"Chàng rể quốc dân" Lee Seung Gi trở lại màn ảnh với tác phẩm trinh thám kinh dị Mouse. Tính đến hiện tại, phim đã chiếu được 6 tập và đang duy trì mức rating ổn định từ 5-6%, tập mới có rating cao nhất và chạm mốc 7,5% ở khu vực Seoul.
Rating không quá cao nhưng nội dung của Mouse được nhiều khán giả đánh giá tốt, diễn xuất của dàn sao thực lực Lee Seung Gi, Lee Hee Joon, Ahn Jae Wook... cũng gây ấn tượng mạnh với khán giả.
Kịch bản dựa trên vụ án mạng có thật
Mouse được gắn mác 19+ vì khai thác các vụ án mạng man rợ. Trong Mouse, con người có thể xác định những kẻ biến thái đa nhân cách thông qua xét nghiệm ADN từ khi họ mới chỉ là một bào thai trong bụng mẹ. Tác phẩm theo chân hai nhân vật chính gồm nam cảnh sát Jung Bae Reum (Lee Seung Gi) và Go Moo Chi (Lee Hee Joon) truy đuổi “kẻ săn người”.
Phim mới của Lee Seung Gi dựa trên vụ án mạng có thật xảy ra tại Incheon (Hàn Quốc) năm 2017. |
Chủ đề sát nhân là những kẻ biến thái đa nhân cách được đạo diễn Choi Joon Bae lấy ý tưởng từ một thảm kịch có thật xảy ra tại Incheon vào năm 2017. Từ vụ án có thật trên, biên kịch và đạo diễn của Mouse đã xây dựng nên cốt truyện xoay quanh quá trình hình thành và chuyển biến tâm lý của những kẻ thủ ác mắc chứng rối loạn đa nhân cách.
Vụ án thật xảy ra vào ngày 29/3/2017 tại phường Dongchun, quận Yeonsu, thành phố Incheon (Hàn Quốc). Nữ sinh 16 tuổi họ Kim đã sát hại một bé gái 8 tuổi (gọi là A), sau đó phân chia nhỏ cơ thể nạn nhân và giấu xác ở nhiều nơi.
Theo thông tin được lưu trữ trên NamuWiki, sau khi bắt được Kim, cảnh sát điều tra và phát hiện Kim thường xuyên tìm kiếm và viết những dòng tweet có nội dung về việc giết người trên Twitter. Đây cũng là nơi Kim quen biết Park (18 tuổi) - đồng phạm trong vụ án mạng chấn động dư luận vào năm 2017.
Người dân khu vực xảy ra vụ án cho biết Kim thường ngồi dưới sân chơi của khu chung cư và quan sát những đứa trẻ trong thời gian khá dài. Tới khoảng 13h ngày 29/3/2017, khi A đang chơi cùng hai bạn ở sân chơi, cô bé trông thấy Kim dùng điện thoại nên đã hỏi mượn để gọi cho bố mẹ vì bố mẹ vắng nhà. Kim nói rằng điện thoại hết pin và đề nghị A cùng lên nhà của Kim để dùng điện thoại bàn.
Vụ án nữ sinh 16 tuổi Kim sát hại bé gái 8 tuổi khiến dư luận Hàn Quốc rúng động. |
Theo điều tra của cảnh sát, thời điểm đó, điện thoại Kim vẫn còn pin. Do đó, Kim đã cố tình nói dối để dụ A đi lên căn hộ của thủ phạm. Căn hộ của Kim nằm ở tầng 15, nhưng do ý thức trước việc sẽ bị camera an ninh ghi lại, Kim cố tình dừng thang máy ở tầng 13 và dắt nạn nhân đi thêm hai tầng bằng cầu thang bộ.
Tới khoảng 15h, khi A đang chơi cùng mèo trong nhà, Kim đã siết cổ cô bé. Sau quá trình gây án, Kim liên tục nhắn tin báo cáo với đồng phạm họ Park. Theo NamuWiki, kiểm tra điện thoại của Kim, cảnh sát vẫn tìm thấy các tin nhắn như "lên tới nhà rồi", "một bé gái còn sống", "tôi siết cổ đứa bé bằng dây rồi"... Park cũng liên tục cảnh báo Kim phải "quan sát camera an ninh".
Vụ án gây chấn động Hàn Quốc bởi sự man rợ, kinh hoàng mà Kim và Park đã tiến hành với thi thể nạn nhân. Họ còn nhắn cho nhau những tin nhắn khiến chính cảnh sát cũng bàng hoàng.
