 7 tuổi.
Daijiro Hashimoto, một cựu quan chức Nhật Bản, chia sẻ cảm xúc trên kênh TV Asahi, sau khi nhận tin bé Yamato đã trở về an toàn. “Tôi luôn tự hỏi làm thế nào cậu bé có thể chịu đựng được nỗi cô đơn trong những ngày đó, đặc biệt là ban đêm. Có lẽ, cậu bé đã tưởng tượng mình đang trong một chuyến phiêu lưu và doanh trại chính là nơi ẩn nấp bí mật. Tuy nhiên, dù với suy nghĩ gì, để chờ đến khi được cứu, chắn chắn cậu bé đã phải giữ một thái độ rất tích cực. Tinh thần của cháu rất tuyệt vời”, ông nói.
Phơi bày hiện trạng
Theo ABC News, sự việc bé Yamato phản ánh thực trạng các thế hệ trong một gia đình sống ngày càng tách biệt, tình trạng phổ biến trong xã hội hiện đại Nhật Bản. Đó là khi những người trẻ không nhận được đủ những lời khuyên hữu ích về cách nuôi dạy con từ ông bà của bọn trẻ.
Mitsuko Tateishi, một nhà giáo dục từng viết sách kêu gọi các bà mẹ trẻ hãy thoải mái trong cách nuôi dạy con, cho rằng, một số phụ huynh đang sa vào cái gọi là "áp lực của một người mẹ tốt". Họ muốn con mình phải nổi bật và thường so sánh chúng với những trẻ khác.
Tateishi nhấn mạnh rằng, khi trẻ mắc sai lầm, phụ huynh cần bình tĩnh giải thích điều đúng sai để các bé hiểu, thay vì phạt bằng cách bỏ rơi.
Takayuki Tanooka cúi đầu nhận lỗi sau khi để con đi lạc vào rừng. Ảnh: AP |
Xuất hiện bên ngoài bệnh viện nơi Yamoto phục hồi sức khỏe, Takayuki Tanooka, cha cậu bé, cúi đầu xin lỗi và cảm ơn mọi người đã giải cứu con trai ông. Tanooka khẳng định sẽ cố gắng làm tốt hơn trong vai trò là một người cha.
“Chúng tôi đã nuôi dạy bé với tất cả tình yêu thương. Tôi thực sự không nghĩ mọi chuyện trở nên như vậy. Chúng tôi đã hành xử quá mức”, người cha 44 tuổi thừa nhận.
Tình trạng bỏ rơi và lạm dụng trẻ em ngày càng phổ biến tại Nhật Bản. Nhiều phụ huynh còn áp dụng các biện pháp kỷ luật hà khắc với con em họ, gồm đánh đập và tống khỏi nhà dù trời giá rét.
Nhiều trường hợp trẻ bị bỏ đói được ghi nhận trong thời gian gần đây. Thậm chí, tình hình trở nên báo động nếu các quan chức trường học địa phương và cộng đồng không có những phản ứng phù hợp khi thấy cơ thể trẻ có vết bầm tím hay khi các em kiệt sức vì đói. Nhật Bản từng ghi nhận trường hợp một bé 3 tuổi bị cha mẹ em trói vòng vào cổ và nhốt trong phòng. Người cha sau đó bị bắt.
Báo cáo của cảnh sát Nhật gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ em bị bạo hành đang gia tăng, với con số gấp đôi, lên tới 74.000 trường hợp mỗi năm trong vòng 10 năm qua. Cảnh sát Nhật đã truy tố 700 vụ, gấp 3 lần so với một thập kỷ trước. Trong khi đó, hơn 2.000 trẻ được chuyển từ gia đình tới trung tâm bảo vệ thiếu nhi mỗi năm.