Thủ phạm mắc chứng rối loạn đa nhân cách
Khi bị bắt và đưa ra tòa, Kim liên tục khẳng định bản thân không nhớ gì về vụ án, đồng thời nói rằng "A đang hành hạ con mèo". Phía luật sư biện hộ cho Kim đưa ra quan điểm thủ phạm đang điều trị chứng trầm cảm và rối loạn đa nhân cách, đây được cho là cơ sở để giảm án.
Thực tế, khẳng định và đưa ra bằng chứng chứng minh thủ phạm mắc bệnh tâm thần là phương pháp thường thấy trong các vụ án mạng, nhằm giúp thủ phạm giảm án tù, hoặc thậm chí không bị bỏ tù. Tuy nhiên, phía công tố viên cho rằng Kim đủ tỉnh táo để đánh lừa cảnh sát bằng việc thay trang phục khác, di chuyển bằng thang bộ để tránh camera an ninh, do đó không thể sử dụng lý do trên để xin giảm nhẹ mức án.
Trong phiên xử diễn ra ngày 15/6/2017, luật sư đưa ra hồ sơ bệnh án cho thấy Kim mắc chứng tự kỷ, trầm cảm và rối loạn đa nhân cách. "Cô Kim ra khỏi phòng mình và vô tình sát hại nạn nhân sau khi gặp ảo giác rằng nạn nhân đang hành hạ chú mèo của mình", luật sư của Kim nói, theo NamuWiki ghi lại.
Vụ án được đưa ra xét xử nhiều lần và kéo dài trong hai năm, phía Kim và đồng phạm Park liên tục gửi đơn kháng cáo, đề nghị giảm mức án. Cuối cùng, vào ngày 13/9/2018, tòa tuyên án Kim 20 năm tù giam, đồng phạm họ Park 13 năm tù. Sau khi ra tù, Kim phải đeo vòng theo dõi điện tử ở cổ chân trong 30 năm.
Kim (phía trước) bị phạt 20 năm tù giam, trong khi đồng phạm họ Park (phía sau) chịu mức án 13 năm tù. |
Sở dĩ Kim chỉ bị phạt 20 năm tù vì khi gây án, Kim chưa đầy 18 tuổi. Theo thông tin được lưu trữ tại NamuWiki, vì Kim chỉ mới 16 tuổi vào năm 2017, nên dù gây ra tội ác gì cô cũng chỉ bị kết án tối đa 20 năm tù giam. Phía Kim từng đưa ra lập luận rằng thủ phạm mắc bệnh tâm thần và sức khỏe suy yếu vào thời điểm gây án, nên mức án 20 năm tù và đeo vòng theo dõi điện tử 30 năm là quá nặng.
Đáp trả lập luận của luật sư biện hộ, đơn vị công tố nói: "Kể cả khi Kim mãn hạn tù, không điều gì đảm bảo suy nghĩ và những kế hoạch tàn ác của Kim đã biến mất".
Một chi tiết kiến dư luận Hàn Quốc rúng động là sự lạnh lùng, vô cảm của Kim trong một phiên xét xử. Khi mẹ của nạn nhân hỏi Kim có điều gì muốn trình bày, Kim đáp: "Thời tiết đẹp thế này mà tôi không thể đi xem hoa anh đào nở".
Câu trả lời của Kim khiến dư luận bàng hoàng nhận ra thủ phạm không hề cảm nhận được nỗi đau mình đã gây ra cho gia đình nạn nhân.
"Tôi muốn bị cáo hiểu rằng con gái quý giá với gia đình tôi thế nào", mẹ nạn nhân bộc bạch. Thậm chí, tới thời điểm làm đám tang cho A, cảnh sát vẫn chưa tìm được toàn bộ các phần thi thể của nạn nhân.
Biên kịch Choi Ran đã viết nên kịch bản phim Mouse dựa trên vụ án kinh hoàng trên. Chia sẻ với truyền thông, ê-kíp cho biết biên kịch muốn những người mắc chứng đa nhân cách nhìn nhận, suy ngẫm lại hành động của bản thân. "Ngay cả khi cơ hội là rất nhỏ, hy vọng những kẻ tội phạm đa nhân cách theo dõi phim và nhìn nhận được lỗi lầm của bản thân", đại diện ê-kíp sản xuất chia sẻ.
Dựa trên vụ án có thật, biên kịch Choi Ran viết kịch bản phim về tội phạm mắc chứng rối loạn đa nhân cách. |